Ngoài bản lề và nếp gập, màn hình phụ cũng là một yếu tố đáng xem xét khi lựa chọn một chiếc điện thoại gập. Cả OPPO Find N2 Flip và Galaxy Z Flip4 đều sở hữu những thiết kế màn hình khác nhau, đi kèm với đó là trải nghiệm sử dụng cũng có đôi phần chênh lệch. Vậy thì đâu sẽ là mẫu máy cho khả năng sử dụng màn hình phụ tốt hơn?
Thiết kế
Cá nhân mình thích thiết kế màn hình phụ có trên OPPO Find N2 Flip hơn, đơn giản vì nó to và hiển thị được nhiều nội dung hơn. Theo đó, màn hình phụ trên OPPO có kích thước 3,26 inch, trong khi con số đó trên Samsung chỉ là 1,9 inch. Tất nhiên, đây đều là hai màn hình tốt với tấm nền AMOLED hiển thị chất lượng.
Trên Galaxy Z Flip4, màn hình phụ được đặt cạnh camera với chiều rộng tương ứng với chiều dài camera. Trong khi đó, OPPO Find N2 Flip có màn hình phụ lớn và trải dài tới sát bản lề. Mình thích thiết kế này trên OPPO hơn, đó là còn chưa kể màn hình của Samsung còn bị chiếm dụng một khoảng đen khá lớn ở bốn cạnh bên.
Màn hình phụ trên OPPO Find N2 Flip được dán sẵn một tấm cover bên ngoài, trong khi Z Flip4 lại không có bất cứ tấm bảo vệ nào. Nếu lựa chọn Samsung, bạn sẽ cần phải mua thêm một miếng dán màn hình /để đảm bảo độ bền thiết bị là tốt nhất.
Công năng sử dụng
Đúng như cái tên của nó, màn hình phụ trên Galaxy Z Flip4 mang đúng nghĩa là một chiếc “màn hình phụ” khi chỉ có thể hiển thị thông tin. Trong khi đó, màn hình trên OPPO Find N2 Flip lại cho phép ta tuỳ biến và tương tác với những nội dung mà chúng hiển thị.
Cả hai đều sở hữu hệ thống mặt đồng hồ khá đa dạng. Trên OPPO, chúng ta có thêm một tính năng cho phép mô phỏng một chú thú cưng nhỏ trên màn hình phụ. Chúng ta có thể tương tác với thú cưng y như một vật thể thật, thậm chí trong một số trường hợp khi sạc pin, thú cưng sẽ nhảy lên và tương tác lại trên màn hình.
Cả OPPO và Samsung đều cung cấp một số widget mặc định, chẳng hạn như bấm giờ, xem thông báo, thời tiết hay sử dụng camera. Tuy nhiên, trên Galaxy Z Flip4, mức độ tương tác với màn hình này là khá hạn chế, tức là chúng ta cần phải mở màn hình chính để có thể bật tắt cài đặt mạng hay các tuỳ chỉnh nhanh.
Trong khi đó, OPPO Find N2 Flip lại cung cấp một bảng cài đặt nhanh ngay trên màn hình phụ. Ta có thể bật tắt Wi-Fi, chế độ máy bay, dữ liệu di động hay thậm chí là bật đèn pin hay kích hoạt chế độ tiết kiệm pin. Tất nhiên, để có thể cài đặt sâu hơn, chẳng hạn như chọn mạng Wi-Fi, ta cần phải mở màn hình chính.
Cả hai mẫu máy đều cung cấp các mẫu tin nhắn nhanh giúp người dùng trả lời ngay trên màn hình phụ. Tuy nhiên, Samsung nhỉnh hơn một chút khi còn có thêm chức năng trả lời bằng giọng nói. Mặc dù chưa hỗ trợ tiếng Việt, nhưng tính năng này sẽ hữu dụng trong một số trường hợp nhất định.
OPPO lại tỏ ra vượt trội trong khoản điều khiển camera trên màn hình phụ. Với thiết kế theo dạng dọc, máy có thể bắt trọn khung hình tương tự như khi sử dụng màn hình chính. Trong khi đó, Galaxy Z Flip4 lại sử dụng màn hình dạng ngang, khiến khung ảnh bị mất đi rất nhiều và gần như không phát huy tác dụng khi người dùng chụp ảnh.
Về khả năng tuỳ biến, cả hai đều hỗ trợ những hàm API liên kết với màn hình phụ. Mình có thể lướt Facebook, xem YouTube hay thậm chí chơi game trên màn hình phụ này chỉ bằng việc cài đặt một tiện ích bên thứ ba mang tên Samsprung TooUI. Tất nhiên, trải nghiệm trên đây còn thua xa so với màn hình chính, nhưng đó cũng là một điểm thú vị mà bạn có thể tận dụng trên màn hình này.
Tổng kết
Cả Galaxy Z Flip4 và OPPO Find N2 Flip đều là những thiết bị gập thú vị, mở ra trải nghiệm hoàn toàn khác biệt trên một chiếc điện thoại. Về thiết kế, mình đánh giá OPPO cao hơn nhờ kích thước lớn và kiểu màn hình đa dụng hơn. Trong khi đó, về phần mềm và trải nghiệm sử dụng, mình đánh giá cả hai đều có những điểm tốt và có thể coi là ngang bằng nhau.
Comments