Mới đây, Apple đã tiết lộ chi phí cho việc triển khai dịch vụ liên lạc vệ tinh khẩn cấp (Emergency SOS). Theo đó, Táo khuyết đã chi 450 triệu USD cho các công ty Mỹ để kích hoạt tính năng này trên thế hệ iPhone 14. Số tiền này sẽ được sử dụng để chi trả cho các dịch vụ vệ tinh, cũng như xây dựng loại ăng-ten mới do Apple thiết kế.
Apple cho biết, phần lớn số tiền trên sẽ được chuyển đến Globalstar (công ty cung cấp các dịch vụ liên lạc vệ tinh cho Apple). Theo Gizchina, Apple không nhận cổ phần trong Globalstar, nhưng hãng cam kết sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí hoạt động của dịch vụ. Apple sẽ bổ sung các ăng-ten mới tại tất cả các cơ sở của Globalstar. Ngoài ra, người dùng sẽ được sử dụng miễn phí tính năng này trong vòng 2 năm.
Khoản thanh toán của Apple cho Globalstar sẽ đến từ Quỹ sản xuất tiên tiến của Táo khuyết. Đây là ngân sách mà Apple sử dụng để hỗ trợ các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ. Kể từ khi Quỹ Sản xuất Tiên tiến được thành lập vào năm 2017, Apple đã trả 450 triệu USD cho Corning để sản xuất kính cường lực iPhone hay 390 triệu USD cho Finisar để sản xuất các thành cho Face ID. Ngoài ra, Apple cũng từng duyệt chi 10 triệu USD cho Copan Diagnostics để sản xuất các bộ kit xét nghiệm Covid-19.
Emergency SOS là dịch vụ liên lạc vệ tinh được Apple giới thiệu tại sự kiện ra mắt iPhone 14 series trong tháng 9 vừa qua. Đây là tính năng sẽ hỗ trợ đắc lực cho những người thường xuyên thám hiểm, du lịch tại những vùng đất hẻo lánh. Với Emergency SOS, người dùng có thể gửi tin nhắn ngay cả khi không có kết nối di động và Wi-Fi. Bằng thuật toán nén văn bản ngắn, kích thước của tin nhắn có thể giảm đến 3 lần và sẽ được gửi sau 15 giây ở điều kiện không có vật cản ở xung quanh.