BlackBerry (hay Dâu đen) là cái tên gạo cội trong ngành công nghiệp điện thoại trên thế giới. Xuất hiện lần đầu vào năm 1998 và đạt tới đỉnh cao những năm 2000, BlackBerry khiến người dùng thích thú với những chiếc điện thoại độc đáo, bàn phím QWERTY cùng những tính năng bảo mật thú vị. Tuy nhiên, chính sự bảo thủ cùng những nước đi sai lầm đã khiến thương hiệu này dần hụt hơi và nhanh chóng thất bại. Và BlackBerry Priv là một trong những sản phẩm nằm trên hành trình đó.
Ngôn ngữ thiết kế, bàn phím và màn hình
Thiết kế trượt trên Priv làm mình liên tưởng đến sự tiện lợi khi dùng điện thoại gập. Với chúng, mình chỉ cần mở ra (unfold) là màn hình sáng và mình có thể bắt đầu sử dụng. Tương tự như vậy, trên Priv mình chỉ cần trượt máy là màn hình sẽ sáng. Không cần sử dụng phím nguồn, không cần chạm hai lần vào màn hình hay bất cứ thao tác rườm rà nào cả.
Và tương tự điện thoại gập, thiết kế trượt trên Priv cũng khiến người dùng đặt câu hỏi: Liệu chúng có bền bỉ, có sử dụng tốt trong thời gian dài được không? Câu trả lời là có. Sau 7 năm ra mắt, các thao tác trượt màn hình lên, xuống vẫn được xử lý rất liền mạch, chắc chắn. Độ bền của máy vẫn được đảm bảo và mình tin rằng chúng vẫn có thể hoạt động tốt trong nhiều năm tới.
Về ngoại hình, có thể coi ngôn ngữ thiết kế trên Priv chưa hề lỗi thời. Máy to bản, vuông vức và vẫn rất tinh tế. Đây cũng là một trong những thiết bị đầu tiên trên thế giới được trang bị màn hình cong, với tấm nền cong tràn hai bên. Mẫu máy mình trên tay đã được dán da cá sấu, còn thực chất mặt lưng máy chỉ được hoàn thiện từ nhựa.
Ở hai cạnh bên chúng ta có phím nguồn, phím tăng giảm âm lượng và một phím tắt nhanh. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng cụm phím này đã bị kẹt, bấm khó và chỉ hoạt động với một lực nhấn mạnh.
Và khi trượt màn hình lên, chúng ta sẽ thấy bàn phím – thứ làm nên huyền thoại của BlackBerry. Sau thời gian ngắn trải nghiệm, mình vẫn chưa thật sự làm quen được bàn phím này vì nó nhỏ, trong khi thao tác không tiện lợi hơn so với bàn phím ảo. Tất nhiên BlackBerry vẫn tích hợp một số cử chỉ với màn hình này chẳng hạn như cuộn trang trên Chrome hay bấm nút Space để chụp ảnh.
Trở lên phía trên, BlackBerry Priv sở hữu màn hình cong AMOLED bắt mắt. Trên thực tế, BlackBerry và Samsung là hai trong số những thương hiệu điện thoại đầu tiên đưa màn hình cong trên các sản phẩm của mình. Sau 7 năm, chất lượng hiển thị trên Priv vẫn khá ổn, màu sắc tốt, chi tiết sắc nét và không xuất hiện tình trạng ám, chảy mực hay burn-in như nhiều màn hình OLED cùng thời.
Phần mềm và một số yếu tố khác
BlackBerry Priv đang chạy trên Android 6 (Marshmallow). Phần mềm máy vẫn giữ lại những yếu tố vô cùng hoài niệm, từ thanh thông báo trạng thái, biểu tượng ứng dụng cho đến giao diện ngăn chứa ứng dụng (App Drawer).
Priv cũng được tích hợp tính năng mà không còn phổ biến trên điện thoại Android ngày nay: widgets. Theo đó, bên cạnh App Drawer sẽ có một mục mang tên Tiện ích con (Widgets). Máy cũng được trang bị tính năng thanh ở cạnh, giúp người dùng có thể điều chỉnh nhanh các cài đặt giống hệt trên những chiếc flagship của Samsung.
Là một mẫu máy hướng đến đối tượng doanh nhân nên hiển nhiên BlackBerry Priv sẽ đi kèm các tính năng bảo mật. Chúng ta có BlackBerry Keeper giúp lưu giữ tất cả mật khẩu bí mật hay DTEK – ứng dụng giúp kiểm tra tình trạng máy từ phần cứng, phần mềm cho đến bảo mật. Đáng tiếc rằng máy lại không đi kèm tuỳ chọn sinh trắc học cơ bản nhất: vân tay.
Sau 7 năm, trải nghiệm sử dụng trên BlackBerry Priv vẫn rất mượt mà. Con chip Snapdragon 808 mặc dù đã ra mắt rất lâu nhưng vẫn có thể đáp ứng ổn các nhu cầu cơ bản như nghe gọi, nhắn tin hay xem YouTube.
Một yếu tố nhỏ là mẫu máy chúng mình sử dụng vẫn có thể nhận và sử dụng SIM hoàn toàn bình thường. Điều này trái với những thông tin trước đó, khi cho rằng BlackBerry đã bị khai tử và những chiếc điện thoại của hãng sẽ không thể nhận được SIM nữa.
Tại sao đây là “thất bại” của BlackBerry?
Sở hữu những tính năng “độc nhất vô nhị”, vậy nhưng cần phải thừa nhận rằng BlackBerry Priv là một sản phẩm không thành công. Trên thực tế, đây là một trong những sản phẩm mở đầu cho sự đi xuống của “Dâu đen”. Sau thời gian trên, hãng ra mắt các sản phẩm rất nhỏ giọt, dần thu hẹp sản xuất và gần như biến mất sau năm 2018.
Vậy tại sao Priv nói riêng và BlackBerry nói chung lại thất bại?
Giá quá cao: Tại Việt Nam, BlackBerry Priv được bán chính hãng với giá lên đến 18,5 triệu đồng, ngang bằng so với iPhone 7 Plus hay Galaxy S7 Edge cùng thời. Các mẫu máy khác như Key1 hay Key2 cũng được định hình mức giá trên dưới 20 triệu đồng, quá cao so với những gì mà người dùng nhận được.
Định hướng sai mức giá là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của BlackBerry. Với cùng số tiền bỏ ra, họ có thể ưu tiên lựa chọn những mẫu máy tới từ Apple hay Samsung, vốn cho trải nghiệm tổng thể tốt hơn hẳn cùng khả năng thay thế, sửa chữa và bảo hành tốt hơn.
Bảo thủ: Gần như mọi sản phẩm của BlackBerry đều có bàn phím vật lý. Tất nhiên đó không phải xu hướng phát triển của điện thoại thông minh. Trên thực tế, sự đi xuống của BlackBerry đã được dự đoán từ trước ngay sau khi chiếc iPhone đầu tiên được trình làng. Một chiếc máy với màn hình cảm ứng, không có bàn phím vật lý rườm rà mới chính là xu thế phát triển chung của điện thoại thông minh.
Tổng kết
BlackBerry Priv vẫn là một sản phẩm rất tuyệt vời, là minh chứng cho những hy vọng lẻ loi của “Dâu đen” nhằm trở lại thị trường điện thoại thông minh. Và mặc dù có thất bại đi nữa, Priv vẫn sẽ là cái tên được nhớ đến, đặc biệt là với những người yêu thích thương hiệu BlackBerry.
Comments