Theo bản ghi bài phát biểu do Đại học Giao thông Thượng Hải đăng tải, ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Tập đoàn Huawei cho biết, tập đoàn đã thay thế 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận và chỉnh sửa 4.000 mạch in trên các thiết bị của hãng trong hơn 3 năm qua. Những linh kiện bị cấm được thay thế bằng các sản phẩm nội địa Trung Quốc.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei đã đầu tư 23,8 tỷ USD vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2022 và khẳng định khi lợi nhuận được cải thiện, Huawei sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho lĩnh vực nghiên cứu. Điều này cho thấy công ty hoàn toàn đã ổn định trong quá trình sản xuất linh kiện cũng như phát triển hệ điều hành HarmonyOS của riêng mình khi không còn được hỗ trợ bởi dịch vụ Google Mobile Services của Android.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đã xây dựng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp của riêng, được gọi là MetaERP. Dự kiến ra mắt vào tháng 4, hệ thống mới sẽ giúp Huawei điều hành tốt hơn các chức năng kinh doanh cốt lõi, bao gồm tài chính, chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất.
Kể từ năm 2019, Huawei đã chính thức được sử dụng mạng viễn thông 5G, điều này khiến công ty trở thành mục tiêu của các vòng kiểm soát xuất khẩu liên tiếp tại Mỹ. Những biện pháp kiểm soát đã cắt đứt các nguồn cung cấp chip của Huawei ở Mỹ cũng như cơ hội tiếp cận các công nghệ mới bên Mỹ để thiết kế chip của riêng họ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ngoái cũng ban hành lệnh cấm bán thiết bị Huawei mới ở Mỹ.
Dù Huawei có thể xin phép Hoa Kỳ thông qua để sử dụng chip Snapdragon của Qualcomm nhưng đã có một số thay đổi về phần cứng khiến bộ vi xử lý này không thể hỗ trợ mạng 5G. Vì vậy, Huawei vẫn sử dụng con chip Kirin 710A đã 3 năm tuổi để cung cấp cho chiếc điện thoại tầm trung Enjoy 60 sắp ra mắt.