Xiaomi, OPPO, vivo và OnePlus được cho là đang tìm cách phát triển phiên bản Android không phụ thuộc vào Google, nhằm chuẩn bị phương án dự phòng nếu chính quyền Mỹ áp lệnh cấm vận tương tự Huawei.
Xiaomi, OPPO, vivo và OnePlus tìm đường tách khỏi Google ở trên Android vì lo ngại kịch bản giống như Huawei
Cụ thể, trang GSMArena dẫn nguồn tin cho biết, động thái này xuất phát từ lo ngại sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền và có những dấu hiệu về một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc. Dưới thời ông Trump trước đây, Huawei từng bị cấm hợp tác với các công ty Mỹ, dẫn đến việc mất quyền truy cập vào Cửa hàng Google Play và các dịch vụ cốt lõi của Google trên nền tảng Android. Các hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc lo sợ kịch bản này có thể lặp lại với họ.

Trước đó, để đối phó với lệnh cấm, Huawei đã tự phát triển hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS. Hiện có tin đồn rằng Xiaomi, Oppo, vivo và OnePlus, có thể cùng với Huawei, đang khám phá việc xây dựng một phiên bản Android “phi Google”.
“Tin đồn cho rằng HyperOS 3 (giao diện người dùng dựa trên Android của Xiaomi) sẽ bắt đầu đặt nền móng cho động thái này”, một nguồn tin rò rỉ nêu. Tuy nhiên, mức độ hợp tác cụ thể giữa các thương hiệu và vai trò của Huawei trong dự án này hiện vẫn chưa rõ.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu các công ty này có đi theo con đường quyết liệt như Huawei trước đây – loại bỏ hoàn toàn khả năng tương thích với ứng dụng Android gốc hay không. Việc họ có áp dụng các công nghệ sẵn có của Huawei như trình biên dịch Ark Compiler hay ứng dụng bản đồ Petal Maps cũng chưa được làm rõ.

Theo thống kê thị trường mới nhất của Canalys, Xiaomi hiện là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc, theo sát là Huawei, kế đến là OPPO và vivo. Đáng chú ý, 4 thương hiệu này chiếm tới hai phần ba thị phần smartphone tại thị trường tỷ dân trong quý I năm nay. Trên phạm vi toàn cầu, dù Huawei đã suy giảm đáng kể, Xiaomi, OPPO và vivo vẫn vững vàng trong top 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Việc họ tung ra các thiết bị không có dịch vụ Google sẽ tạo ra một sự thay đổi cấu trúc lớn trên thị trường toàn cầu, đặt ra thách thức cho hệ sinh thái của Google và có thể mang đến những lựa chọn mới (nhưng cũng có thể là sự bất tiện ban đầu) cho người tiêu dùng quốc tế.

Giới phân tích nhận định, đây có thể là một bước đi chiến lược phòng ngừa rủi ro địa chính trị của các công ty Trung Quốc, nhằm đảm bảo sự tự chủ và khả năng chống chịu trong dài hạn, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào một hệ sinh thái do Mỹ kiểm soát. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ sinh thái phần mềm đủ sức cạnh tranh với Google là một thách thức khổng lồ, đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ và thời gian dài.
Theo: GSMArena
Mời bạn xem các video mới nhất của Vật Vờ Studio ngay tại đây.
Comments