Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà mạng viễn thông đã phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời hơn 150.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Tính bình quân hàng tháng, có tới 25.000 thuê bao bị chặn. Con số này cao gấp đôi so với trung bình cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, vào tháng 9/2020, Cục Viễn thông đã kêu gọi các nhà mạng tại Việt Nam đẩy mạnh việc ngăn chặn, xử lí vấn nạn viễn thông, trong đó bao gồm các thuê bao phát tán cuộc gọi và tin nhắn gây quấy rối người dùng. Đến nay, theo tính toán, đã có gần 400.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác đã bị chặn. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân phát tán cuộc gọi, tin nhắn rác cũng đã bị lập biên bản và xử lí vi phạm hành chính.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới họ sẽ định hướng áp dụng nhiều giải pháp, trong đó, cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy việc cấp tên định danh cho các thuê bao thực hiện quảng cáo; tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp sai quy định. Đồng thời, xem xét đưa tiêu chí phản ánh cuộc gọi rác từ người dùng là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ QoS của nhà mạng.
Bộ cũng mạnh tay đưa ra những biện pháp để xử lí vấn nạn SIM rác. Chúng bao gồm việc yêu cầu xử lý các SIM có thông tin không đúng quy định; yêu cầu nhà mạng rà soát thông tin thuê bao theo các tiêu chí (số CMND/CCCD), xác định các thuê bao nghi ngờ; thu hồi, ngăn chặn sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh phân phối; phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra công tác quản lý thuê bao và xử lý vi phạm tại 7 doanh nghiệp viễn thông di động và các đại lý.
Và từ tháng 9 năm nay, tất cả các thuê bao SIM được đăng kí mới đều sẽ được các nhà mạng thực hiện xác minh danh tính qua cuộc gọi có hình ảnh (video-call). Điều này sẽ đảm bảo thông tin đăng kí trên từng thuê bao là chính chủ, cũng như ngăn chặn tối đa vấn nạn rác viễn thông tại nước ta.
Comments