Tin tức

Steam ra mắt tính năng giúp game thủ phân biệt ‘mượt ảo’ và ‘mượt thật’

0

Theo nguồn tin từ trang The Verge, Valve vừa tung ra bản cập nhật cho Steam, bổ sung công cụ theo dõi hiệu năng mới, cho phép người dùng thấy rõ sự khác biệt giữa tốc độ khung hình thực và các khung hình được tạo ra bởi công nghệ như DLSS, FSR.

Trong bản cập nhật Steam Client mới nhất, Valve đã tích hợp một trình theo dõi hiệu năng chi tiết, giúp người dùng hiểu sâu hơn về lý do một trò chơi chạy mượt hay không. Hãng cho biết “phiên bản đầu tiên” sẽ tập trung vào người dùng Windows với các dòng card đồ họa (GPU) phổ biến.

Công cụ này cung cấp bốn cấp độ hiển thị, từ một giá trị FPS (khung hình/giây) đơn giản, đến các thông số chi tiết về FPS, mức sử dụng CPU, GPU và cả RAM. Người dùng có thể tùy chọn mức độ hiển thị, nhưng càng chi tiết, lớp phủ thông tin sẽ càng chiếm nhiều diện tích trên màn hình.

Khác với bộ đếm FPS đơn giản trước đây, điểm nổi bật của công cụ là khả năng tách bạch giữa các khung hình được kết xuất (render) hoàn toàn bởi card đồ họa và các khung hình được “tạo” thêm (generated frames) từ công nghệ của Nvidia (DLSS) hay AMD (FSR).

Điều này giúp người chơi hiểu tại sao một game có thể trông rất mượt, nhưng cảm giác chơi lại không nhạy, có độ trễ. “Việc tạo khung hình không thể cải thiện độ trễ đầu vào (input latency) vốn rất quan trọng với game thủ thi đấu, nhưng nó có thể làm hình ảnh trông mượt mà hơn trên các màn hình tần số quét cao”, Valve giải thích trong tài liệu hỗ trợ.

Nói cách khác, người chơi có thể nhận biết liệu game có cảm giác chạy ở 30 FPS là do engine game thực sự chỉ xử lý ở mức đó hay không, dù cho mắt họ đang thấy một hình ảnh đã được làm mượt nhờ các “khung hình giả” (fake frames) từ DLSS/FSR. Đây là một chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng game thủ PC, và động thái của Valve cho thấy họ không đứng về phía nào mà chỉ cung cấp công cụ để người dùng tự đánh giá.

Thực chất, tính năng này không hoàn toàn mới với hệ sinh thái của Valve. Người dùng máy chơi game cầm tay Steam Deck đã quen thuộc với công cụ MangoHud có chức năng tương tự, cho phép theo dõi và tối ưu hiệu năng. Tuy nhiên, việc tích hợp thẳng vào Steam trên máy tính sẽ giúp tính năng này tiếp cận hàng triệu game thủ một cách dễ dàng hơn.

Valve cho biết sẽ không dừng lại ở đây. Hãng có kế hoạch “bổ sung thêm dữ liệu, phát hiện các kịch bản phần cứng hoạt động kém hiệu quả và hiển thị bản tóm tắt hiệu năng lớn hơn” trong lớp phủ (overlay) khi người dùng nhấn tổ hợp phím Shift + Tab trong tương lai.

Theo: The Verge

Mời bạn xem các video mới nhất của Vật Vờ Studio ngay tại đây.

Anker thu hồi thêm 5 mẫu sạc dự phòng vi lo ngại cháy nổ: Ai đang dùng cần kiểm tra ngay để đảm bảo an toàn

Previous article

Rộ tin đồn HyperOS 3 sẽ có thiết kế giống Liquid Glass của Apple

Next article

Comments

Comments are closed.