Gần 1 tháng sau cuộc biểu tình của hàng loạt công nhân trong nhà máy Foxconn thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Apple cuối cùng cũng đã trực tiếp ra mặt để giải quyết vụ việc lần này. Nguồn tin từ South China Morning Post cho biết, đại diện của Apple đã có mặt tại Trịnh Châu và đang tìm cách xử lý vụ việc một cách nhanh chóng nhất.
Trích lời từ phát ngôn viên của Apple, người này cho biết: “Chúng tôi đang xem xét tình hình và hợp tác chặt chẽ với Foxconn để đảm bảo các mối lo ngại của các công nhân được giải quyết.” Đây cũng là lần đầu tiên Apple lên tiếng về những cuộc biểu tình trong suốt thời gian qua. Kể từ cuối tháng 10, các cuộc bạo động liên tiếp xảy ra bởi các công nhân lo ngại việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay siết chặt chính sách Zero-Covid. Vì thế, trước khi phong tỏa khu vực nhà máy Foxconn, hàng loạt công nhân đã lên kế hoạch bỏ trốn. Dẫu Foxconn cùng chính quyền địa phương đã công bố mức đãi ngộ tốt như trả lương cao kèm tiền thưởng, tuy nhiên động thái này cũng không thể dập tắt làn sóng biểu tình. Nguyên nhân chính được đưa ra là do Foxconn không đảm bảo những yêu cầu về phòng chống dịch và không quyết toán khoản trợ cấp đúng hạn.
Dù Apple không đề cập chi tiết về mức độ nghiêm trọng của đợt biểu tình lần này, tuy nhiên hãng đã xác nhận việc thiếu lao động đã khiến cho các lô hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max giảm 30%. Điều này cho các dịp mua sắm cuối năm của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, điển hình là Black Friday và lễ Giáng sinh cuối năm nay. Theo ước tính của Bloomberg, cứ mỗi tuần chậm trả hàng iPhone, Apple sẽ mất khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra, nếu tình hình không được cải thiện, Táo Khuyết sẽ thâm hụt khoảng 10 triệu chiếc iPhone trong quý 4 năm nay, tương đương 12% sản lượng máy xuất xưởng theo ước tính ban đầu.
Hiện đã có khoảng 20.000 công nhân nhận được khoản tiền 10.000 nhân dân tệ (34.5 triệu đồng) và rời khỏi nhà máy để giảm áp lực của cuộc biểu tình. Bên cạnh việc ổn định lại khu vực nhà máy tại Trịnh Châu, Apple cũng đã tìm cách chuyển năng lực sản xuất iPhone sang khu vực nhà máy khác tại tỉnh Giang Tô, nơi được cho là đã tăng 31% sản lượng để bù vào sự thiếu hụt tại Trịnh Châu.
Comments