Góc nhìn

5 vấn đề đáng “kêu ca” trên iPhone 16 series khiến người dùng thất vọng

0

Dù được kỳ vọng sẽ là một bước tiến vượt bậc, iPhone 16 series lại khiến không ít người dùng thất vọng vì nhiều lý do. Từ những lỗi phần mềm nghiêm trọng như “panic full” đến sự chậm trễ trong việc triển khai tính năng chủ chốt Apple Intelligence, cùng những điểm trừ về Camera Control, tốc độ sạc và màn hình 60Hz trên bản thường và Plus,  iPhone 16 series đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ cộng đồng công nghệ. 

Hàng loạt máy dính lỗi panic full

Trong 3 năm gần đây, các dòng iPhone mới của Apple liên tục gặp sự cố ở thời điểm đầu mở bán. Năm 2022, iPhone 14 Pro Max bị lỗi màn hình xanh, tróc sơn và rung camera. Năm 2023, iPhone 15 Pro gặp lỗi quá nhiệt. Gần đây, iPhone 16 bị người dùng phản ánh gặp lỗi ResetCounter (tự khởi động lại) và panic-full.

Gần đây, một số người dùng iPhone 16 Pro và 16 Pro Max tại Việt Nam cho biết thiết bị tự khởi động lại và xuất hiện bản ghi ResetCounter.ips và panic-full.ips. Hầu hết họ dùng iOS 18 chính thức, chỉ một số ít đã cập nhật lên iOS 18.1 Developer Beta 5. Nhiều máy bị lỗi có mã VN/A, tức là mới mua và kích hoạt.

Lỗi ResetCounter và panic-full khiến iPhone bị nóng máy, khởi động lại liên tục hoặc đơ. Người dùng nước ngoài cũng phản ánh lỗi tương tự trên iPhone 16 series. Thậm chí, một tài khoản trên diễn đàn Reddit còn cho biết thiết bị của anh gặp tới 20 lỗi panic-full bên trong Cài đặt. Đáng nói, sau khi đổi một chiếc iPhone 16 mới, sự cố trên vẫn tiếp diễn.

Nếu nghiêm trọng, tình trạng này còn có thể khiến điện thoại liên tục khởi động lại cài đặt ban đầu. Vì thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm sử dụng. Trên thực tế, Apple có thể khắc phục bằng các bản cập nhật phần mềm trong tương lai, tuy nhiên nếu dính lỗi Panic Full do phần cứng, iPhone hoàn toàn có thể không khắc phục được tình trạng trên.

Apple Intelligence là “điểm bán hàng” nhưng mãi vẫn chưa dùng được.

Dù đã chính thức lên kệ tại rất nhiều quốc gia, dòng iPhone 16 của Apple lại không đạt được sức hút như kỳ vọng. Nhiều nhà phân tích nhận định, nguyên nhân chính đến từ việc thiếu vắng tính năng được quảng bá rầm rộ nhất, đó là Apple Intelligence ngay tại thời điểm ra mắt.

“Điểm mấu chốt khiến nhu cầu dành cho iPhone 16 Pro thấp hơn dự kiến chính là việc Apple Intelligence, vốn được xem là ‘át chủ bài’ của dòng sản phẩm này, lại không sẵn sàng cùng lúc với iPhone 16”, Ming-Chi Kuo, nhà phân tích nổi tiếng của TF International Securities, nhận định.

Thực tế cho thấy, việc triển khai Apple Intelligence phức tạp hơn nhiều so với những gì Apple đã thể hiện trong các chiến dịch truyền thông. Dù iPhone 16 được cài đặt sẵn iOS 18, nhưng bản cập nhật này lại không tích hợp các cải tiến về trí tuệ nhân tạo. Người dùng sẽ phải chờ đến iOS 18.1, dự kiến ra mắt vào tháng 10, để trải nghiệm Apple Intelligence với các tính năng như “công cụ viết lại văn bản” hay “thiết kế Siri mới” (theo The Verge).

Trên trang chủ, Apple cũng viết rõ tính năng này sẽ có sẵn từ mùa thu, tuy nhiên chưa rõ thời gian cụ thể

Sự chậm trễ này dường như đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số ban đầu của iPhone 16. Theo Ming-Chi Kuo, lượng đơn đặt hàng trước vào cuối tuần đầu tiên của dòng sản phẩm này đã giảm khoảng 13% so với iPhone 15 cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, Apple Intelligence vừa là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, vừa là “con dao hai lưỡi” đối với iPhone 16.

Trong khi đó, các hãng điện thoại Android khác trên thị trường cũng cung cấp các tính năng AI, nhưng cái họ làm tốt hơn Apple đó là hỗ trợ ngay tại thời điểm mở bán. Tại Mỹ, Google Pixel 9 được hỗ trợ đa số các tính năng AI ngay ở thời điểm ra mắt, từ đó giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn, đúng với những thông điệp truyền thông trong sự kiện ra mắt. Còn tại Việt Nam, Galaxy S24 series cũng đã mở đầu cho kỷ nguyên AI trên smartphone với hàng loạt tính năng ngay từ ngày đầu tiên mở bán vào đầu năm nay. Đặc biệt còn có tiếng Việt từ lúc phát hành. Đến tháng 7, Galaxy AI tiếp tục được mang lên Z Fold6, Z Flip6, nâng cấp trải nghiệm AI của người dùng nhờ tận dụng tối đa các thế mạnh của dòng điện thoại gập.

Camera Control giải quyết vấn đề gì?

Bên cạnh Apple Intelligence, Camera Control cũng là một điểm Apple nhấn mạnh tại sự kiện và nhiều ấn phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế sử dụng thì độ hiệu quả chưa cao. Trước khi có Camera Control, người dùng vẫn có thao tác mọi thứ trên màn hình cảm ứng. Hiện tại, toàn bộ thao tác của Camera Control đều có thể thực hiện bằng các thao tác cảm ứng. Vì thế, nút mới này sinh ra là để có thêm một cách thức khác để chụp ảnh chứ không hoàn toàn giải quyết một vấn đề lớn nào đó.

Nguồn: YouTube AppleTrack

Kênh YouTube AppleTrack cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng việc điều chỉnh cảm ứng trên điện thoại thậm chí còn đơn giản và nhanh chóng hơn so với việc sử dụng Camera Control, cho dù là thao tác chuyển đổi camera, điều chỉnh độ sáng hay thay đổi bộ lọc màu.

Sạc pin được kỳ vọng tăng, nhưng thời gian sạc thì vẫn quá chậm

Trước khi được ra mắt, iPhone 16 series được đồn đoán là sẽ có công suất sạc vượt trội so với thế hệ tiền nhiệm, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác. Trên thực tế, Apple có nâng cấp công suất sạc, nhưng đó chỉ là mức đỉnh trong vài giây ngắn ngủi. Với iPhone 16 Pro Max, mức tối đa 43W chỉ duy trì được trong vài giây ngắn ngủi, sau đó lại tụt về các công suất thấp hơn. Sau cùng, thời gian sạc không có sự thay đổi so với các thế hệ tiền nhiệm. 

Trong bài so sánh tốc độ sạc thực tế, iPhone 16 Pro Max phải mất tới gần 120 phút để sạc đầy viên pin. Trong khi đó, Galaxy S24 Ultra lại chỉ mất khoảng 80% để sạc đầy viên pin 5.000mAh. Kết quả này là do Galaxy S24 Ultra có tổng cộng 8 lần đạt công suất 43W, mỗi lần duy trì trong khoảng 10 giây. Tuy nhiên, Samsung lại liên tục đan xen đẩy mức sạc xuống 13W. Quá trình này xảy ra trong khoảng 35 phút sạc đầu tiên. Trong khi đó, iPhone 15 Pro Max hay cả iPhone 16 Pro Max mới nhất chỉ duy trì công suất cao nhất tron thời gian rất ngắn, sau đó lại liên tục giảm thấp hơn, từ đó thời gian sạc đầy cũng lâu hơn đáng kể.

Trên thực tế, chính Apple cũng biết được điều này. Trên trang thông số cấu hình, Táo Khuyết vẫn sử dụng cụm từ “Sạc lên đến 50% trong khoảng 30 phút” từ chiếc iPhone X đã ra đời 7 năm trước. Rõ ràng, đây vẫn là một trang bị khiến người dùng thất vọng.

iPhone 16 và iPhone 16 Plus vẫn chỉ có màn hình 60Hz

Cuối cùng vẫn là vấn đề khiến người dùng phàn nàn trong rất nhiều năm nay, đó là màn hình 60Hz. Trên các mẫu máy thường và Plus, Apple vẫn chỉ sử dụng tần số quét 60Hz cho máy. Đây là trang bị khó chấp nhận với người dùng công nghệ bởi các thương hiệu Android đã sở hữu màn hình 120Hz ngay cả trên các mẫu máy giá rẻ. Điển hình có thể kể tới nhiều mẫu máy phổ thông như Galaxy A35, nubia neo 2 hay Redmi Note 13 đã có màn hình 120Hz.

Trên thực tế sử dụng, màn hình 60Hz không chỉ có tác dụng trong thao tác vuốt, cuộn màn hình. Tần số quét cao là điều kiện đủ để máy có thể chơi Game ở các mức 90fps hay 120fps, từ đó mang lại trải nghiệm tốt hơn rất nhiều. Dù cấu hình có mạnh, thế nhưng việc trang bị màn hình 60Hz lại kéo lùi iPhone xuống mức 60fps tối đa. Chính vì lý do này, iPhone thường lại trở thành một sản phẩm “khó chấp nhận” với một bộ phận người dùng đam mê công nghệ.

Nhìn vào những điểm sáng thì thế hệ iPhone mới vẫn có được một con chip hiệu năng mạnh mẽ hàng đầu trên điện thoại thông minh hay khả năng quay video tốt. Thế nhưng dù được kỳ vọng cao, iPhone 16 series lại gây thất vọng với một số vấn đề đáng kể. Những vấn đề này cho thấy Apple cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dùng. 

Dùng thực tế 5G thương mại tại Hà Nội: có nóng máy, hao pin hơn 4G không?

Previous article

Chi tiết 19 gói cước 5G của nhà mạng Viettel, bao gồm cả trả trước và trả sau

Next article