Hai năm qua, màn hình OLED dần trở thành tiêu chuẩn của các mẫu điện thoại và máy tính trên toàn thế giới. Các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung giá rẻ cũng đang được phổ cập màn hình OLED, giúp khả năng hiển thị được cải thiện đáng kể. Do đó, những công nghệ màn hình cao cấp hơn đã dần xuất hiện, hứa hẹn sẽ cải thiện những điểm yếu của tấm nền OLED.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể kể đến ba công nghệ màn hình sáng giá để thay thế cho màn hình OLED, đó là: microLED, miniLED và QD-OLED. Vậy ba ứng viên này có thể thay thế công nghệ màn hình OLED không hay sẽ chỉ là những công nghệ màn hình “sớm nở chóng tàn”?
Chúng ta sẽ có những chiếc smartphone màn hình microLED hay miniLED trong tương lai?
Về cơ bản, màn hình microLED là phiên bản nâng cấp từ màn hình OLED. Với cấu tạo từ hàng triệu đèn LED kích thước rất nhỏ (micro), các điểm ảnh trên màn hình microLED sẽ có khả năng tự phát sáng, tái tạo lại màu sắc chính xác. Từ đó đem lại khả năng tái tạo màu đen cực cao. Ngoài ra, màn hình microLED cũng sẽ có độ sáng cùng mật độ điểm ảnh cao hơn, tiêu thụ điện năng thấp hơn và hơn hết, nó giảm thiểu tối đa khả năng burn-in trên màn hình OLED. Khi màn hình micro-LED được giới thiệu vào năm 2018, công nghệ này đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao và kỳ vọng sẽ sớm được phổ cập trên điện thoại thông minh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sau 4 năm được giới thiệu, công nghệ màn hình này vẫn chưa thể được phổ biến và sản xuất hàng loạt. Lý do đơn giản là vì việc sản xuất và liên kết hàng triệu đèn LED với kích thước nhỏ như vậy là rất khó khăn, đòi hỏi công nghệ rất cao. Khi đó, giá thành của sản phẩm cũng sẽ bị đẩy lên khá nhiều so với các sản phẩm hiện tại trên thị trường.
Vậy còn miniLED thì sao?
Khác với microLED, màn hình miniLED sẽ là một phiên bản nâng cấp của màn hình công nghệ LCD hiện tại. Về cơ bản, màn hình miniLED sẽ vẫn là màn hình LCD nhưng thay thì dùng đèn LED thường vào đèn nền thì sẽ chuyển sang dùng các bóng LED mini để kiểm soát các vùng sáng tối tốt hơn. Nhờ thay đổi này, màn hình miniLED đã khắc phục được điểm yếu của màn hình LCD thông thường và tiệm cận được với chất lượng của màn hình OLED. Độ tương phản và độ sáng của màn hình miniLED tốt hơn mọi màn hình LCD thông thường nào đang có mặt trên thị trường.
Màn hình miniLED đang là xu thế phát triển chung của ngành sản xuất TV. Hiện tại, rất nhiều sản phẩm TV đang sử dụng công nghệ miniLED này. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này lên điện thoại thông minh nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sản xuất màn hình miniLED không quá khó như microLED, tuy nhiên nó lại bị ảnh hưởng lớn từ sự phổ thông của màn hình OLED. Màn hình OLED ở thời điểm hiện tại quá phổ biến, do chúng có dây chuyền sản xuất tối ưu và mức giá vô cùng cạnh tranh. Lúc này, một “tân binh” như miniLED sẽ phải mất thêm thời gian tối ưu dây chuyền sản xuất, từ đó có một mức giá cạnh tranh hơn.
Hiện tại, màn hình miniLED mới chỉ xuất hiện trên hai dòng sản phẩm đến từ Apple là những chiếc iPad Pro và các mẫu Macbook Pro mới nhất. Ngoài Apple, chúng ta chưa thấy được các sản phẩm sử dụng công nghệ màn hình miniLED trên thị trường.
Công nghệ QD-OLED mới của Samsung cũng rất ấn tượng đấy chứ?
Tại CES 2022, Samsung Display đã tạo ra tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp màn hình với công nghệ OLED Quantum Dot (QD-OLED). Công nghệ màn hình mới này giải quyết được hầu hết vấn đề mà OLED gặp phải trong cả thập kỷ vừa qua. Với công nghệ mới, màn hình này tạo ra được các dải màu đơn sắc tự nhiên hơn, cho ra góc nhìn rộng hơn, chân thực hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Không những thế, QD-OLED còn cho tuổi thọ màn hình vượt trội hoàn toàn so với màn hình OLED. Vậy trong bao lâu nữa công nghệ này mới có xuất hiện trên những chiếc điện thoại thông minh? Câu trả lời thực sự vẫn rất mơ hồ.
Hiện tại, công nghệ màn hình này vẫn chỉ đang là một sản phẩm trong phòng thí nghiệm, nó mới chỉ được giới thiệu và chưa hề có kế hoạch sản xuất hàng loạt. Samsung vẫn đang nghiên cứu và cải tiến thêm để tối ưu cả chất lượng lẫn giá cả. Hơn nữa, các báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình sản xuất công nghệ màn hình này gặp tỷ lệ lỗi rất cao. Cứ 100 màn hình được sản xuất, sẽ có tới 70 chiếc phát sinh lỗi. Con số này tương đương với chỉ 30% sản phẩm được sản xuất ra là không gặp lỗi. Việc này sẽ khiến cho giá thành của sản phẩm sẽ cao hơn hẳn cho với màn hình OLED thông thường. Do đó, cần phải có thời gian để tối ưu sản xuất, giảm tỷ lệ lỗi để sản phẩm có giá thành tốt hơn.
Công nghệ OLED vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới
OLED đã được phổ biến trong nhiều năm qua, tuy nhiên để tìm được một công nghệ màn hình khác tốt hơn vẫn là một bài toán khó. Trong khi đó, công nghệ màn hình OLED nhìn chung đang ngày càng tiến bộ khi khắc phục được những điểm yếu cố hữu. Điển hình là màn hình AMOLED trên điện thoại của Samsung với nhiều cải tiến đáng giá. Theo AnandTech, khi họ thử nghiệm trên chiếc Galaxy S21 Ultra từ năm ngoái, họ đã thấy được rằng công nghệ OLED mới trên chiếc điện thoại này đã giúp nó giảm mức điện năng tiêu thụ tới 30% so với Galaxy S20 Ultra. Hay đối với công nghệ LTPO linh hoạt, nó vừa đem lại trải nghiệm tối ưu nhất cho người dùng mà vẫn có thể tiết kiệm được điện năng trong quá trình sử dụng.
Nhìn chung, OLED vẫn là công nghệ hiển thị linh hoạt nhất trên thị trường hiện tại. Chất lượng, tính năng của những chiếc màn hình OLED ngày càng tối ưu hơn và hơn hết, giá thành lại có xu hướng giảm đi. Do đó, các nhà sản xuất cần thời gian để hoàn thiện và tối ưu miniLED, microLED hay QD-OLED trong vài năm tiếp theo.