Tại MWC 2023, Qualcomm và Thales vừa đưa ra công bố về công nghệ iSIM tích hợp sẵn trong bộ vi xử lý của điện thoại. Theo nhà sản xuất, Snapdragon 8 Gen 2 là con chip đầu tiên tích hợp công nghệ mới này. Đây là bước phát triển mới dựa trên công nghệ eSIM đã được giới thiệu trước đó.
Từ lâu, người dùng đã quá quen với việc sử dụng phôi SIM vật lý gắn vào điện thoại để phục vụ những nhu cầu liên lạc cơ bản. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã chế tạo thành công một phiên bản SIM mới có thể tích hợp ngay trên điện thoại với tên gọi là eSIM.
iSIM là gì?
Về cơ bản, iSIM là một phiên bản được phát triển dựa trên eSim. Công nghệ này cho phép tích hợp thẻ SIM vào bộ vi xử lý của thiết bị, từ đó có thể loại bỏ khe cắm SIM chuyên dụng. Điều này cũng giúp tăng độ bảo mật và kết nối trong tương lai của iSIM.
Ngoài ra, cả eSIM và iSIM đều cho phép người dùng lựa chọn nhà mạng, gói dữ liệu, thay đổi số, … mà không cần phải đổi thẻ SIM.
eSIM hoặc iSIM có an toàn không?
Sau khoảng hai thập kỷ sử dụng thẻ SIM vật lý, các thiết bị hỗ trợ eSIM đang dần được phát triển và bán ra trên thị trường. eSIM sẽ được tích hợp bên trong các phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ, IMEI, và các dữ liệu liên quan đến điện thoại và tài khoản của bạn.
Khi sử dụng eSIM, việc thay đổi nhà mạng trên điện thoại cá nhân sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn chỉ cần kích hoạt mã QR trên hệ thống. Ngoài ra, khi tích hợp eSIM vào bên trong phần cứng của điện thoại thông minh, điều này sẽ giúp tiết kiệm được một khay cắm SIM cũng như có thể sử dụng hai SIM cùng một lúc.
Hiện nay, các dòng điện thoại trên thị trường Mỹ như iPhone 14 của Apple hay Rarz 2019 của Motorala cũng đã loại bỏ hoàn toàn khay sim vật lý và chuyển sang hỗ trợ eSIM. Tương như vậy, nhiều đồng hồ thông minh hỗ trợ LTE giờ đây cũng chỉ có thể sử dụng eSIM.
Theo Qualcomm, iSIM mang lại một số lợi ích như sau:
- Đơn giản hóa, giải phóng không gian trước đây bị chiếm bởi các công nghệ SIM cũ.
- Hợp nhất chức năng SIM vào chipset của chính thiết bị.
- Cho phép cung cấp SIM từ xa khi đơn vị viễn thông tận dụng cơ sở hạ tầng eSIM hiện có.
- Mở ra khả năng kết nối dịch vụ di động cho một loạt các thiết bị mà trước đây không thể tích hợp SIM.
eSIM và iSIM khác nhau như thế nào?
Trong quá trình phát triển iSim, vấn đề về công nghệ cũng như các chứng chỉ tiêu chuẩn đầu ra là điều mà iSim cần phải đáp ứng được. Trước đó, eSim đã được phát triển bởi Hiệp hội hệ thống Truyền thông Di động toàn cầu (GSMA), một tập đoàn sở hữu 1,200 công ty chịu trách nhiệm quyết định cách thức hoạt động của điện thoại di động.
Ngoài ra, Qualcomm đã phát triển một modem tích hợp các bộ phận eSIM. Kể từ năm 2021, các bộ vi xử lý của Qualcomm đều tích hợp modem này vào hệ thống trên chip, bao gồm cả Snapdragon 8 Gen 2 được công bố tại MWC 2023. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể sử dụng công nghệ này trong các modem độc lập.
Vì vậy, điểm khác biệt giữa eSIM và iSIM là ví trí tích hợp của chúng. Đối với eSIM, nó sẽ là một con chip riêng biệt. Nhưng đối với iSIM, nó sẽ nằm trong modem. Mặc dù vậy, về tính năng vẫn sẽ không có quá nhiều khác biệt.
SIM vật lý, eSIM hoặc iSIM: Cái nào tốt hơn?
So với sim vật lý, nhược điểm duy nhất của eSIM hay iSIM là một công nghệ mới nên chưa thật sự phổ biến hiện nay. Ngay cả ở những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì nó cũng chỉ vừa mới được phổ cập trong năm nay.
Ngoài ra, các nhà mạng của Brazil cũng đã ngăn không cho người dùng sử dụng eSIM ngay cả khi iOS lẫn Android đã có những biện pháp hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, đối với người dùng tại Mỹ, việc chuyển đổi sang công nghệ mới này lại khá dễ dàng và tiện lợi. Quay lại thị trường Việt Nam, các nhà mạng trong nước đã rất cố gắng để gia tăng số thuê bao sử dụng eSIM bằng cách tối giản thủ tục hoặc giảm giá cước.
Về điểm mạnh, eSIM lại vượt trội hơn rất nhiều so SIM vật lý:
- Vì được lắp đặt kín bên sâu trong máy, eSIM không lo ngại tác động vật lý từ bên ngoài như bụi nước gây cháy sim. Điều này cũng giúp eSIM có tuổi thọ lâu hơn SIM vật lý.
- Không cần quan tâm kích cỡ SIM đối với từng dòng máy, không lo ngại việc SIM bị lệch khỏi khay đựng gây thiếu ổn định sóng truyền
- Tăng cường tính bảo mật, giúp khách hàng tránh được các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt số điện thoại (Bạn có thể tìm hiểu thêm về các vụ giả dạng nhân viên tổng đài để lừa đảo chiếm đoạt SIM)
- Giúp khách hàng tiết kiệm chi phí khi thay đổi nhà mạng do không phải tốn kém trong việc thay SIM vật lý. Đây cũng là một tiện ích khi người dùng đi du lịch nước ngoài. Ngoài ra, eSIM còn giúp người dùng không tốn chi phí mua SIM phụ khi sử dụng dịch vụ MultiSIM.
- Giúp người dùng có thể sử dụng song song 1 eSIM + 1 SIM vật lý trên các mẫu smartphone mới hiện nay.
Tóm lại
Nhìn chung, với nếu so sánh eSIM (iSIM) với SIM vật lý, chúng ta sẽ thấy eSIM có nhiều ưu điểm hơn hẳn, bạn sẽ không cần khe cắm SIM, sử dụng được cho tất cả mọi thiết bị, chuyển đổi nhà mạng không cần thay SIM,.. và còn rất nhiều ưu điểm khác. Nhìn về tương lai, có thể chúng ta sẽ mất một khoảng thời gian trước khi việc chuyển đổi từ SIM thường sang eSIM trở nên rộng rãi hơn.