Góc nhìn

Nếu Nothing Phone (1) không rẻ, nó sẽ thất bại!

0

Hơn một năm sau ngày thành lập, Nothing của cựu CEO OnePlus đã công bố những thông tin về mẫu điện thoại thông minh đầu tiên của hãng. Với tên gọi Nothing Phone (1), đây được coi là sản phẩm cốt lõi trong hệ sinh thái mà Nothing mong muốn xây dựng. Trong quá trình phát triển, định hướng sản phẩm, CEO Carl Pei chắc chắn đã rút ra được những bài học từ thời khai sinh OnePlus.

Trong sự kiện công bố vừa qua, Nothing Phone (1) được nhấn mạnh với hai từ “nhanh” và “mượt” nhờ cốt lõi là hệ điều hành NothingOS dựa trên Android. Trước đó vào năm 2014, chiếc OnePlus One cũng được quảng cáo với trải nghiệm “nhanh” và “mượt”. Đi cùng với đó là hệ điều hành dựa trên Android và thiết kế sandstone nổi bật. Những thông điệp trên có thể tương đối giống với OnePlus và rõ ràng, nó đáng để học hỏi. Tuy nhiên, câu văn mỹ miều chưa phải tất cả, thứ mà Nothing cần học OnePlus nhiều nhất là ở chiến lược giá cả. Nếu sai lầm về giá trong sản phẩm đầu tiên, Nothing sẽ phải nhận một thất bại nặng nề.

Nothing Phone (1) phải là một sản phẩm giá cả phải chăng!

OnePlus và Nothing đều là những thương hiệu của Carl Pei, do đó hai thương hiệu này cũng có rất nhiều nét tương đồng từ cách triển khai sản phẩm tới người thực hiện. Do đó, hãy lấy OnePlus làm một bài học cho Nothing.

Nhìn lại giai đoạn đầu phát triển của OnePlus, chúng ta đã có được một chiếc OnePlus One với mức giá 299 USD (khoảng 6,3 triệu đồng). Thời đó, OnePlus One xuất hiện với cấu hình thuộc hàng cao cấp trong thế giới Android. Máy sở hữu Qualcomm Snapdragon 801 2.5 Ghz, bộ nhớ RAM 3GB, màn hình 5.5 inch độ phân giải Full HD mật độ điểm ảnh 401 ppi. Khi đó, mẫu máy này được đánh giá là có cấu hình tốt so với nhiều đối thủ khác. Galaxy Note 3 Neo thời điểm này được bán với mức giá khoảng 12 triệu đồng.

Từ thế hệ đó tới OnePlus 7 Pro, thương hiệu này luôn được nhớ tới với các sản phẩm cấu hình cao trên giá bán. Mãi về sau này, OnePlus mới bị đẩy giá lên do vấn đề về chuỗi cung ứng hay chiến lược mới của hãng. Tuy nhiên, ở giai đoạn khởi đầu, OnePlus vẫn định hình các sản phẩm mới ở mức giá thấp hơn các sản phẩm cùng thông số. Huawei đã từng làm điều này với Ascend P1 và Ascend P6, Realme đã làm điều đó với Realme 1 hay Xiaomi cũng có chiến lược tương tự cho Mi 1. Và tất nhiên, OnePlus cũng đã làm điều đó.

Rõ ràng, Nothing đã thấy được những bài học của các thương hiệu đi trước. Hãng cần đặt một mức giá dễ tiếp cận cho Nothing Phone (1) để tạo tiền đề cho những năm kế tiếp. Tại sao lại như vậy? Một mức giá tốt là điều kiện cần để người dùng có thể tiếp cận tới một thương hiệu hoàn toàn mới trên thị trường. Khi đó, một sản phẩm mới cùng hiệu ứng truyền thông tốt sẽ là công thức để đưa Nothing tới với nhiều người dùng hơn.

Để bán được một chiếc điện thoại cao cấp là không hề dễ dàng. Mức giá trên 700 USD (ở thị trường Mỹ) hay trên 20 triệu đồng tại thị trường Việt Nam là một con số khiến nhiều người băn khoăn. Thông thường, tâm thế của hầu hết người dùng cơ bản sẽ chọn các thương hiệu lớn, đã có chỗ đứng trên thị trường. Họ phải mất một thời gian dài để khẳng định chất lượng sản phẩm qua nhiều thế hệ điện thoại. Từ đó, người dùng mới có sự an tâm nhất định khi bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu một chiếc máy cao cấp.

Kể từ thời điểm OnePlus One ra mắt, thị trường điện thoại thông minh đã có quá nhiều thay đổi. Mức giá của các sản phẩm cao cấp đã được đẩy lên gấp 2, gấp 3 lần so với năm 2014. Thêm nữa, các hãng cũng ra mắt hàng loạt mẫu điện thoại cận cao cấp với nhiều điểm đáng giá ở hiệu năng. Ví dụ có thể kể tới Xiaomi 11T Pro, Galaxy S21 FE hay ở nước ngoài là chiếc Google Pixel 6 với mức giá 600 USD.

Tất cả đã tạo nên một thị trường tương đối sôi động và đầy chông gai cho Nothing. Nếu hãng không có một cách tiếp cận thị trường đúng cách, không có một mức giá phải chăng, thì gần như đã nắm chắc thất bại trong tay.

CPU thế hệ 13 Raptor Lake của Intel: 24 nhân 32 luồng, hiệu năng tăng 40%

Previous article

Samsung chơi “đẹp” khi khen OPPO Find N ngay trên Twitter

Next article