Vài năm gần đây, ảnh hưởng của bức xạ điện thoại di động đối với sức khỏe con người đang là chủ đề quan tâm của các chuyên gia y tế, đặc biệt là trong thời điểm nhu cầu sử dụng loại thiết bị này tăng nhanh. Vì vậy mới đây, BanklessTimes đã công bố một danh sách gồm những chiếc điện thoại phát ra lượng bức xạ cao nhất, qua đó cảnh báo người dùng về sự nguy hiểm của loại sóng vô tuyến này.
Dẫn đầu trong danh sách là Motorola Edge với 1,79 W/kg, hai vị trí tiếp theo lần lượt là là ZTE Axon 11 5G (1,59 W/kg) và OnePlus 6T (1,55 W/kg). Thấp hơn một chút là Sony Xperia XA2 Plus, Google Pixel 3XL và Google Pixel 4a. Đáng chú ý là bảng xếp hạng này chủ yếu bao gồm các mẫu điện thoại cũ và trong số đó có ba thiết bị của Google.
Bức xạ của điện thoại thông minh tỷ lệ thuận với mức độ ảnh hưởng đến cơ thể; tỷ lệ này được đo bằng SAR. Giá trị SAR tối đa trên điện thoại được cho phép ở nhiều quốc gia là khoảng 1,6 W/kg đến 2,0 W/kg. Ví dụ: Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã đặt mức SAR tối đa là 1,6 W/kg. Như vậy, trong danh sách này, chỉ có Motorola Edge vượt quá giới hạn và được phép lưu hành. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi theo nhiều điều kiện khác nhau, chẳng hạn như độ bền của ăng-ten phát sóng và khoảng cách từ thiết bị đến trạm phát sóng.
Về cơ bản, bất kỳ loại sóng điện từ nào cũng có thể được gọi là bức xạ. Bức xạ ion mới là loại bức xạ có thể gây hại với liều lượng nhỏ, có thể kể đến tia UV, tia X và tia gamma. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các bức xạ mà con người tiếp xúc hằng ngày đều không bị ion hóa. Ví dụ như ánh sáng từ bóng đèn, sóng radio, sóng vô tuyến phát ra từ điện thoại thông minh… Trên thực tế, mọi chiếc điện thoại thông minh sẽ phát ra loại phóng xạ với liều lượng nhỏ và chúng không đủ mạnh để gây ra thiệt hại tới cơ thể con người.
Ở thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một nghiên cứu cụ thể nào có thể chứng minh rằng bức xạ từ điện thoại thông minh tác động xấu đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, người dùng cũng nên lưu ý vì các loại sóng vô tuyến này vẫn có thể sẽ gây ra những bệnh tật không mong muốn trong tương lai.
Comments