Mới đây, tờ ETNews đã đưa tin về việc Samsung đã tiến hành cắt giảm số ngày làm việc của công nhân trên dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam. Cụ thể, số ngày làm việc của công nhân trên dây chuyền này đã được giảm từ 5 ngày xuống chỉ còn 3 ngày làm việc trên tuần. ETNews nhận định, việc cắt giảm ngày làm việc cũng đồng nghĩa với việc Samsung đã và đang triển khai kế hoạch cắt giảm sản lượng điện thoại ra thị trường.
Samsung cũng đã tiến hành thông báo cho các đối tác cung ứng lớn về việc điều chỉnh số ngày làm việc của công nhân tại Việt Nam. Tùy vào từng dây chuyền sản xuất, số ngày làm việc có thể điều chỉnh xuống 3 hoặc 4 ngày. Do nhu cầu của Samsung suy giảm, các đối tác cung cấp linh kiện cho Samsung tại Việt Nam cũng phải giảm số ngày làm việc của công nhân sao cho phù hợp. Một số công ty đối tác thậm chí cũng đưa ra cảnh báo về việc doanh thu sẽ suy giảm trong quý 2 năm nay.
Vào đầu năm 2022, dịch COVID-19 suy giảm cùng việc các chuỗi cung ứng được nối lại đã mở ra nhiều hy vọng cho gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Theo đó, Samsung đã đặt ra kỳ vọng xuất xưởng lên đến 334 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm nay. Tuy nhiên, Samsung gần đây đã thông qua kế hoạch cắt giảm mục tiêu xuống chỉ còn 270-280 triệu chiếc được xuất xưởng trong năm nay. Nguyên nhân của việc cắt giảm được cho là ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine vào đầu năm và sự cố giảm hiệu năng qua GOS (dịch vụ tối ưu hóa trò chơi) của dòng Galaxy S22.
Nhà máy tại Việt Nam hiện tại là cơ sở sản xuất lớn nhất của Samsung, chiếm tới hơn 60% sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu của Samsung. Dự kiến, sau khi thực hiện việc cắt giảm tại Việt Nam, Samsung sẽ tiến hành cắt giảm tại Ấn Độ – cơ sở sản xuất lớn thứ hai của Samsung và sau đó là Brazil. Nhà máy tại Ấn Độ sản xuất chiếm 20-30% tổng số điện thoại thông minh Samsung và con số này tại Brazil là 10-15%.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Samsung giảm số ngày làm việc xuống còn 3 ngày trong tuần là điều bất thường. Nhất là khi dòng điện thoại gập Galaxy Fold và Flip thế hệ thứ 4 của hãng chuẩn bị được ra mắt vào tháng 8 này. Một quan chức của Samsung thông tin: “Số ngày làm việc của công nhân nhà máy luôn được điều chỉnh linh hoạt dựa trên sự thay đổi của thị trường”.
Hành động này của Samsung cũng được cho là kế hoạch phòng ngừa khủng hoảng ở mảng điện thoại đang lan rộng trong nội bộ Samsung. Kế hoạch này cũng sẽ là tiền đề để đánh giá môi trường kinh doanh và nội bộ doanh nghiệp. Vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) Mark Liu nhận định nhu cầu của người tiêu dùng về đồ điện tử đang có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh bất ổn chính vị và các đợt đóng cửa liên quan đến COVID-19 tại Trung Quốc. Hiện tại, TSMC đang là bên gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, số đơn đặt hàng của TSMC được coi là “thước đo” về nhu cầu điện tử toàn cầu. Mark Liu chia sẻ thêm rằng, sự suy thoái đang đến với các lĩnh vực như điện thoại thông minh, PC và TV tại nhiều thị trườn.
Trước đó, Apple cũng đã tiến hành giảm đơn đặt hàng cho iPhone SE và thế hệ iPhone 13 mới. Hành động của hai ông lớn công nghệ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc suy thoái chung của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.