Cuối tháng 5 vừa qua, Microsoft đã trình làng thế hệ laptop mới, trong đó nổi bật hơn cả là Surface Pro 11. Điểm nhấn lớn nhất trên sản phẩm này đến từ con chip Snapdragon X Plus hoàn toàn mới. Ra mắt lần đầu vào cuối năm 2023, chipset này hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới, nơi những mẫu laptop Windows ARM có thể cạnh tranh sòng phẳng về hiệu năng hay hay thời lượng pin so với MacBook. Hiện tại, người dùng có thể đặt mua Surface Pro 11 xách tay với mức giá khoảng 31 – 32 triệu đồng.
Snapdragon X Plus có mạnh hơn Apple M2, Apple M3?
Chiếc Surface Pro 11 mình đang trải nghiệm sử dụng con chip Snapdragon X Plus, 16GB RAM và 512GB SSD. Trên thực tế, mẫu máy này còn có phiên bản cao cấp hơn với Snapdragon X Elite cùng màn hình OLED. Tất nhiên, người dùng phải bỏ thêm tới 500 USD nếu muốn sở hữu sản phẩm này.
Có hai vấn đề mình quan tâm nhất khi trải nghiệm hiệu năng trên Surface Pro 11, bao gồm:
- Thứ nhất, Snapdragon X Plus cho hiệu năng ra sao nếu so với Apple M2, Apple M3 trên MacBook Air?
- Thứ hai, Surface Pro 11 có bị giảm hiệu năng khi rút sạc hay không?
Để kiểm chứng điều này, mình đã thử nghiệm nhanh với một số bài kiểm tra benchmark, sau đó so sánh điểm số với MacBook Air M2 và MacBook Air M3. Mình cũng tiến hành chấm điểm trong hai trường hợp có sạc và không sạc, để kiểm chứng xem hiệu năng máy có bị giảm khi không sạc pin hay không.
Kết quả mà Snapdragon X Plus đem lại rất khả quan. Với Geekbench 6 (CPU), điểm đơn nhân trên Surface Pro 11 chỉ kém hơn khoảng 10% so với MacBook Air M2 13 inch. Thậm chí, nếu xét trên điểm đa nhân, mẫu laptop của Microsoft thậm chí cho điểm số tốt hơn cả MacBook Air M3 13 inch.
Surface Pro 11 (Không sạc) | MacBook Air M2 13 inch | MacBook Air M3 13 inch | |
Vi xử lý | Snapdragon X Plus | Apple M2 | Apple M3 |
Geekbench 6 (CPU) | 2.333 – 12.486 | 2.577 – 9.648 | 3.013 – 11.334 |
Cinebench 2024 (Đơn nhân) | 106 | 120 | 138 |
Cinebench 2024 (Đa nhân) | 652 | 551 | 549 |
Điều này diễn ra tương tự với Cinebench 2024. Nhìn chung, điểm số CPU đơn nhân trên Snapdragon X Plus sẽ thua thiệt một chút nếu so với Apple M2 hay Apple M3. Tuy nhiên, do được trang bị tới 10 nhân (hai chipset còn lại chỉ là 8), Surface Pro 11 cho điểm đa nhân nhỉnh hơn khá nhiều.
Đáng chú ý, sau các bài chấm điểm bên trên, phần trăm pin sụt giảm trên Surface Pro 11 là không quá lớn. Với hai bài kiểm tra Geekbench, máy chỉ tiêu thụ 1% pin. Chuyển sang Cinebench 2024, mức tiêu thụ cao hơn, song cũng chỉ đạt tối đa 11%.
Phần trăm pin sụt giảm | |
Geekbench 6 (CPU) | 1% |
Geekbench 6 (GPU) | 1% |
Cinebench 2024 (Đơn nhân) | 11% |
Cinebench 2024 (Đa nhân) | 5% |
Hơn nữa, kết quả các bài chấm điểm trên Surface Pro 11 gần như không thay đổi giữa việc không sạc và có sạc. Với Geekbench 6, điểm số khi có sạc cao hơn một chút, thế nhưng chỉ hơn khoảng 1 – 2%. Thậm chí, với bài kiểm tra Cinebench 2024, điểm số đa nhân khi có sạc còn thấp hơn 100 điểm so với việc không sạc.
Không sạc | Có sạc (Sử dụng củ sạc 65W) | |
Geekbench 6 (CPU) | 2.333 – 12.486 | 2.347 – 12.502 |
Geekbench 6 (GPU) | 18.989 | 19.233 |
Cinebench 2024 (Đa nhân) | 652 | 564 |
Cinebench 2024 (Đơn nhân) | 106 | 107 |
Vì thế, qua các bài chấm điểm benchmark bên trên, có thể thấy hiệu năng mà Snapdragon X Plus nói chung cũng như Surface Pro 11 nói riêng là rất khả quan. Máy gần như không bị giảm hiệu năng khi rút sạc. Thêm vào đó, điểm số hay mức tiêu thụ pin mà mẫu laptop này đem lại đều tốt, không thua kém các mẫu ultrabook của Apple như MacBook Air M2 hay MacBook Air M3.
Những điểm nổi bật khác trên Surface Pro 11
Khác với dòng Surface Laptop tiêu chuẩn, mặc định Surface Pro 11 hoạt động dưới dạng một chiếc máy tính bảng (tablet). Người dùng có thể kết nối với bàn phím hoặc chuột để biến sản phẩm thành một mẫu laptop thông thường. Microsoft cũng bán kèm phụ kiện cho Surface Pro 11, tuy nhiên mức giá rất cao. Người dùng phải bỏ ra 350 USD cho bàn phím Surface Pro Flex và 450 USD nếu mua kèm bút Surface Pen.
Phiên bản mình sử dụng chạy chip Snapdragon X Plus đi kèm tuỳ chọn màn hình LCD. Dù chỉ là LCD, thế nhưng chất lượng hiển thị trên chiếc laptop này rất ấn tượng với màu sắc đậm đà, nền đen khá sâu cùng mật độ chi tiết tốt. Trong phần lớn thời gian trải nghiệm, mình chỉ cần kéo độ sáng trong khoảng 60% là đủ sử dụng. Nếu kéo thanh điều chỉnh lên tối đa, người dùng sẽ cảm thấy chói nhẹ nếu dùng trong nhà.
Màn hình trên Surface Pro 11 cũng hỗ trợ cảm ứng. Tuy nhiên, mình không đánh giá cao trải nghiệm vì bản thân Windows 11 không được tối ưu tốt cho việc cảm ứng trên màn hình.
Surface Pro 11 có hoàn thiện rất tốt. Toàn bộ phần khung viền và mặt sau sản phẩm được hoàn thiện từ kim loại. Nó tạo cảm giác thoải mái khi chạm vào và gần như không để lại mồ hôi hay dấu vân tay. Máy cũng có khối lượng chỉ 1,89 pounds (khoảng 900 gram), tương đương một số mẫu ultrabook mỏng nhẹ như LG Gram.
Cạnh trái sản phẩm chứa hai cổng USB-C hỗ trợ DisplayPort cùng khả năng sạc nhanh tối đa 65W. Cạnh dưới sản phẩm có hai chấu nhỏ giúp kết nối với các phụ kiện bên ngoài. Trong khi đó, cạnh phải sản phẩm chứa khe cắm thẻ nhớ SD. Với một người thường xuyên chụp ảnh bằng máy ảnh cơ, sau đó hậu kỳ trên PC, cá nhân mình đánh giá rất cao trang bị này.
Về phần mềm, Surface Pro 11 đang chạy Windows 11 mới nhất. Qua trải nghiệm nhanh, hầu hết ứng dụng hệ thống như Cài đặt, Microsoft Team hay Microsoft Edge đều hoạt động một cách mượt mà, trơn tru. Đây là điều dễ hiểu vì các ứng dụng hệ thống trên chiếc laptop này đều tương thích tự nhiên (native) với chipset ARM.
Do là Copilot+ PC, Surface Pro 11 đi kèm hàng loạt tính năng AI khác như Cocreator, Paint Image Creator hay bộ Windows Studio Effects. Tất nhiên, chúng ta cần có những bài so sánh chuyên sâu hơn để có nhận định khách quan về tính ứng dụng của những công cụ này.
Tạm kết: Surface Pro 11
Tóm lại, Surface Pro 11 nói riêng và Snapdragon X Plus nói chung mang đến nhiều kỳ vọng về một thế hệ laptop Windows ARM hoàn toàn mới. Qua trải nghiệm nhanh, máy cho hiệu năng tốt và không bị giới hạn khi rút sạc. Những yếu tố khác trên Surface Pro 11 đều rất cao cấp từ thiết kế, màn hình cho đến loạt công cụ AI tiện ích.
Comments