Mobile World Congress (MWC) được dịch sang tiếng việt là Triển lãm Di động Toàn cầu. Đây là một sự kiện thường niên diễn ra trong tháng 2 hàng năm, đã bắt đầu từ năm 1987 và do hội liên hiệp GSM tổ chức. Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, MWC đã phải dừng tổ chức. Mãi đến năm nay (2022), MWC mới được tổ chức trở lại.
Tại MWC năm nay, các chương trình, sự kiện lớn vẫn đồng loạt được tổ chức bởi thương hiệu điện thoại Trung Quốc như OPPO, Honor, POCO và Huawei. Tuy nhiên, đáng chú ý là các thương hiệu điện thoại lớn đến từ các châu Âu hay châu Mỹ đều không có bất kỳ công bố nào tại triển lãm năm nay. Phải chăng, các thương hiệu đến từ Châu Âu hay Châu Mỹ đang coi thường MWC? Sân chơi của MWC giờ đây đã được nhường lại toàn bộ cho các thương hiệu điện thoại Trung Quốc?
Cũng như thông lệ hằng năm, MWC luôn là sân chơi thu hút các thương hiệu điện thoại tới từ Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, OPPO, Honor,… Với Honor, họ đã chính thức giới thiệu Honor Magic4 Series tại triển lãm năm nay. Đây là lần đầu tiên Honor giới thiệu flagship của họ đến thị trường phương Tây, kể từ khi họ tách ra khỏi Huawei. Honor Magic4 Series gây được nhiều sự chú ý với thiết kế đẹp, cấu hình cao, camera nâng cấp mạnh mẽ. Với mức giá mà hãng công bố, Honor bày tỏ rõ tham vọng cạnh tranh với Galaxy S22 series của Samsung.
Còn với OPPO, mặc dù họ đã ra mắt flagship hàng đầu của mình vào hôm 24/02, nhưng không vì thế mà họ bỏ qua MWC 2022. Họ tận dụng MWC năm nay để giới thiệu một số sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực AR và 5G. Với OPPO, MWC sẽ là nơi để đưa các sản phẩm công nghệ này đến với quốc tế dễ dàng hơn. Hay như POCO (thương hiệu con của Xiaomi), họ đã giới thiệu POCO X4 Pro 5G và POCO M4 Pro vào hôm 28/2 vừa qua. TCL cũng tận dụng cơ hội này để quảng bá điện thoại mới nhất của hãng là TCL 30 XE 5G và TCL 30 V5G,…
Apple, Samsung, Google không còn mặn mà với MWC
Tại MWC 2022, các thương hiệu đến từ Trung Quốc đều lần lượt ra mắt những sản phẩm mới nhất đến với công chúng. Vậy còn các thương hiệu lớn khác như Google, Apple hay Samsung đâu rồi? Câu trả lời đó là MWC đã không còn sức hút quá nhiều với các thương hiệu điện thoại lớn nữa. Điển hình như ông lớn Google, họ chưa từng giới thiệu bất cứ một chiếc điện thoại nào tại MWC. Còn với Apple, họ coi MWC như một sự kiện thông thường và từ lâu đã không có ý định tham gia vào triển lãm này. Ngay cả Samsung họ cũng đang dần dần từ bỏ việc giới thiệu điện thoại mới tại MWC. Lần gần nhất Samsung giới thiệu điện thoại mới tại MWC đó là vào năm 2018. Đến MWC 2022, Samsung chỉ mang tới triển lãm này những sản phẩm laptop phục vụ nhu cầu làm việc trực tuyến.
Rõ ràng, các ông lớn công nghệ này không quá quan tâm đến MWC. Với Samsung hay Apple, chúng ta đều thấy được sức hút ở những sự kiện mà họ tự tổ chức. Nó dần dần đã trở thành thương hiệu, thành dấu mốc mà người yêu công nghệ chờ đón các sản phẩm công nghệ mới. Một khi đã hình thành được những sự kiện có dấu ấn cá nhân, Apple hay Samsung sẽ không cần quan tâm tới MWC nữa.
Với Apple, hàng năm họ đều tổ chức rất nhiều sự kiện để ra mắt các sản phẩm mới. Thậm chí, sự kiện mùa thu đã trở thành thông lệ để Táo Khuyết công bố các mẫu iPhone mới. Các sự kiện mà Apple tổ chức đều thu hút được hàng triệu lượt xem trên toàn cầu, qua đó chứng minh được sức hút mà chúng mang lại. Hay với Samsung, sự kiện Unpacked hàng năm của họ cũng vô cùng ấn tượng với những chiếc Galaxy S series mới vào đầu năm và Galaxy Z Fold vào nửa cuối của năm…. Nhìn chung, các sự kiện này đều được đầu tư và có rất nhiều người dùng hưởng ứng, chờ đợi. Khi đã có tầm ảnh hưởng lớn như vậy thì tại sao họ lại phải dựa dẫm vào một sự kiện công nghệ khác? Do đó, cũng khá là dễ hiểu khi những ông lớn công nghệ đang dần rời xa MWC.
MWC là cơ hội để các thương hiệu Trung Quốc đưa tên tuổi của họ đến với quốc tế
Theo Counterpoint Research, có đến 7 trong 10 hãng điện thoại thông minh phổ biến tại châu Âu đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đa số các hãng điện thoại Trung Quốc đều chỉ có điều kiện tổ chức ra mắt sản phẩm tại nội địa, nguồn lực của họ chưa đủ để có thể tổ chức tại các khu vực khác. Điển hình như Honor, họ đã phải vật lộn sau khi tách khỏi Huawei. Tuy không còn được Huawei hậu thuẫn nữa, nhưng với danh tiếng là thương hiệu tách ra từ Huawei, Honor nhanh chóng có được sự tin tưởng của người dùng nội địa. Theo số liệu của IDC, Honor đã giữ thị phần cao thứ hai tại Trung Quốc vào năm vừa qua, chỉ sau Apple, mức tăng trưởng của họ đạt 253% so với năm 2020.
Tuy mạnh mẽ trong nước là thế, nhưng trên thị trường quốc tế, Honor vẫn còn là một thương hiệu khá non trẻ. Nếu họ dùng tài nguyên để mở một sự kiện đến người dùng toàn cầu có lẽ sẽ là thừa thãi mà hiệu quả sẽ không cao. Đó là lí do tại sao họ tìm đến MWC, triển lãm di động toàn cầu này hằng năm thu hút được rất nhiều người đến tham dự. Hơn nữa, báo chí toàn cầu cũng đưa rất nhiều thông tin về sự kiện này. MWC thực sự là một sự kiện rất tốt để họ dựa vào, đem những sản phẩm của mình đến với công chúng quốc tế, trở thành một bước đệm để họ dần dần tiến vào thị trường toàn cầu.