Facebook, Google và Apple là 3 công ty hàng đầu trong việc quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng hiện nay. Những công ty này không chỉ có những biện pháp bảo vệ tài khoản của người dùng đang sống mà còn có những công cụ bảo vệ dữ liệu của người dùng đã chết. Bằng cách này, gia đình đó có thể tìm lại những thông tin quan trọng của người đã khuất, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng, bảo hiểm hay thậm là những bức ảnh kỷ niệm của người đó khi còn sống. Vậy Facebook, Google và Apple đã dùng cách nào để quản lý tài khoản của những người dùng đã chết ?
Sau khi nhận được bằng chứng bạn đã chết (giấy chứng tử), Facebook sẽ chỉ định một Tài khoản kế thừa khác để chăm sóc tài khoản của bạn. Người sử dụng Tài khoản kế thừa đó có thể xem mọi dữ liệu, thông tin có trong tài khoản của bạn như bài đăng, kho ảnh hay thậm chí là cả cài đặt bảo mật. Tuy nhiên, họ sẽ không thể truy cập vào Messenger để đọc những tin nhắn mà bạn đã gửi trước đó. Mặc dù những người kế thừa không thể đăng nhập trực tiếp vào tài khoản của bạn, nhưng họ có thể yêu cầu Facebook cho phép tài khoản được ‘tưởng nhớ’ hoặc xóa hoàn toàn mọi dữ liệu. Tài khoản sau khi được tưởng nhớ sẽ bị đóng băng và phần lớn các hoạt động trên Facebook sẽ bị cắt. Ví dụ, các tài khoản được tưởng nhớ sẽ không hiển thị trong phần lời nhắc sinh nhật hoặc gợi ý kết bạn.
Nếu bạn không muốn dữ liệu Facebook của mình tiếp tục tồn tại sau khi bạn qua đời, bạn có thể cài đặt bằng cách vào Cài đặt & Quyền riêng tư> Cài đặt> Chung> Cài đặt tưởng niệm. Nếu bạn chọn Xóa dữ liệu của mình, Facebook sẽ xóa vĩnh viễn mọi thứ trong tài khoản của bạn sau khi xác minh bạn đã chết.
Khác với Facebook, Google sử dụng một công cụ mang tên Quản lý tài khoản không hoạt động (IAM). Công cụ này sẽ giúp bạn tự động thông báo và chia sẻ dữ liệu với những người dùng khác trong trường hợp bạn đã không sử dụng tài khoản Gmail trong một khoảng thời gian dài. Khoảng thời gian này có thể được cài đặt ở mốc 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng. Trước khi đến những mốc thời gian này, Google vẫn sẽ cố gắng liên hệ với bạn qua email hoặc SMS trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào. Ngoài ra, bạn có thể chỉ định 10 tài khoản đáng tin cậy (xác thực email và số điện thoại) để nhận được thông báo bạn đã không hoạt động. Những tài khoản đáng tin cậy này sẽ có tối đa 3 tháng để truy cập vào dữ liệu Gmail của bạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn vẫn còn sống và chỉ không sử dụng Gmail sau một khoảng thời gian, IAM vẫn được kích hoạt, bạn sẽ bị hạn chế một số hoạt động của Gmail như không xem được hòm thư và không thể gửi thư cho người khác. Khi đó, bạn sẽ phải xác minh lại danh tính với Google để có thể hoạt động bình thường trở lại. Mặt khác, nếu không kích hoạt IAM, những người thân của bạn sẽ phải gửi yêu cầu truy cập dữ liệu Gmail cho Google hoặc đóng vĩnh viễn tài khoản của bạn. Những thủ tục này sẽ được Google yêu cầu xác đến ID chính chủ và giấy chứng tử của bạn để thực hiện.
Apple
Gần giống với Facebook, Apple cũng sử dụng Tài khoản kế thừa để quản lý dữ liệu sau khi bạn chết. Điểm khác là ở việc Apple cho phép bạn chỉ định nhiều Tài khoản kế thừa hơn là chỉ một tài khoản duy nhất như Facebook. Những Tài khoản kế thừa này được phép truy cập vào dữ liệu được liên kết với ID Apple của bạn, bao gồm ảnh, tin nhắn, ghi chú, tệp, ứng dụng và bản sao lưu thiết bị.
Tuy nhiên, họ không thể truy cập vào hệ thống bảo mật mà bạn đã cài đặt từ trước đó, bởi lẽ khi yêu cầu quyền Tài khoản kế thừa, họ sẽ phải nhập cả chuỗi khóa truy cập vào các thiết bị Apple và xác minh giấy chứng tử của bạn. Còn nếu muốn xóa hoàn toàn tài khoản, họ sẽ cần nhập cả ID Apple của bạn và ID Apple của Tài khoản kế thừa. Hiện tại, Apple mới chỉ cung cấp tính năng này trên phiên iOS 15.2, iPadOS 15.2 và macOS 12.1 từ cuối năm ngoái.
Comments