CES 2025

RTX 5070 mới của NVIDIA có thực sự mạnh ngang RTX 4090?

0

Tại CES 2025, CEO Jensen Huang của NVIDIA đã gây xôn xao cộng đồng game thủ với tuyên bố là RTX 5070 sẽ mang lại hiệu năng ngang ngửa RTX 4090 chỉ với mức giá 549 USD (giá bán ở Việt Nam là 17,4 triệu đồng). Tuyên bố này ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý và tranh luận sôi nổi trong cộng đồng game thủ, xoay quanh công nghệ DLSS 4 và kỹ thuật Multi Frame Generation (MFG).

RTX 5070 và RTX 4090

Vậy thực tế ra sao? Liệu RTX 5070 có thực sự “đánh bại” RTX 4090, mẫu card đồ họa cao cấp có giá lên đến 1.599 USD? Câu trả lời là vừa có vừa không, và tất cả đều xoay quanh cuộc tranh luận về “khung hình giả” do công nghệ DLSS Frame Generation.

Nói rõ hơn, mặc dù RTX 5070 có thể đạt được số khung hình trên giây (FPS) tương tự RTX 4090 nhờ DLSS Frame Generation, nhưng công nghệ này về cơ bản là “tạo” thêm khung hình bằng cách nội suy giữa các khung hình thật, chứ không phải render hoàn toàn theo cách truyền thông. Do đó, mặc dù FPS cao hơn, trải nghiệm thực tế có thể không mượt mà hoặc sắc nét như RTX 4090, vốn xử lý tất cả các khung hình một cách “thật”.

Cụ thể, DLSS 4 có kỹ thuật Multi Frame Generation (MFG) mới, có thể tạo ra tới ba khung hình bổ sung cho mỗi khung hình được render theo cách truyền thống, từ đó đẩy tốc độ khung hình lên gấp 8 lần. Nhờ vậy, RTX 5070 có thể đạt được tốc độ khung hình tương đương RTX 4090 trong một số tựa game hỗ trợ DLSS 4, điển hình như Cyberpunk 2077.

Đáng chú ý, NVIDIA đã trình diễn bản demo Cyberpunk 2077 với tốc độ khung hình nhảy vọt từ 27fps khi không bật DLSS lên đến 243fps khi sử dụng DLSS 4, một con số vô cùng ấn tượng so với 142fps khi sử dụng DLSS 3.5 trên RTX 40 series.

Tuy nhiên, công nghệ này đã làm cộng đồng game thủ dấy lên cuộc tranh luận về “khung hình giả” (fake frames). Nhiều người cho rằng các khung hình được tạo ra bởi MFG không phản ánh hiệu năng thực sự của GPU. Ngay sau đó, NVIDIA đã phản bác rằng MFG, kết hợp với kết xuất thần kinh (neural rendering), cho phép RTX 5070 đạt đến ngưỡng hiệu năng trước đây chỉ RTX 4090 mới có thể đạt được. Họ cũng nhấn mạnh rằng tuyên bố này chỉ tập trung vào tốc độ khung hình, chứ không phải chất lượng hình ảnh tổng thể. Vậy nên, RTX 5070 không thể đánh bại RTX 4090 trong mọi trường hợp.

Theo The Verge, một yếu tố quan trọng khác mà mọi người cần xem xét là độ trễ đầu vào (Input latency). Mặc dù MFG giúp tăng tốc độ khung hình, nhưng nó cũng có thể làm tăng độ trễ, qua đó ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game của người dùng. Digital Foundry đã đo được độ trễ sẽ tăng thêm khoảng 6ms trên RTX 5080 khi sử dụng MFG.

Trong khi đó, NVIDIA khẳng định DLSS 4 đã được cải tiến để giảm thiểu độ trễ bằng cách “dự đoán tương lai” (predicts the future) thay vì “nội suy quá khứ” (interpolating the past). Tuy nhiên tính hiệu quả thực tế của công nghệ này vẫn cần được kiểm chứng kỹ lưỡng để xem tuyên bố của NVIDIA có đúng hay không.

Dù gây tranh cãi, “khung hình giả” và các kỹ thuật render dựa trên AI đang dần trở thành xu hướng của ngành công nghiệp game. DLSS 4, FSR 4 của AMD và sự hợp tác giữa Sony và NVIDIA cho thấy rõ điều này. Liệu game thủ có chấp nhận “khung hình giả” để đổi lấy hiệu năng cao hơn và hình ảnh đẹp hơn? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào sự đón nhận của cộng đồng game thủ trong thời gian tới.

Theo: The Verge

Mời bạn đọc thêm các bài viết về loạt sản phẩm và công nghệ đáng chú ý tại CES 2025 ở đây

Apple phát hành iOS 18.3 Public Beta 2 cho người dùng iPhone đăng ký trải nghiệm

Previous article

Vinfast ra mắt 4 mẫu xe mới cho nhu cầu chạy dịch vụ

Next article

Comments

Comments are closed.