Góc nhìn

Lật tẩy chiêu trò quảng cáo quá đà của các hãng điện thoại

0

Vài năm qua, thị trường điện thoại thông minh đang ngày một lớn mạnh, từ đó khiến sức cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày một gia tăng. Để có được sự tin tưởng của khách hàng, các hãng sẽ phải trang bị những thông số tốt nhất cho các sản phẩm của mình. Ngoài ra, chương trình quảng cáo cũng phải được triển khai mạnh mẽ. Những sản phẩm điện thoại được marketing tốt thì sẽ được người dùng biết đến nhiều hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ mua hàng của những sản phẩm. Chính vì những lợi ích này, nhiều hãng smartphone đã sử dụng các mẹo tiếp thị quá đà cho sản phẩm nhằm mục đích “tâng bốc” sản phẩm.

Đẩy dung lượng bộ nhớ lên 12GB, 16GB RAM

Một chiếc điện thoại sở con chip có hiệu năng mạnh mẽ, dung lượng RAM lớn luôn luôn là một điểm cộng so với các đối thủ cùng phân khúc. Những thông số cơ bản trên thường khiến người dùng tin rằng, mẫu máy của mình sẽ hoạt động mượt mà hơn đáng kể.

Trong nhiều chiến dịch quảng cáo, rất nhiều hãng điện thoại đã nhấn mạnh về việc máy có dung lượng RAM lên đến 12GB, thậm chí là 16GB. Trong khi đó, một chiếc smartphone bình thường với dung lượng RAM từ 6 – 8GB RAM đã đủ để người dùng sử dụng đa nhiệm với các ứng dụng. Thậm chí, những chiếc iPhone có dung lượng 3GB, 4GB như iPhone XR, iPhone 11 vẫn đa nhiệm khá tốt và không có gì phải phàn nàn. Vì vậy, người dùng không cần phải mua một chiếc điện thoại có dung lên tới 12GB, 16GB RAM để chúng đa nhiệm tốt trong quá trình sử dụng.

Nhiều cảm biến hơn, thiết kế cụm camera mới hơn không có nghĩa là nó chụp ảnh đẹp hơn

Nhiều người dùng không tìm hiểu nhiều về điện thoại thường nghĩ rằng, điện thoại có càng nhiều camera thì chụp ảnh càng đẹp. Nhưng thực tế, câu trả lời là không! Những chiếc điện thoại có nhiều camera thường chỉ là được thêm bởi ống kính macro và ống kính đo độ sâu hỗ trợ chụp ảnh chân dung. Những ống kính được thêm vào này chỉ có mục đích duy nhất là thêm những tính năng nhỏ cho việc chụp ảnh như chụp “macro” hay chụp xóa phông. Và trên thực tế, hầu hết người dùng chỉ sử dụng camera chính và camera góc rộng cho các điều kiện chụp thông thường.

Camera 108MP chưa chắc đã chụp tốt hơn camera 12MP

Trên thực tế, camera độ phân giải lớn hơn chưa chắc đã mang lại khả năng chụp ảnh và quay video tốt hơn. Những mẫu smartphone tầm trung của các hãng Android thường được quảng cáo là có camera lên đến 108MP, tuy nhiên khả năng chụp ảnh của các mẫu máy này lại không quá tốt. Camera 108MP chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta muốn một bức ảnh phải có chi tiết thật tốt, khi zoom vào vẫn thấy được nhiều chi tiết trên ảnh. Tuy nhiên, khi sử dụng trong các điều kiện thực tế như đăng lên mạng xã hội thì mức độ chi tiết không hề được cải thiện.

Thứ quyết định chất lượng của một bức ảnh còn là khả năng xử lý. Để có một bức ảnh thực sự chất lượng, các hãng cần trang bị những con chip cao cấp cho khả năng xử lý hình ảnh đa dạng, cùng với đó là thuật toán tối ưu riêng của từng hãng. Lúc này, cảm biến độ phân giải cao mới đáp ứng được một phần trong việc tạo nên một hình ảnh chất lượng. Do đó, camera độ phân giải cao chưa chắc đã chụp ảnh đẹp đâu nhé!

Điện thoại Android có dung lượng pin lớn những thời lượng sử dụng chưa chắc đã “lớn”

Để làm rõ nhận định trên, hãy lấy ví dụ trên chiếc Pixel 6 Pro có dung lượng pin lên đến 5003mAh và chiếc iPhone 13 Pro Max có dung lượng pin 4352mAh. Với thông số này, dung lượng pin của Pixel 6 Pro lớn hơn 15% so với iPhone 13 Pro Max. Tuy nhiên, khi so sánh về thời gian sử dụng thực tế, Pixel 6 Pro cho thời gian sử dụng pin thua kém hơn với iPhone 13 Pro Max khoảng 30%.

Rõ ràng, Apple đã tối ưu hóa thời lượng sử dụng pin tốt hơn nhiều so với Google. Điều này cũng hoàn toàn có thể áp dụng đối với trường hợp của smartphone các thương hiệu khác. Những mẫu điện thoại Android có dung lượng pin 5000mAh tuy nhiên cho thời lượng sử dụng pin không thể nào tốt được như iPhone 13 Pro Max với viên pin 4352mAh. Đây là minh chứng cho việc dung lượng pin lớn nhưng chưa chắc thời lượng sử dụng đã “lớn”.

Kính Gorrila Glass sẽ giúp bảo vệ màn hình điện thoại của bạn tốt hơn ?

Dù màn hình điện thoại được trang bị kính Gorilla Glass, Ceramic Shield… hay bất kể vật liệu cao cấp nào đi nữa thì nó vẫn sẽ vỡ “tan” khi bạn không cẩn thận làm rơi điện thoại. Cách tốt nhất để bảo vệ mặt kính trên điện thoại vẫn sẽ là ưu tiên cho việc mua một tấm kính cường lực loại tốt hay các mẫu ốp lưng chống sốc. Đừng bao giờ tin rằng kính Gorilla Glass sẽ giúp màn hình điện thoại của bạn không bị vỡ khi làm rơi.

Điện thoại với mặt lưng từ kính tốt hơn nhựa

Thông thường, điện thoại có mặt lưng từ nhựa thì thường được cho là có chất liệu rẻ tiền, kém bền bỉ. Trong khi đó, điện thoại mặt lưng từ kính hoặc kim loại thì được cho là cao cấp và sang trong hơn. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã đúng. Rất nhiều chiếc điện thoại có mặt lưng từ nhựa nhưng lại được hoàn thiện rất tốt và trông vẫn rất cao cấp. Những chiếc điện thoại này có thiết kế còn tốt hơn rất nhiều với các mẫu điện thoại được trang bị mặt lưng từ kính nhưng hoàn thiện lại không tốt, kém sang trọng.

iPhone 12 cũ đang có mức giá không quá cao

Ngoài ra, khi sở hữu điện thoại có mặt lưng kính thì lại khiến chúng ta phải lo lắng đến vấn đề rơi vỡ trong quá trình sử dụng. Để khắc phục vấn đề này, người dùng sẽ phải chi thêm tiền để mua cho mình một chiếc ốp lưng đắt tiền bảo vệ máy. Khi đã đeo ốp lưng vào thì lúc này, liệu mặt lưng từ kính hay nhựa có còn quan trọng không? Lợi ích lớn nhất của mặt lưng kính có lẽ là chức năng sạc không dây, do đó nếu bạn sử dụng sạc không dây thì mới cần đưa mặt lưng kính vào ưu tiên khi chọn mua điện thoại.

Kết nối 5G

Công nghệ 5G là một công nghệ của tương lai. Tuy nhiên, khi xét đến trường hợp tại Việt Nam thì công nghệ 5G đến hiện tại gần như chúng ta vẫn chưa thể sử dụng được. Tại Việt Nam, cần ít nhất đến 2 năm nữa để công nghệ 5G có thể phủ sóng tại nhiều địa phương, vùng miền hơn. Vì vậy, nếu bạn không dùng một chiếc điện thoại trong khoảng 3-4 năm nữa, thì 5G chưa phải là một trang bị “bắt buộc phải có”.

Đừng mua những thứ bạn không cần

Khi mua một sản phẩm gì đó, chúng ta thường truyền tai nhau câu “tiền nào của nấy”. Câu nói này chỉ rằng những thiết bị càng đắt tiền thì có giá trị sử dụng càng cao, càng nhiều tính năng. Điện thoại có mức giá bán cao thì đúng là thường mang lại nhiều tính năng hơn, thông số ấn tượng hơn. Tuy nhiên những mẫu máy đắt tiền đó chưa chắc đã mang lại trải nghiệm vượt trội so với các sản phẩm giá thấp hơn.

Một chiếc điện thoại cao cấp sẽ cho nhiều tính năng hơn một chiếc điện thoại tầm trung. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là bạn có cần đến những tính năng bổ sung đó hay không? Rất nhiều những tính năng mới mẻ và hay ho trên các mẫu flagship được quảng cáo rất nhiều đến người dùng để thu hút. Một số câu hỏi có thể kể đến như: Bạn có thực sự cần tính năng thu phóng quang học 10x thay vì 3x? Bạn có thực sự cần khả năng quay video 8K thay vì quay video 4K? Bạn có cần thực đến chiếc bút S-Pen trên chiếc Galaxy S22 Ultra.

Do đó, hãy đưa ra một lựa chọn thật chính xác để có một chiếc máy hợp lý nhất với nhu cầu bản thân.

Đánh giá màn hình HP E24mv G4 và miniPC HP EliteDesk 800 G6: Combo tốt cho doanh nghiệp

Previous article

Sạc nhanh 80W và 65W trên OnePlus 10 Pro: Công suất chênh lệch 15W mà chỉ nhanh hơn 2 phút

Next article