Cuối tuần qua, anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, đã có một bài đăng trên Facebook khuyên người dùng nên xoá Messenger. Cụ thể, anh cho biết Facebook Messenger không có tính bảo mật cao như Telegram, WhatsApp, Viber và Signal. Theo Forbes, Facebook đang trì hoãn tung ra bản cập nhật quan trọng, thêm tính năng mã hóa dữ liệu cho Messenger mà không có lý do. Việc trì trệ nâng cấp bảo mật của Facebook có thể khiến các vấn nạn trên mạng trở nên trầm trọng hơn.
Vậy bản chất của vấn đề này là gì và nó có thực sự nguy hiểm đến vậy không?
Mã hóa đầu cuối cho tin nhắn là?
Về bản chất, mã hóa trò chuyện có thể có nhiều dạng khác nhau, nhưng cụ thể ở đây là mã hóa end-to-end. Khi quá trình này được diễn ra, toàn bộ tin nhắn sẽ bị xáo trộn dữ liệu để ngăn người bất kỳ ai, trừ người nhận có thể xem được tin nhắn này. Hiện tại, nó được sử dụng bởi các dịch vụ nhắn tin để bảo vệ quyền riêng tư của các tin nhắn do người dùng gửi. Có một số ứng dụng trò chuyện có mã hóa đầu cuối gồm iMessage, Telegram và Whatsapp.
Tại sao Messenger không được mã hoá đầu cuối?
Messenger khác với các ứng dụng nhắn tin khác là do khả năng truy cập được từ rất nhiều thiết bị, từ điện thoại, máy tính bảng đến laptop, PC. Chỉ cần có tài khoản và mật khẩu, bạn có thể truy cập ở mọi nơi tuỳ ý muốn. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này đã khiến việc mã hoá Messenger là không thể xảy ra. Các nền tảng nhắn tin như iMessage, Telegram, WhatsApp sẵn sàng cung cấp mã hóa đầu cuối vì người dùng thường truy cập các nền tảng này bằng thiết bị duy nhất.
Việc kích hoạt mã hóa end-to-end trên các cuộc trò chuyện theo mặc định trong khi vẫn duy trì khả năng truy cập dễ dàng hiện tại là một công việc khó khăn và Facebook không ngại ngần khi thừa nhận điều đó.
Trong bài đăng trên trang cá nhân, Hiếu PC cũng ghi rõ “Forbes nhận định việc Facebook không mã hóa tin nhắn trên Messenger là không tôn trọng dữ liệu người dùng. Vào năm 2018, trong bài phỏng vấn với Vox CEO Mark Zuckerberg thừa nhận công ty này có thể nhận biết những tin nhắn có nội dung nhạy cảm, và chặn người dùng gửi các tin nhắn như vậy.” Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin WhatsApp, cũng thuộc sở hữu của Facebook, lại có tính năng mã hóa đầu cuối. Do vậy, ngoài những người trong cuộc trò chuyện, không ai, kể cả Facebook, có thể biết được nội dung tin nhắn.
Việc Messenger không được mã hoá đầu cuối để lại rất nhiều rủi ro. Đầu tiên và quan trọng nhất là nguy cơ bị lộ tin nhắn, dữ liệu ở bất kỳ thời điểm nào. Điều này là vô cùng nguy hiểm nhất là tại một quốc gia dùng Facebook, Messenger nhiều như Việt Nam. Hiện tại, khoảng 90% người dùng Internet trong nước đều đang sử dụng Facebook, do đó việc để lại lỗ hổng trong quá trình nhắn tin qua Messenger là vô cùng lớn. Ở WhatsApp, chỉ những người đã lưu số điện thoại của nhau mới có thể nhắn tin.
Bạn sẽ xoá Messenger?
Rõ ràng, nguy cơ bị lộ tin nhắn vẫn đang bị tiềm ẩn với tất cả chúng ta. Thông tin cảnh báo đã rõ ràng, nhưng bạn có sẵn sàng xoá Messenger khỏi máy của mình? Thực sự, đây là một quyết định rất khó khăn, nhất là vào thời điểm người người, nhà nhà dùng Messenger và Facebook. Tại Việt Nam, mạng xã hội này vẫn quá phổ biến, thậm chí còn là một thứ không thể thiếu với người dùng Internet. Chúng ta xoá, còn bạn bè người thân vẫn dùng, vậy khác nào cắt đứt liên lạc với họ?
Thói quen nhắn tin qua Messenger đã ăn sâu vào tâm trí người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ. Facebook, Messenger vẫn là một phần không thể thiếu, do đó chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng nó nhưng cần cẩn trọng nhiều hơn. Những thông tin quan trọng như tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân hay những hình ảnh cá nhân nên được hạn chế gửi qua nền tảng này. Chúng ta vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác an toàn hơn, bảo mật hơn để trao đổi. Do đó, hãy tạo cho mình một thói quen sử dụng an toàn và coi Messenger là một “đống rơm đặt cạnh mồi lửa” nhé! Nó có thể cháy bất cứ lúc nào đấy!