Góc nhìnXem Xong Mua

Làm sáng tạo nội dung, mình mới nhận ra SSD di động cần thiết đến thế nào!

0

Trước đây, mình thường nghĩ SSD di động sẽ gắn liền với công việc liên quan đến video như phóng viên, biên tập viên hay người chỉnh sửa video (video editor). Khi này, tính tiện dụng, đa năng của sản phẩm sẽ được phát huy tối đa. Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế, mình nhận ra SSD di động cũng rất cần thiết với những người làm sáng tạo nội dung (Content Creator), đặc biệt về mảng công nghệ.

Tại sao mình cần SSD di động?

Là một nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) về công nghệ, phần lớn công việc của mình liên quan đến điện thoại. Khi đánh giá một sản phẩm, ngoài hiệu năng, thiết kế hay pin, camera cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Sau khi chụp ảnh, quay video, mình cần chuyển chúng vào MacBook để xem và đánh giá chất lượng camera của sản phẩm đó. Sở dĩ mình phải làm vậy vì nhiều mẫu điện thoại hiện nay sử dụng màn hình AMOLED. Sự sai lệch màu sắc của tấm nền này có thể khiến việc đánh giá ảnh trở nên thiếu chính xác, thực tế.

Khi này, vấn đề bắt đầu xuất hiện. Trên mỗi thiết bị, mình thường chụp từ 80 – 100 ảnh, đi kèm rất nhiều video 4K. Dung lượng cho mỗi lần truyền tải có thể lên đến 1 – 1,5 GB, thậm chí còn lớn hơn. Mình đã thử nhiều phương pháp truyền tải khác nhau, tuy nhiên chúng đều không mang lại hiệu quả cao.

Truyền trực tiếp qua cáp: MacBook không hỗ trợ truyền ảnh trực tiếp từ điện thoại Android, vì thế người dùng cần sử dụng các dịch vụ bên thứ ba. Trước đây, mình từng sử dụng một số ứng dụng truyền tệp như Android File Transfer hay MacDroid, nhưng đều gặp những bất tiện nhất định.

Android File Transfer rất thiếu ổn định và tốc độ truyền tệp thường không cao. MacDroid hoạt động trơn tru hơn, nhưng cách kết nối khá phức tạp. Với điện thoại Android, người dùng cần kích hoạt Gỡ lỗi USB trong Tuỳ chọn nhà phát triển, sau đó cấp quyền truy cập ảnh từ điện thoại. Trong một vài trường hợp, MacDroid còn gặp lỗi và MacBook không thể nhận dạng thiết bị dù đã thực hiện đúng thao tác.

Các dịch vụ truyền tải như LocalSend hay PairDrop: Các dịch vụ truyền tải trực tuyến này sẽ phù hợp khi người dùng có các tệp tin nhỏ, không chiếm nhiều dung lượng. Trong khi đó, mỗi lần truyền ảnh, video của mình cần dung lượng rất lớn, từ 1 – 1,5GB. Thử nghiệm với LocalSend, mỗi thao tác như vậy mất từ 4 – 5 phút, thậm chí lâu hơn.

Giao diện của LocalSend trên MacBook

Các dịch vu lưu trữ trực tuyến như Google Drive, Telegram: Với Google Drive, do tận dụng tối đa băng thông mạng nên tốc độ truyền tải nhìn chung khá nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là người dùng phải tải lên, tải xuống tệp tin rất nhiều lần. Ngoài ra, khi dùng Telegram, do hoạt động qua máy chủ nước ngoài nên trong nhiều trường hợp việc truyền tải rất thiếu ổn định, tốc độ chậm và tiêu tốn nhiều thời gian.

Đó là lý do vì sao mình cần đến SSD di động. Khi này, việc truyền tải trở nên vô cùng đơn giản. Mình chỉ cần kết nối vào điện thoại, sau đó sao chép thư mục ảnh vào SSD. Sau đó, mình tiến hành kết nối vào MacBook, chọn thư mục ảnh trong SSD và dán vào máy tính.

Với video có dung lượng 5,6 GB, một chiếc SSD di động chỉ cần 7 – 8 giây để sao chép đến MacBook

Đáng nói, SSD di động mang lại tốc độ truy xuất rất nhanh. Với một thư mục ảnh nặng khoảng 1,5 GB, mình chỉ mất từ 3 – 4 giây để hoàn tất việc sao chép. Toàn bộ công đoạn truyền tải ảnh, video từ điện thoại vào MacBook chỉ diễn ra trong vòng 1 phút đồng hồ.

Chưa kể, mình có thể xem ảnh, video trực tiếp trên SSD di động mà không cần chuyển vào MacBook. Thậm chí, với tốc độ truy xuất cao, mình có thể nhập (import) video 4K từ SSD vào các phần mềm biên tập như CapCut PC hay Adobe Premiere Pro và chỉnh sửa trực tiếp. Đây là điểm cộng rất đáng giá, nhất là với những ai đang sử dụng MacBook chỉ với 256GB SSD.

SSD di động cũng phát huy điểm mạnh với những người quay video bằng điện thoại thường xuyên. Chiếc iPhone 15 Pro mình đang sử dụng chỉ có bộ nhớ 128GB và trước đây thường xuyên báo đầy vì lưu trữ quá nhiều video. Thế nhưng, điều này có thể giải quyết dễ dàng chỉ với một chiếc SSD di động. Sau khi quay video, mình chỉ cần kết nối với iPhone và di chuyển tất cả dữ liệu sang SSD. Với việc iPhone 15 Pro trang bị cổng USB-C 3 mới, việc truyền tải diễn ra rất nhanh chóng.

Bộ nhớ trống trên chiếc iPhone 15 Pro của mình luôn trong mức thấp, và chiếm dụng phần nhiều trong đó là video 4K

Vì thế, SSD di động là lựa chọn đáng cân nhắc với những người đang sử dụng iPhone hay điện thoại Android có cổng sạc USB-C. Người dùng không cần chi quá nhiều tiền để nâng cấp bộ nhớ lên 512GB hay 1TB. Thay vào đó, họ có thể chọn iPhone với dung lượng tiêu chuẩn, sau đó mua thêm SSD di động phục vụ việc lưu trữ dữ liệu. Công bằng mà nói, cách làm này tối ưu và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

So sánh giá giữa việc mua iPhone 15 Pro bản bộ nhớ cao với việc mua kèm SSD di động

Dung lượngGiá iPhone 15 Pro dung lượng cao
(1)
Giá iPhone 15 Pro 128GB
(2)
Giá SSD di động cùng mức dung lượng
(3)
Số tiền có thể tiết kiệm
(1) – (2+3)
256GB27,5 triệu đồng24 triệu đồng1,2 triệu đồng2,3 triệu đồng
512GB33,8 triệu đồng24 triệu đồng2 triệu đồng7,8 triệu đồng
1TB38,5 triệu đồng24 triệu đồng3 triệu đồng11,5 triệu đồng

SSD di động mình đang sử dụng: Orico Mecha SSD 512GB

Thị trường SSD di động có rất nhiều sản phẩm, đi kèm hàng loạt mẫu mã và mức dung lượng khác nhau. Với một người không lưu trữ nhiều tệp tin nặng như video ProRes hay game AAA, 512GB là mức dung lượng phù hợp với mình. Sau một thời gian tìm hiểu, mình đã chọn SSD di động của Orico, một thương hiệu chuyên sản xuất các thiết bị ngoại vi.

Sản phẩm có tên cụ thể là Orico Mecha SSD. Ngoài bản 512GB, người dùng có thêm hai tuỳ chọn dung lượng khác là 1TB và 2TB. Mức giá sản phẩm trải dài trên nhiều phân khúc, từ 2,1 triệu đồng cho bản thấp nhất đến 7 triệu đồng cho bản cao nhất.

Điểm nổi bật trên Orico Mecha SSD đến từ ngoại hình rất đẹp, bắt mắt. Sản phẩm đi theo ngôn ngữ thiết kế “robot” với các đường nét được cắt xẻ mạnh, tạo nên sức khoẻ khoắn và chắc chắn. Thậm chí, chiếc SSD này còn có khả năng kháng nước, song Orico không công bố tiêu chuẩn cụ thể là bao nhiêu.

So với các mẫu SSD di động khác, Orico Mecha SSD nặng hơn, kích thước cũng lớn hơn. Song, sản phẩm vẫn đủ nhỏ để mình có thể đặt vào ba lô, túi xách và mang đi một cách dễ dàng.

Dây cáp tặng kèm khi mua Orico Mẹcha SSD có tốc độ đọc ghi lên đến 20Gbps và có thể thay đổi linh hoạt giữa cổng USB-C – USB-A

Orico Mecha SSD trang bị một cổng USB-C 3.2 Gen 2 với tốc độ tối đa 2.000 MB/s. Thử nghiệm sao chép tệp tin từ ổ cứng vào MacBook Air M1 (sử dụng cổng USB-C chuẩn Thunderbolt 3), tốc độ truyền tải thực tế đạt khoảng 800MB/s. Dù không cao như quảng cáo, thế nhưng mức truyền tải này vẫn quá đủ dùng so với nhu cầu thực tế của mình.

Một điểm cộng đáng chú ý khác trên Orico Mecha SSD là nhiệt độ. Mình tiến hành thử nghiệm dùng iPhone 15 Pro Max để quay video ProRes và lưu trực tiếp trên ba chiếc ổ cứng khác nhau. Sau 10 phút, nhiệt độ tối đa trên Orico Mecha SSD chỉ là 34,5 độ C. Con số này với SanDisk Extreme Portable SSD và Samsung T9 lần lượt là 51 độ C và 39 độ C.

Orico Mecha SSD có thể kết nối dễ dàng với iPhone 15 Pro hay các mẫu điện thoại có cổng USB-C

Tóm lại, Orico Mecha SSD là một chiếc SSD di động phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau, từ các biên tập viên, người chỉnh sửa video cho đến các nhà sáng tạo nôi dung. Ngoài ra, nhờ thiết kế chắc chắn cùng khả năng kháng nước, người dùng có thể mang sản phẩm và sử dụng ngoài trời.

Tham khảo thông tin của Orico Mecha SSD tại các đường dẫn dưới đây.

SSD di động Orico Mecha SSD

Thử mua Android TV Box chỉ 300k trên Lazada: bất ngờ vì vẫn dùng ngon!

Previous article

Galaxy Z Flip6: chiếc điện thoại “Flip” đỉnh nhất mình từng dùng, xứng danh “vũ khí tối thượng” cho GenZ!

Next article

Comments

Comments are closed.