Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi hệ điều hành Android ra mắt, đã có nhiều thương hiệu điện thoại Android xuất hiện và biến mất. Theo thời gian, thị trường luôn thay đổi buộc các nhà sản xuất không ngừng cải tiến và nâng tầm sản phẩm nếu không muốn bị bỏ lại. Trải qua 14 năm đó, có một thương hiệu vẫn luôn giữ vững được phong độ của mình, đó chính là Samsung.
Dù bạn có phải là người yêu Samsung hay không thì cũng không thể phủ nhận rằng, Samsung luôn có sức ảnh hưởng đến nhận thức của người dùng khi nhắc đến điện thoại Android. Thậm chí, với những người dùng cơ bản, họ coi cổng sạc mặc định trên điện thoại Android là sạc “Samsung”. Phải chăng, với sức ảnh hưởng lớn đến vậy, Samsung đang là là thương hiệu đại diện của hệ điều hành Android?
Thị phần ổn định
Theo thống kê của 3 tập đoàn dữ liệu quốc tế là Gartner, IDC và Financial Filings; từ năm 2014 đến nay, thị phần điện thoại Samsung luôn giữ mức ổn định ở khoảng 25%. Giai đoạn hưng thịnh nhất của thương hiệu Hàn Quốc này là vào năm 2017 khi đạt đến mức 33.3% thị phần. So sánh với các đối thủ Android khác thì chưa có nhà sản xuất nào ngoài Xiaomi có thể đạt được sự ổn định đáng kinh ngạc xuyên suốt một thời gian dài như vậy. Thậm chí, Xiaomi dù chỉ xếp sau Apple và Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu trong 5 năm gần nhất nhưng vẫn chưa thể được coi là đối trọng của Samsung vì thị phần của họ chỉ bằng một nửa so với hãng điện thoại Hàn Quốc.
Chỉ duy nhất trong giai đoạn giữa năm 2020, Samsung lần đầu phải rời bỏ vị trí đầu tiên là khi bị Huawei vượt mặt. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn ấy cũng nhanh chóng trôi qua khi Huawei liên tiếp gặp những vấn đề rắc rối với Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến cho Huawei trực tiếp bị cấm vận nhiều công nghệ độc quyền. Mất đi nhiều đối tác quan trọng như Google, thương hiệu Trung Quốc cũng dần đánh mất chính mình. Cuộc cạnh tranh cũng chỉ còn lại 2 cái tên đáng chú ý là Samsung và Apple.
Các sản phẩm đột phá và chất lượng
Từ năm 2018 đến nay, các hãng điện thoại liên tục đưa ra nhiều chiến dịch quảng bá rộng rãi để tăng độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu. Có thể kể đến vivo với sự hợp tác cùng FIFA World Cup 2018, Euro 2020 hay OPPO với bản hợp đồng 2 năm với UEFA Champions League. Nhưng điều đó cũng chưa thể giúp 2 thương hiệu này đạt được thành công Samsung. Vì ngoài thương hiệu, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định qua thời gian cũng là một yếu tố quan trọng giúp gã khổng lồ Hàn Quốc có được một lượng khách hàng ổn định.
Năm 2011 là năm đầu tiên doanh số của một chiếc điện thoại Samsung vượt qua iPhone và trở thành chiếc điện thoại thông minh của năm. Với 40 triệu máy được bán ra, Galaxy S2 thậm chí còn bán chạy hơn cả iPhone 4 thời điểm đó. Điện thoại Samsung từ giai đoạn đó đã được nhiều người dùng đánh giá cao vì sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến như chip xử lý mạnh, màn hình sắc nét, camera chụp ảnh tốt,… Dù không có thiết kế đẹp, nhưng chúng thường mỏng, nhẹ, và không có quá nhiều điểm để chê trách. Tiếp đà thắng lợi, vào năm 2012, Samsung tiếp tục trình làng “kẻ hủy diệt iPhone” khi Galaxy S3 đạt doanh số tương đương với iPhone 5 và trở thành chiếc điện thoại Android bán chạy thứ 2 mọi thời đại.
Sự đột phá trong chiến lược kinh doanh của Samsung bắt đầu thể hiện rõ khi hãng lần đầu cho ra mắt Galaxy Note 1 – chiếc smartphone với màn hình vô cùng lớn. Tại thời điểm đó, không có quá nhiều người dùng quan tâm đến Galaxy Note 1, thậm chí các bài đánh giá còn cho rằng đây sẽ là dòng điện thoại thất bại. Tuy nhiên, Galaxy Note 1 vẫn đạt doanh số đáng kinh ngạc với 10 triệu chiếc và cũng trở thành chiếc điện thoại định hình cho cả thế giới smartphone tới thời điểm hiện tại.
Tầm nhìn của nhà lãnh đạo Samsung tiếp tục thể hiện ở năm 2019 với sự ra mắt của Galaxy Fold. Chiếc điện thoại gập thế hệ đầu tiên của Samsung dù gặp nhiều lỗi nhưng nó dường như đã phá vỡ quy chuẩn cho một chiếc điện thoại thông thường và đặt nền móng cho smartphone trong tương lai.
Nhìn vào các dòng sản phẩm ngày nay của Samsung, Galaxy Z Fold4 và Galaxy Z Flip4 có thể coi là 2 sản phẩm nổi bật nhất trên thị trường điện thoại gập. Dù chưa hoàn hảo nhưng với nhiều năm tích lũy qua 4 thế hệ, điện thoại gập của Samsung vẫn đem đến cho người dùng một trải nghiệm thật sự khác biệt so với những OPPO, Xiaomi hay vivo. Đó là chưa kể người dùng không thể mua những chiếc điện thoại gập đó bên ngoài Trung Quốc vì chúng chỉ được phân phối ở thị trường nội địa. Trong khi đó, một sự lựa chọn tiềm năng khác là Huawei cũng bị cản trở bởi sự thiếu hụt của các dịch vụ của Google. Trải qua từng năm, các cải tiến của Samsung không quá lớn nhưng gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vẫn tiên phong đổi mới và tạo ra sự đột phá trong ngành công nghiệp smartphone.
Google nắm quyền sở hữu của Android, nhưng Samsung mới là người định hướng
Trong những năm gần đây, Samsung thậm chí còn có ảnh hưởng lớn hơn đến hướng phát triển của Android so với Google. Ở những thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, khi phần mềm của Google chưa tối ưu tốt cho điện thoại gập thì Samsung phải chủ động giải bài toán về phần mềm. Khi mà những chiếc Galaxy Z Fold hay Z Flip vẫn phải phụ thuộc vào Android của Google thì sự ra đời của Android 12L là điều tất yếu. Nó có thể coi là sự hợp tác mang tính dấu mốc giữa Google và Samsung để đưa các tính năng dành riêng cho điện thoại gập vào hệ điều hành Android. Từ đó, Android 12L hứa hẹn sẽ mở ra một cánh cửa mới cho các hãng điện thoại Android khác như Xiaomi, OPPO, vivo,…
Tại sự kiện Google I/O 2021, Google bất ngờ công bố sự hợp tác với Samsung để tạo ra một phiên bản WearOS hoàn toàn mới dành cho đồng hồ thông minh. Đây là hệ quả của việc WearOS cũ của Google và TizenOS cũ của Samsung đều không đạt được những thành công như mong đợi. Và khi WearOS mới ra mắt, nó đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà cả 2 gã khổng lồ công nghệ còn tồn đọng. Nhanh hơn, pin khỏe hơn, tối ưu tối hơn và nhiều tiện ích thông minh hơn là kết quả đạt được khi cả 2 bắt tay hợp tác. Ngoài ra, WearOS cũng đã được nhiều thương hiệu đồng hồ nổi tiếng tin dùng sau sự quay trở lại đầy hứa hẹn như Fossil, TicWatch, v.v. Rõ ràng, WearOS thế hệ mới sẽ mang tham vọng đồng nhất hệ điều hành trên đồng hồ thông minh giống như Apple đang làm.
Samsung xứng đáng là thương hiệu đại diện của hệ điều hành Android
4 hệ điều hành lớn và 5 năm cho các bản vá bảo mật là những gì người dùng sẽ nhận được khi bỏ ra mua điện thoại cao cấp hay tầm trung của Samsung. Con số này vượt xa nhiều thương hiệu điện thoại Android khác trên thị trường, thậm chí đến Google Pixel chỉ được 3 hệ điều hành và 5 năm bảo mật. Điều này cho thấy phải chăng Samsung mới chính là con “đẻ” của Google ?
Về tất cả, Samsung chắc chắn không phải là một thương hiệu hoàn hảo. Đã có thời gian nhà sản xuất Hàn Quốc gặp phải những lùm xùm không hay với Galaxy Note 7. Tuy nhiên, chính CEO của hãng cũng đã lên tiếng xin lỗi người dùng ngay sau đó. Và như vậy vị thế của Samsung ngày càng được khẳng định rõ trên thị trường. Ở khu vực Nam Á, Xiaomi có thể là “trùm”; ở Trung Quốc, OPPO hay Huawei có thể là số một. Nhưng khi nhìn bức tranh toàn cảnh về smartphone Android trên toàn cầu, Samsung vẫn là thương hiệu dễ nhận biết nhất khi nhắc đến điện thoại Android.
Trải qua hàng chục năm nghiên cứu và phát triển, Samsung đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện và đổi mới hệ điều hành Android. Dù Samsung không phải là thương hiệu yêu thích của mọi người, nhưng không thể phủ nhận rằng gã công nghệ Hàn Quốc xứng đáng là gương mặt đại diện tiêu biểu cho hệ điều hành Android.