Trải qua hàng chục năm nghiên cứu và phát triển, iPhone hiện đã trở thành một trong những dòng sản phẩm đắt tiền được săn đón nhiều nhất trên thế giới. Ngay từ thế hệ đầu tiên, iPhone đã có nhiều trang bị đột phá, tuy nhiên, ít người biết rằng vào năm 2007, khi iPhone 2G được ra mắt, chiếc điện thoại này thậm chí còn không có một tính năng cơ bản là Copy – Paste (Sao chép và dán). Giờ đây, điều bí ẩn này đã được một cựu kỹ sư của Apple lý giải.
Trong một bài viết trên Twitter vừa qua, Ken Kocienda, cựu kỹ sư Apple cho dí dỏm cho hay: “iPhone thế hệ đầu không có tính năng cut, copy, paste. Lời giải thích ngắn gọn nhất là chúng tôi không có thời gian để làm. Chúng tôi có quá nhiều công việc phải hoàn thành”. Tuy nhiên, câu chuyện thật sự đằng sau không phải như vậy. Theo ông, nhóm nghiên cứu đã bỏ qua tính năng này để tập trung phát triển những tính năng khác quan trọng hơn. Chẳng hạn như tạo ra bàn phím ảo của iPhone và hệ thống tự động sửa lỗi. Do đó, sau khi iPhone 2G ra mắt thì các kỹ sư của Apple mới nghiên cứu Copy – Paste. Tuy nhiên, nhóm cũng mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện trước khi phát hành chính thức.
Song song với việc phát triển Copy – Paste, Ken Kocienda cùng các đồng nghiệp cũng nghiên cứu thêm các tính năng bổ trợ như tính năng “phóng đại chữ viết” để cho người dùng biết chính xác con trỏ văn bản ở đâu, từ đó thao tác dễ dàng hơn trên màn hình cảm ứng. Ngoài ra, một chi tiết thú vị khác về hệ thống nhập trên iPhone là tất cả văn bản ở thời điểm đó đều dựa trên WebKit. Điều này có nghĩa là mỗi khi một ứng dụng sử dụng phông chữ tùy chỉnh, hệ thống sẽ hiển thị một website nhỏ để hiển thị tạm thời. Khi các đoạn văn bản không ở chế độ chỉnh sửa, chúng sẽ hiển thị nội dung ở dạng tĩnh để tiết kiệm CPU, RAM và pin.
Phải mất đến 2 năm sau, tức là thời điểm iPhone 3Gs ra mắt vào năm 2009, tính năng Copy – Paste mới chính thức được giới thiệu trên iOS 3.0. Khi đó, Apple đã quảng cáo mạnh mẽ trên nhiều nền tảng truyền thông và tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là một tính năng quan trọng trên mọi thiết bị điện tử.