Trên Pixel 7 series, Google đã trang bị vi xử lý Google Tensor G2 hoàn toàn mới, với nhiều nâng cấp mạnh mẽ về khả năng học máy cũng như xử lý các tác vụ thiên về AI, chẳng hạn như thuật toán camera hay tối ưu thời lượng pin. Nhưng có vẻ lần này hãng không công bố quá nhiều thông tin về hiệu năng thuần trên Tensor G2, và hãy cùng kiểm chứng sức mạnh thật sự của con chip thông qua các bài kiểm tra thực hiện bởi Android Authority nhé!
Cấu trúc của Google Tensor G2
Về cơ bản, Tensor G2 chia sẻ chung khá nhiều phần cứng với thế hệ Tensor (G1) tiền nhiệm. Google đã trang bị cấu trúc CPU gồm 2 nhân hiệu năng cao, 2 nhân cân bằng và 2 nhân tiết kiệm điện trên tiến trình 5nm được gia công bởi Samsung. Về GPU, Tensor G2 có phần cứng tốt hơn với Mali-G710, so với Mali-G78 trên Pixel 6 series, tuy vậy GPU này lại chỉ có 7 nhân (so với 20 nhân trên Tensor thế hệ đầu tiên).
Để so sánh Tensor G2 với những mẫu flagship khác, chúng ta hãy cùng đặt lên bàn cân cùng với Tensor thế hệ đầu tiên, Apple A16 Bionic và Snapdragon 8+ Gen 1.
Google Tensor G2 | Google Tensor | Snapdragon 8+ Gen 1 | Apple A16 Bionic | |
CPU | 2x Arm Cortex-X1 (2,85GHz) 2x Arm Cortex-A78 (2,35GHz) 4x Arm Cortex-A55 (1,80GHz) | 2x Arm Cortex-X1 (2,80GHz) 2x Arm Cortex-A76 (2,25GHz) 4x Arm Cortex-A55 (1,80GHz) | 1x Cortex-X2 (3,2GHz) 3x Cortex-A710 (2,75GHz) 4x Cortex-A510 (2,0GHz) | 2x Everest (3,46GHz) 4x Sawtooth (2,02GHz) |
GPU | Mali-G710 MP7 | Mali-G78 MP20 | Adreno 730 | Apple GPU (5 nhân) |
Bộ nhớ Cache | 12MB tổng | 12MB tổng | 10MB tổng | 24MB tổng |
Nhân AI | TPU thế hệ thứ hai | TPU | Hexagon | Neural Engine |
Modem mạng | 4G, 5G | 4G, 5G | 4G, 5G | 4G, 5G |
Tiến trình | 5nm Samsung | 5nm Samsung | 4nm TSMC | 4nm TSMC |
Dễ thấy các nhân Cortex trên Tensor G2 bị giảm xung khá mạnh và không có xung nhịp cao nhất khi so với Apple A16 hay Snapdragon 8+ Gen 1. Trong khi đó, mặc dù kiến trúc chỉ có 6 nhân nhưng các nhân hiệu suất trên Apple A16 Bionic được ép xung lên rất cao (3,46Ghz). Điều này một phần khiến máy sẽ cho ra hiệu suất tốt hơn, nhưng đánh đổi lại là nhiệt lượng tỏa ra lớn và đôi khi gây khó chịu tới trải nghiệm người dùng.
Kết quả benchmark trên Google Tensor G2
Android Authority đã sử dụng Geekbench 5, PCMark và 3DMark để so sánh hiệu năng trên Google Tensor G2 với một số mẫu máy khác chạy Apple A16 Bionic, Snapdragon 8+ Gen 1 hay Exynos 2200. Cùng xem đâu là chiếc máy thể hiện tốt nhất nhé!
Bài test 1. Geekbench 5 – CPU
Tên máy | CPU | Single-Core | Multi-Core |
iPhone 14 Pro | Apple A16 Bionic | 1.870 | 5.474 |
iPhone 14 | Apple A15 Bionic | 1.696 | 4.742 |
ROG Phone 6 | Snapdragon 8+ Gen 1 | 1.309 | 4.213 |
Galaxy S22 Ultra | Snapdragon 8 Gen 1 | 1.220 | 3.417 |
OnePlus 10T | Snapdragon 8+ Gen 1 | 1.039 | 3.419 |
Pixel 7 Pro | Google Tensor G2 | 1.055 | 3.174 |
Pixel 6 Pro | Google Tensor | 1.046 | 2.849 |
Bài test 2. PCMark – Hệ thống
Tên máy | CPU | Số điểm |
ROG Phone 6 | Snapdragon 8+ Gen 1 | 11.997 |
Galaxy S22 Ultra | Snapdragon 8 Gen 1 | 13.245 |
OnePlus 10T | Snapdragon 8+ Gen 1 | 12.224 |
Pixel 7 Pro | Google Tensor G2 | 11.403 |
Pixel 6 Pro | Google Tensor | 10.607 |
Bài test 3. 3DMark WildLife- GPU
Tên máy | CPU | Số điểm |
iPhone 14 Pro | Apple A16 Bionic | 9.883 |
iPhone 14 | Apple A15 Bionic | 9.745 |
ROG Phone 6 | Snapdragon 8+ Gen 1 | 10.480 |
Galaxy S22 Ultra | Snapdragon 8 Gen 1 | 9.841 |
OnePlus 10T | Snapdragon 8+ Gen 1 | 10.391 |
Pixel 7 Pro | Google Tensor G2 | 6.483 |
Pixel 6 Pro | Google Tensor | 6.679 |
Bài test 4. 3DMark WildLife Stress Test – GPU
Tên máy | CPU | Điểm cao nhất | Điểm thấp nhất | Độ ổn định |
Zenfone 9 | Snapdragon 8+ Gen 1 | 10.245 | 5.474 | 53,4% |
Xperia 1 IV | Snapdragon 8 Gen 1 | 9.878 | 4.792 | 48,5% |
ROG Phone 6 | Snapdragon 8+ Gen 1 | 10.490 | 9.488 | 90,5% |
Galaxy S22 Ultra | Snapdragon 8 Gen 1 | 9.926 | 4.771 | 48,1% |
Pixel 7 Pro | Google Tensor G2 | 6.483 | 5.242 | 80,9% |
Pixel 6 Pro | Google Tensor | 6.375 | 2.857 | 44,8% |
Dễ thấy điểm số trên Pixel 7 Pro với Google Tensor G2 bị các đối thủ khác từ Snapdragon hay Apple bỏ xa, thậm chí trong nhiều bài kiểm tra, con chip Apple A16 Bionic cho điểm số gần gấp đôi so với Tensor G2. Tuy nhiên, điều này dường như được dự báo từ trước khi nhìn vào cấu trúc các nhân CPU được trang bị trên con chip này.
Google đã không sử dụng nhân hiệu suất mới hơn Cortex-X2 mà vẫn giữ lại Cortex-X1 từng có trên Pixel 6 series với Tensor thế hệ đầu tiên. Cả ba kiến trúc nhân CPU trên Tensor G2 dường như cũng đã bị hạ xung, một phần nhằm tránh con chip xuất hiện tình trạng quá nhiệt khi thực hiện các tác vụ nặng. Điều đó chứng minh qua bài kiểm tra sự ổn định với 3DMark WildLife Stress Test, khi mà độ ổn định của Tensor G2 đạt tới trên 80%, bỏ xa nhiều đối thủ khác và kể cả chính Tensor thế hệ đầu tiên.
Mặc dù vậy, cần phải nhấn mạnh rằng hiệu năng chưa bao giờ là yếu tố được Google ưu tiên trên dòng Google Pixel. Những con chip Tensor (hay kể cả dòng Snapdragon trước đó cũng vậy) đều được hãng tối ưu và ưu tiên sự mượt mà của hệ điều hành cũng như các thuật toán máy học lên hàng đầu. Vậy nên, chúng ta luôn có những chiếc điện thoại Pixel với sự ổn định, mượt mà đến tuyệt vời cùng cụm camera chất lượng hàng đầu phân khúc.
Comments