Hàng giả, hàng nhái vốn luôn là một vấn đề nhức nhồi của các hãng công nghệ nói riêng và các thương hiệu khác nói chung. Thương hiệu càng lớn thì càng có nhiều hàng giả hàng nhái được làm ra. Tuy nhiên, có cung thì ắt có cầu, người dùng ở nhiều nơi cũng rất đón nhận các sản phẩm hàng giả hàng nhái này.
Hàng giả, hàng nhái của Apple xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Trên thị trường trong nước nói chung, chúng ta có thể thấy rất nhiều “thương gia” đăng bán các sản phẩm nhái của Apple như là AirPods, Apple Watch, thậm chí là cả iPhone nhái. Các sản phẩm này được làm rất tinh vi, chất lượng được các thương gia chào bán là 9/10 so với những chiếc AirPods hay Apple Watch xịn. Nếu gặp phải một thương gia, hay người bán lẻ tốt, họ sẽ nói chính xác hàng của họ là hàng “nhái”. Nhưng đối với những đối tượng lợi dụng hàng giả, hàng nhái này để trục lợi, họ có thể dễ dàng qua mắt những người dùng với những sản phẩm tinh vi như thế. Phải khẳng định rằng, nếu chỉ là một người dùng bình thường, khó thể nhận biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.
Theo một báo cáo của Ghost Data cho thấy rất nhiều tài khoản bán phụ kiện Apple chưa được xác minh về độ an toàn và chủ yếu đến từ Trung Quốc. Những nhà phân phối này cung cấp pin, cáp sạc… Một sợi cáp có giá 2,28 USD thay vì 19 USD, bộ sạc Magsafe có giá 5,5 USD thay vì 39 USD. Ghost Data cũng đã tìm thấy bằng chứng về các thanh toán có giá trị lớn – lên đến hàng trăng nghìn USD từ các nhà phân phối này.
Ghost Data cũng cho biết Instagram hay Facebook đã không kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng giả trên nền tảng của mình. Nhất là Instagram, mạng xã hội này không xác định được tài khoản nào bán hàng giả. Một số còn hoạt động từ năm 2016.
Động thái của Apple
Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của Apple nói riêng và các hãng khác nói chung. Tác động tiêu cực đầu tiên là làm mất uy tín của những hãng có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của hãng.
Apple đã và đang rất chú tâm đến vấn đề hàng giả hàng nhái các sản phẩm của họ. Cụ thể, Táo Khuyết đã làm việc với một nhóm chuyên gia để xử lý về vấn đề hàng giả này. Họ sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan truyền thông, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử trên toàn thế giới để gỡ các sản phẩm nhái Apple ra khỏi các nền tảng thương mại điện tử cũng như mạng xã hội. Trong năm 2020, nhóm chuyên gia này đã “xóa sổ” hơn 1 triệu tài khoản bán hàng giả.
Nhóm chuyên gia này của Apple có vẻ như đang làm rất tích cực và hiệu quả. Vừa qua, một người dùng Facebook Việt Nam đã chia sẻ: “Ông anh của mình đăng bài bán AirPod Rep 1:1 vô tình bị Apple report và căng hơn nữa là khóa page luôn”. Người dùng này cũng cung cấp hình ảnh, răng page của “ông anh” đã bị khiểu nại và thông tin khiếu nại đích danh đến từ Apple.
Không chỉ trên Facebook, trên một nền tảng khác là Youtube, Apple cũng đã rất mạnh tay tố cáo những video có liên quan đến AirPods. Phải kể đến trường hợp của ông Lê Công Minh Khôi. Ngày 18/6, kênh của ông Lê Công Minh Khôi, 25 tuổi, ngụ tại Hà Nội bị YouTube xóa video hướng dẫn cách phân biệt AirPods fake và hàng thật.
“Đây là loại video thường thức, giúp người dùng không bị lừa mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng vẫn bị nền tảng này gỡ bỏ”, ông Khôi cho biết. YouTuber này chia sẻ đã kháng cáo lên YouTube nhưng vẫn không được giải quyết.
Tổng kết lại, rõ ràng Apple đang làm rất “gắt” trong vấn đề hàng giả hàng nhái. Apple còn đầu tư cho việc chống hàng giả hàng nhái là họ lập một nhóm chuyên cho việc này. Apple đang thực sự nghiêm túc. Đây cũng là động thái giúp người dùng có một môi trường mua bán trong sạch hơn, tránh khỏi tình trạng mua phải hàng nhái, hàng giả.