The Review 2022

Reviewer đang “dắt mũi” người dùng?

0

Nghề “review” – đánh giá sản phẩm – đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng thu hút nhiều hơn những bạn trẻ tìm hiểu và theo đuổi. Những video của họ luôn là nguồn cung cấp thông tin hữu ích mỗi khi bạn băn khoăn trước vô vàn những sản phẩm khác nhau. Thế nhưng, liệu chúng ta có nên tin những gì Reviewer nói? Và công việc Review có những tác động nào trong quá trình mua sắm của người dùng? Hãy cũng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Công việc review có cần thiết?

Một điều không thể chối cãi, đó là xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dần chuyển dịch sang hình thức trực tuyến. Những trang thương mại điện tử như Taobao, Amazon hay Shopee, Lazada đều đang có những bước phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt. Việc mua sắm online giúp họ tiết kiệm thời gian cũng như không phải mất công chen chúc giữa những dòng người đông đúc tại những trung tâm thương mại – một điều nên được hạn chế khi mà COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm nào đó trên Internet, trước mắt họ là vô vàn những kết quả, lựa chọn khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có những mẫu mã riêng biệt, chức năng cũng như cách sử dụng riêng biệt, điều đó khiến họ rất dễ bối rối. Việc chọn lựa và tìm được một món đồ ứng ý khi này trở nên hết sức khó khăn.

Vì lẽ đó, Reviewer ra đời. Họ sinh ra để giải quyết những vấn đề khó giải của người tiêu dùng. Reviewer so sánh, đánh giá, khen chê một sản phẩm mà bạn đang quan tâm kỹ càng, cụ thể. Từ đó giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và nắm rõ thông tin về chúng mà không cần phải trực tiếp cầm nắm hay trải nghiệm ở ngoài cửa hàng, giúp họ đưa ra những quyết định mua hàng một cách hợp lý nhất, giảm thiểu tối đa tình trạng mua phải những sản phẩm không vừa ý.

Điều này đặc biệt phù hợp với những sản phẩm mang hàm lượng tri tuệ cao như các thiết bị công nghệ (Smartphone, Laptop, các thiết bị điện tử, v.v…). Với những người không quá am hiểu thì việc tự nghiên cứu, tìm hiểu về công nghệ từ đó chọn lựa một món đồ phù hợp thật sự không hề dễ dàng.

Thay vào đó, họ có thể tham khảo những bài đánh giá, phân tích đến từ những reviewer công nghệ – người có đầy đủ sự trải nghiệm, kiến thức và kinh nghiệm để giúp bạn lựa chọn một sản phẩm ưng ý nhất.

Nhưng, liệu reviewer nào cũng ăn tiền?

Các bạn đã từng trải nghiệm cảm giác mua phải một món đồ thật sự tệ hại, nhưng trước đó chúng lại được khen ngợi hết nấc từ một Reviewer nào đó hay chưa?

Điều này thường xuyên xảy ra với công việc “review ăn uống”. Khi mà các sản phẩm công nghệ, quần áo, trang sức được sản xuất tự động và có chất lượng khá tương đồng với nhau, thì đồ ăn, đồ uống, vốn thường được thực hiện một cách thủ công, rất dễ bị chi phối và biến đổi từ nhiều nhân tố.

Chỉ cần nguyên liệu không tươi, không tốt như ban đầu có thể ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Việc cho nhiều gia vị hơn mức thông thường có thể ảnh hưởng đến mùi vị, thậm chí làm hỏng cả món ăn. Rồi gu ẩm thực của mỗi người một khác, người này thích ăn mặn, người thích ăn cay, người lại ưa ngọt, v.v… khiến một món ăn nhìn chung rất khó có thể làm hài lòng được tất cả thực khách. Và việc một Reviewer “chê” một món ăn do không hợp khẩu vị, có thể làm ảnh hưởng đến cả doanh số lẫn uy tín của cả một cửa hàng.

Ở bài viết trước, chúng ta đã giới thiệu về mô hình đánh giá những sản phẩm được trả tiền – nguồn thu nhập lớn nhất đối với Reviewer. Đúng như tên gọi của nó, các nhãn hàng sẽ yêu cầu họ đánh giá một sản phẩm nào đó nhằm mục đích quảng bá, và sau đó trả tiền cho họ.

Tất nhiên, các nhãn hàng luôn muốn sản phẩm của mình được khen và có những đánh giá mang tính có lợi. Điều này giúp các sản phẩm của họ dễ dàng được quảng bá rộng rãi hơn tới công chúng, đặc biệt khi bạn là những Reviewer có nhiều tương tác và lượt theo dõi trên Internet.

Mặc dù vậy, chính họ lại là những người phải chịu áp lực từ việc phải nói tốt về sản phẩm. Việc đưa ra những nhận xét không tốt về một sản phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và quyết định mua hàng của người xem. Chẳng hạn, bạn đang muốn mua một chiếc điện thoại nào đó; tuy nhiên một Reviewer lại nhìn nhận rằng, màn hình con này tệ, hiệu năng thì yếu; vậy rồi liệu bạn có còn muốn mua nữa hay không?

Hiển nhiên các nhãn hàng không hề muốn điều này xảy ra. Họ sẽ cố gắng can thiệp vào mọi thông tin đưa ra đến từ Reviewer; đưa ra những quy tắc và luật lệ riêng nhằm kiểm soát những nội dung được công khai, để rồi hướng tới mục đích cuối cùng là hạn chế tối đa những đánh giá tiêu cực tiếp cận với khán giả.

Lấy ví dụ, với chiếc điện thoại trên, họ có thể nói rằng, màn hình không tốt, nhưng trong tầm giá nó là một sự lựa chọn không tồi. Dù rằng màn hình chiếc máy đó vẫn tệ, nhưng việc “diễn đạt” như vậy có thể phần nào sẽ giúp bạn có cảm tình hơn với sản phẩm này.

Một hệ quả khác từ “vấn nạn” trên, đó là tạo ra những “reviewer” không đặt sự công tâm lên làm yếu tố tiên quyết. Họ có thể khen sản phẩm hết mức nhằm thỏa mãn sự mong đợi của nhãn hàng mà không quan tâm liệu những thông tin, trải nghiệm đưa ra có đúng như thực tế sử dụng hay không. Điều này về mặt tích cực có thể gián tiếp cải thiện thu nhập của Reviewer từ những hợp đồng. Tuy nhiên, một video đánh giá lúc này sẽ chẳng khác gì một TVC quảng cáo nhàm chán.

Điều này chắc chắn sẽ gây ra sự tiêu cực trong cộng đồng người dùng, dần dẫn đến việc khán giả “tẩy chay”, vì đơn giản những Reviewer này đang khen, đang nói sai quá mức về một sản phẩm, mặc dù chúng không hề tốt đến vậy.

  • Với những người dùng ít hiểu biết, việc khen quá mức khiến họ đặt ra kỳ vọng vào sản phẩm quá cao; nhưng sau khi mua về, họ thấy chúng không giống như những gì Reviewer đã nói, họ thất vọng và quay ra ghét Reviewer.
  • Với những người dùng đã hiểu biết, họ cho rằng đánh giá của Reviewer là quá một chiều, không đúng với bản chất sản phẩm nên “tẩy chay” luôn và gán luôn cho Reviewer cái mác “ăn tiền”.

Dần dần điều này tạo ra những hệ lụy xấu khi bất kỳ chia sẻ nào của Reviewer cũng đều bị người dùng gắn mác “ăn tiền”, kể cả khi chúng không có bất kỳ sự can thiệp nào từ nhãn hàng. Về lâu dài, uy tín cũng như sự tin tưởng của người xem với Reviewer đó chắc chắn sẽ đi xuống, một điều mà không ai mong muốn.

Reviewer cũng chỉ là người trải nghiệm, đưa ra lời khuyên

Mặc dù vậy, chúng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan rằng, Reviewer thực chất cũng chỉ là người dùng thông thường. Những gì họ hơn chúng ta đó là trải nghiệm. Họ được tiếp cận với nhiều sản phẩm mới, họ được sử dụng và đánh giá những món đồ mà đôi khi rất lâu về sau chúng ta mới sở hữu.

Việc được dùng nhiều sản phẩm khác nhau giúp Reviewer có những cái nhìn khách quan, tổng quát, đa chiều hơn về một vấn đề, một khía cạnh nào đó. Những đánh giá của họ thường mang tính chiều sâu, rõ ràng hơn bất kỳ một người dùng bình thường nào khác, do họ có đủ thời gian để trải nghiệm. Từ đó chúng ta – những người tiêu dùng có thể hình dung một cách đầy đủ, khách quan nhất về sản phẩm đó qua nhiều khía cạnh, từ đó nhận được những lời khuyên tốt nhất đến từ những Reviewer.

Vậy, liệu có nên tin vào Reviewer?

Đây là một câu hỏi khó.

Người dùng có lẽ đang nhìn nhận Reviewer theo một góc độ quá thần thánh. Họ đơn thuần chỉ là những người dùng bình thường, nhưng có góc nhìn của một người trải nghiệm nhiều. Mỗi Reviewer là một nét chấm phá riêng trong bức tranh toàn cảnh về một sản phẩm. Và để có thể thưởng thức trọn vẹn nhất bức họa đó, bạn cần phải chiêm nghiệm đầy đủ từng chi tiết, từng màu sắc khắc họa bên trong.

Tức là, để có cái nhìn đầy đủ nhất về một sản phẩm, điều bạn cần làm, đó là xem, theo dõi và chắt lọc thông tin từ nhiều nguồn đánh giá, nhiều Reviewer khác nhau.

Mặt khác, chính những Reviewer cũng nên có trách nhiệm trước những lời đánh giá, chia sẻ của mình. Điều này không đồng nghĩa với việc họ phải đưa ra những lời khuyên chính xác nhất tới từng người dùng, hay là phải review sản phẩm một cách máy móc, chuẩn chỉ nhất.

Bởi vì xét cho cùng, “Reviewer” không phải là những cỗ máy biết nói! Đây là một công việc mang đậm tính cá nhân. Đánh giá của người này chưa chắc đã đúng với người khác, và nhiều khi bạn có thể gặp những trải nghiệm khác hoàn toàn so với những đánh giá trên mạng. Chúng ta có thể đánh giá một chiếc điện thoại OPPO tầm trung có cấu hình rất tệ, nhưng với người dùng cơ bản, họ vẫn sẽ thấy chiếc máy này chạy tốt, chụp ảnh đẹp và thiết kế bắt mắt.

Tuy nhiên, Reviewer vẫn nên kiên định với những thông tin mình đưa ra. Họ nên tự đặt mình vào vai trò của chính người dùng để xem họ cần gì, mong muốn gì, từ đó đưa ra những giải pháp, tư vấn sát nhất với nhu cầu của người mua.

Tạm kết

Có thể thấy rằng, Reviewer giống như công việc “làm dâu trăm họ”. Một Reviewer chắc chắn không thể làm thỏa mãn được tất cả mọi người. Nhưng, họ vẫn nên kiên trì với phong cách của mình, đánh giá những sản phẩm một cách khách quan nhất, khen chê một cách công tâm nhất.

Vì dù sao đi nữa, mục đích cuối cùng của những bài đánh giá, đó chính là người xem, người tiêu dùng, chứ không phải là các nhãn hàng. Còn đối với người dùng, họ cũng nên tham khảo nhiều nguồn đánh giá, nhận định khi băn khoăn bất kì một vấn đề, sản phẩm nào đó; hoặc nếu vẫn không thể tin tưởng vào những bài viết, video trên mạng, hãy ra trực tiếp cửa hàng để trải nghiệm, vì chính chúng ta là những “reviewer” chân thực, đáng tin cậy nhất!

Hy vọng bài viết trên đây phần nào giúp các bạn hình dung ra bức tranh toàn cảnh về công việc review cũng như áp lực vô hình của những Reviewer. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với Vật Vờ Studio qua những nền tảng dưới đây nhé!

Cảm ơn SamCenter đã đồng hành cùng The Review 2022: Tỏa sáng cùng Đam Mê!

Top flagship cũ Samsung đáng mua nhất tầm giá dưới 10 triệu đồng

Previous article

iPhone 2G mới nguyên seal được bán với giá 35.000 USD

Next article