Android và iOS là hai hệ điều hành lớn và phổ biến nhất trên điện thoại trên thế giới hiện nay. Do được phát triển từ hai thương hiệu khác nhau, do đó có rất nhiều tính năng mà các hãng đã học tập từ thương hiệu còn lại. Trong phiên bản iOS 17 mới được ra mắt, Apple đã có một vài tính năng đi sau Android và được nhiều người con là học hỏi từ Android.
Chế độ StandBy
StandBy là tính năng cho phép người dùng chuyển sang một màn hình chờ mới khi thiết bị được sạc và đặt nằm ngang. Với StandBy, họ có thể biến iPhone của mình thành một chiếc “đồng hồ để bàn”, hiển thị thời gian, tin nhắn và các thông báo quan trọng khác.
Song, tính năng này không còn xa lạ với người dùng Android nữa, mà cụ thể hơn là Google. Cuối năm 2021, hãng phát hành đế sạc không dây Pixel Stand 2. Chỉ cần người dùng đặt điện thoại Pixel lên đế sạc, chúng sẽ chuyển sang màn hình chờ hoàn toàn mới, hiển thị các thông tin như ảnh trên Google Photos, các nút điều khiển thiết bị trong nhà cho đến giao tiếp với Google Assistant.
Trên thực tế, việc biến một thiết bị thông minh có chức năng như đèn ngủ hay đồng hồ để bàn đã xuất hiện từ những năm 2018, 2019. Google đi tiên phong với dòng sản phẩm Nest Hub nổi tiếng. Chúng trải qua nhiều phiên bản và được cải tiến thành Pixel Tablet như hiện tại.
Chế độ Truy cập Hỗ trợ
Truy cập Hỗ trợ là tính năng mới trên iOS 17 giúp đơn giản hoá giao diện, ứng dụng và biến chiếc iPhone trở nên dễ sử dụng nhất có thể. Có tổng cộng 5 ứng dụng được cài đặt sẵn và người dùng cũng có thể bổ sung ứng dụng từ bên ngoài hay đặt mật khẩu để tránh người khác truy cập trái phép.
Trên thực tế, tính năng này đã xuất hiện từ rất lâu trên các thiết bị Android. Một vài cái tên nổi bật có thể kể đến như Easy Mode trên Samsung hay Lite Mode trên Xiaomi. Tính năng này phóng đại kích thước biểu tượng ứng dụng, lược bớt các cài đặt không cần thiết và thêm nhiều phím tắt liên hệ bên ngoài màn hình chính.
Thậm chí, một cách khác để truy cập “chế độ đơn giản” trên Android, đó là kích hoạt Chế độ siêu tiết kiệm pin. Tính năng này giới hạn tối đa ứng dụng được phép truy cập, ngắt các kết nối không cần thiết, chuyển hình nền thành màu đen. Xét trên một phương diện, Chế độ siêu tiết kiệm pin có nhiều điểm tương đồng so với Truy cập Hỗ trợ trên iOS.
Tải xuống bản đồ ngoại tuyến
Năm 2012, Google Maps chính thức tích hợp tính năng tải và lưu trữ bản đồ ngoại tuyến. Đó cũng là năm mà Táo khuyết trình làng Apple Maps. Và người dùng phải chờ tới hơn 10 năm để thấy hãng tích hợp tính năng này trên những chiếc iPhone.
Tương tự Google Maps, Apple Maps cho phép tải xuống bản đồ ngoại tuyến bằng cách khoanh một vùng diện tích theo hình chữ nhật. Khi không có Internet, bản đồ sẽ hiển thị ranh giới ngoại tuyến, và tất nhiên bạn sẽ không thể điều hướng nếu đặt điểm đi – đến bên ngoài ranh giới đó.
Live Voicemail
iOS 17 mang đến một tính năng mới có tên là Thư thoại trực tiếp (Live Voicemail). Chúng sao chép thư thoại theo thời gian thực và giúp bạn quyết định có nên trả lời cuộc gọi đó hay không.
Chúng ta có thể tìm thấy một ứng dụng tương tự trên điện thoại Google Pixel có tên Call Screen. Tính năng này được giới thiệu vào năm 2019, cho phép trợ lý Google Assistant trả lời cuộc gọi của bạn hay yêu cầu người gọi cung cấp thêm thông tin. Từ đó, bạn có thể quyết định xem có nên chấp nhận cuộc gọi đó hay không.
Hiện thời gian còn lại khi tải ứng dung qua App Store
Cái tên cuối cùng có trong danh sách là tính năng thông báo thời gian còn lại khi tải ứng dụng từ App Store. Khi bạn tải một ứng dụng mới, màn hình iPhone sẽ hiển thị số phút còn lại bên cạnh thanh quá trình. Tất nhiên, tính năng này đã xuất hiện từ lâu trên điện thoại Android. Bạn có thể theo dõi thời gian tải xuống còn lại ngay trên thanh thông báo. Thậm chí, Play Store còn hiển thị phần trăm ứng dụng đã tải xuống một cách chi tiết, cụ thể hơn nhiều so với trên iOS.