Góc nhìn

Chờ đợi điều gì ở smartphone trong năm 2022 ?

0

Năm 2021 vừa khép lại với nhiều biến động trong thế giới smartphone. Người dùng chúng ta ngày càng có nhiều sự lựa chọn khi các hãng điện thoại cạnh tranh nhau ngày càng khốc liệt. Ví dụ như Oppo Find N đã để lại quá nhiều ấn tượng hay Redmi 10 phá giá thị trường khi đưa màn hình tần số quét cao xuống phân khúc giá rẻ,… Tuy nhiên thị trường như vậy dường như là chưa đủ khi thị trường smartphone luôn thay đổi và nó buộc các nhà sản xuất phải không ngừng hoàn thiện. Vậy trong năm 2022, họ sẽ phải làm những gì nếu không muốn bị bỏ lại ?

Cam kết hỗ trợ cập nhật lâu hơn 

Khi người dùng bỏ ra một số tiền để sở hữu một món đồ gì đó, chắc chắn họ sẽ muốn gắn bó với nó lâu dài; và điện thoại cũng không phải ngoại lệ. Bất kể sản phẩm cao cấp, tầm trung hay giá rẻ, chúng đều là những đứa con tinh thần mà các nhà sản xuất đã tâm huyết tạo nên. Vì vậy, chúng xứng đáng được nhận những sự quan tâm, chăm sóc lâu dài hơn là việc sau khi có được doanh số nhất định sẽ rơi vào hoàn cảnh “đem con bỏ chợ”. Trên thị trường hiện nay, phần lớn các mẫu điện thoại Android cao cấp thường chỉ được cam kết cập nhật 2 năm cho hệ điều hành và 3 năm cho những bản vá bảo mật. Chúng quá ít ỏi khi so sánh với những chiếc điện thoại iPhone đến từ Apple. Mặc dù việc cập nhật phần mềm không được nhiều người dùng quá chú trọng nhưng đó là điều cần thiết vì nó không chỉ giúp cho các thiết bị ổn định hơn mà còn giúp sửa được những lỗ hổng bảo mật. 

Trong những chiến dịch gần đây của mình, Samsung cũng đã cam kết rằng họ sẽ hỗ trợ cập nhật lâu dài hơn không chỉ với các mẫu flagship mà còn cả những chiếc điện thoại dòng A tầm trung, cụ thể là 3 năm cho hệ điều hành và 4 năm cho những bản vá bảo mật. Oppo, Nokia, Vivo, Oppo và Xiaomi cũng có những động thái tương tự nhưng họ thường ưu ái hơn cho những sản phẩm cao cấp gần đây của mình. Tuy nhiên những mẫu flagship được ra mắt từ đầu năm ngoái như Vivo X60 hay Xiaomi Mi 11 đang có nguy cơ không được cập nhật dù chưa được 1 năm tuổi. Điều này có thể thấy sự hạn chế trong việc ra mắt quá nhiều sản phẩm nhưng không thể hỗ trợ tất cả đã khiến cho hình ảnh của các smartphone Android không gây được quá nhiều thiện cảm với các fan của Apple. Vì vậy, hy vọng trong năm 2022, các nhà sản xuất Android có thể phần nào khắc phục điều này.

Cung cấp bộ sạc đi kèm

Kể từ khi Apple loại bỏ đi bộ sạc trên iPhone 12 với lý do bảo vệ môi trường vào năm 2020. Rất nhiều các hãng Android khác đã nhanh chóng học tập theo, điển hình như Galaxy S21 hay gần đây là Google Pixel 6. Rõ ràng, đây là một động thái không hề tốt đẹp với người dùng khi quyền lợi của họ sẽ bị tước mất một cách trắng trợn. Giờ đây, sau khi mua một chiếc điện thoại đập hộp, người dùng có nguy cơ phải mất thêm một khoản tiền không nhỏ cho những phụ kiện mà đáng ra mình phải nhận được miễn phí.

Mặc dù có rất nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ không thể giảm thiểu tác động của rác thải điện tử đến môi trường nhưng các hãng, đặc biệt là Apple vẫn cho rằng mình đúng khi tiếp tục duy trì điều này đến iPhone 13 series. Tuy nhiên, rất may là trong năm 2021, Xiaomi 11 series đã không đi theo xu hướng này khi họ đã cho người dùng 2 sự lựa chọn có hoặc không có bộ sạc với cùng 1 mức giá. Đây chắc chắn là điều mà các hãng nên học hỏi Xiaomi vì hành động quá tâm lý đến từ nhà sản xuất Trung Quốc.

Thống nhất và cải thiện quy chuẩn sạc nhanh

Trên thị trường hiện nay, dù hầu hết các nhà sản xuất Android đều đã sử dụng giao thức USB-C cho những chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên họ vẫn tự phát triển và cung cấp cho những bộ sạc của mình những quy chuẩn sạc nhanh khác nhau, điển hình như Oppo với VOOC, Samsung với Super Fast Charging, Xiaomi với Hypercharge hay Super Flash Charge của Vivo. Điều này vô tình tạo nên sự độc quyền không cần thiết và gây hiểu lầm cho người dùng. Chẳng hạn như một người không quá rành về công nghệ, họ có thể sử dụng 1 bộ sạc của Oppo cho các dòng máy khác như Samsung hoặc Xiaomi. Kết quả là máy sạc chậm và pin có nguy cơ ảnh hưởng vì không tương thích bộ sạc.

Nếu như các nhà sản xuất không muốn từ bỏ công nghệ độc quyền của mình thì họ hoàn toàn có thể tích hợp thêm một chuẩn sạc nhanh như USB-PD, PPS hoặc Quick Charge vào bộ sạc riêng của mình. Đây đều là những công nghệ được đưa ra nhằm giảm thiểu rác thải điện tử và tạo ra một quy chuẩn sạc chung trong tương lai. 

Thêm nhiều điện thoại gập

Nếu như nhắc đến điện thoại gập, chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến Z Fold 3 và Z Flip 3, vì đơn giản trong năm vừa qua Samsung đã chiếm sóng gần như toàn bộ phân khúc điện thoại gập. Họ không chỉ làm tốt về chất lượng sản phẩm mà các chiến dịch quảng bá trên toàn cầu cũng thu về rất nhiều sự quan tâm. Mãi cho đến cuối năm 2021, đối thủ có thể cạnh tranh sòng phẳng được với bộ đôi điện thoại gập nhà Samsung là Oppo Find N mới chính thức xuất hiện. Sau đó lần lượt là Huawei với P50 Pocket và Honor với Magic 5. Tuy nhiên đáng tiếc là 2 sản phẩm đó chưa có kế hoạch bán rộng rãi trên toàn cầu.

Rõ ràng với quá ít đối thủ và lợi thế sẵn có của mình thì không có nhiều lý do để người dùng sẽ bỏ qua Z Fold và Z Flip để lựa chọn các sản phẩm điện thoại gập khác. Vì vậy, 2022 sẽ là thời điểm khá lý tưởng để các hãng tham gia vào thị trường điện thoại gập, từ đó cuộc cạnh tranh trên sẽ trở nên hấp dẫn và người dùng sẽ có quyền được lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình.

Tổng kết

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dùng cũng từ đó mà tăng cao nên chúng ta được quyền có những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn ở những sản phẩm công nghệ. Và hy vọng trong năm 2022, chúng ta sẽ được đón nhận thêm nhiều sản phẩm chất lượng.

Đánh giá iPhone X sau 4 năm ra mắt: Vẫn sang đấy nhưng pin thì…

Previous article

iPhone 12 một năm tuổi có ngon hơn “Flagship giá rẻ” Galaxy S21 FE?

Next article