SIM không chính chủ (sim rác) từ lâu đã trở thành một vấn nạn khó kiểm soát tại thị trường Việt Nam. Trước đó, từ ngày 1/6/2020, ba nhà cung cấp dịch vụ di động có thị phần lớn nhất Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ dừng phát hành sim điện thoại mới trên hệ thống kênh phân phối ủy quyền là các đại lý, các điểm bán sim. Kết quả là từ cuối năm 2021 cho đến quý I năm nay, đã có hơn 1 triệu thuê bao không chính chủ đăng ký lại thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, SIM “rác” vẫn được công khai bán tràn lan trên thị trường.
Không cần giấy tờ tùy thân và chỉ với 100.000 đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể sở hữu 1 chiếc SIM “rác” với đầy đủ các chức năng như nghe, gọi, nhắn tin và truy cập dữ liệu. Người mua hàng có thể dễ dàng hỏi mua được những chiếc SIM kích hoạt sẵn tại nhiều đại lý bán SIM thẻ lớn nhỏ khác nhau. Nhưng theo quy định, khách hàng phải đến các điểm cung cấp dịch vụ cùng giấy tờ tùy thân và phải chụp ảnh trực tiếp tại quầy mới được cấp SIM. Vì vậy, việc SIM “rác” vẫn còn tồn tại đã phản ánh rằng các quy định hiện nay vẫn chưa thật sự chặt chẽ.
Chính vì vậy, đã có trường hợp người dùng ở Hà Nội mất 600 triệu đồng trong tài khoản sau khi mất quyền kiểm soát SIM điện thoại của mình. Cụ thể, sự việc này do một đại lý tại Nghệ An đã sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của khổ chủ để tiến hành đổi SIM trái phép. Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, cả nhân viên và chủ điểm cung cấp dịch vụ đều không nhận trách nhiệm trước hành vi gián tiếp chiếm đoạt 600 triệu của nạn nhân. Điều tra kỹ hơn về sai phạm của đại lý tại Nghệ An, cơ quan chức năng cho biết cửa hàng này thậm chí còn sử dụng tài khoản của đại lý ở một tỉnh khác để sửa thông tin thuê bao. Vụ việc vẫn đang được điều tra và làm rõ.
Một sự việc khác là trong thời gian gần đây, hàng loạt thuê bao tại Hải Phòng báo cáo về việc họ liên tục nhận được tin nhắn vay tiền từ số điện thoại 0564805806. Theo đó, số thuê bao này tự nhận mình là quan chức cấp cao của tỉnh Hải Phòng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì được biết, người đứng tên số điện thoại trên hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Người này sau đó đã xác minh rằng không liên quan đến vụ việc và khẳng định rằng mình đã bị mạo danh. Sau khi mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm hơn 1.000 số thuê bao khác đã được đăng ký sai thông tin trong vòng 3 tháng.
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán số, giao dịch số để phát triển tối đa nền kinh tế. Trong đó, tài nguyên số điện thoại di động là một yếu tố không thể thiếu trong việc triển khai thí điểm nhiều dịch vụ mới như Mobile Money. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những biện pháp mạnh tay để xử lý triệt để tình trạng mạo danh thông tin người dùng, tiến tới việc xác minh chính chủ cho 100% thuê bao đang hoạt động. Từ đó, giải quyết hoàn toàn vấn nạn SIM “rác” tràn lan trên thị trường.
Nguồn: VTV