Tin tức

iPad Pro M4 dùng kính Nano Texture Glass cho độ bền thấp hơn kính tiêu chuẩn, bị xước sau hơn 200 lần dùng Apple Pencil

0

Tháng trước, Apple đã chính thức trình làng thế hệ iPad Pro mới với chipset M4 cùng màn hình OLED. Đặc biệt, thế hệ iPad Pro năm nay còn được hãng bổ sung thêm tùy chọn mặt kính có cấu trúc nano (Nano Texture Glass) bên cạnh tùy chọn mặt kính tiêu chuẩn. Theo Apple, mặt kính có cấu trúc nano được khắc chuẩn xác ở quy mô nanômét, duy trì được chất lượng hình ảnh và độ tương phản, trong khi vẫn tán xạ được ánh sáng xung quanh để giảm chói.

Để giúp người dùng hiểu rõ hơn về tùy chọn kính mới, YouTuber ColorScale đã làm một video chia sẻ, đồng thời thử nghiệm độ bền mặt kính nano trên mẫu iPad Pro M4. Đáng chú ý, trong lần thử đầu tiên, iPad Pro với tùy chọn mặt kính cấu trúc nano đã bị trầy xước sau hơn 200 lần chà xát liên tục bằng bút Apple Pencil, trong khi phiên bản dùng kính tiêu chuẩn phải chà hơn 500 lần mới xuất hiện vết xước.

iPad mặt kính cấu trúc nano xuất hiện vết trầy sau hơn 200 lần chà sát bằng bút Apple Pencil

Sau lần thử nghiệm đầu tiên, ColorScale nhận ra việc chà xát bút Apple Pencil liên tục với lực mạnh vào iPad có thể khiến bút bị “quá nhiệt”, nên YouTuber người Hàn Quốc đã quyết định thay thế ngòi bút và cho thiết bị thử nghiệm nghỉ 5 phút sau mỗi 100 lần chà. Bằng cách này, mẫu iPad Pro có mặt kính cấu trúc nano chỉ bị trầy sau hơn 500 lần chà xát, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 4.500 của phiên bản dùng kính tiêu chuẩn.

Sau khi thay ngòi bút Apple Pencil, iPad Pro có mặt kính cấu trúc nano chỉ bị trầy sau hơn 500 lần chà

Kết quả sau 3 lần thử nghiệm với iPad Pro dùng kính nano (hàng trên) và phiên bản dùng kính tiêu chuẩn (hàng dưới)

Ở bài thử nghiệm cuối cùng, ColorScale quyết định thay ngòi bút Apple Pencil cho cả hai chiếc iPad sau mỗi 100 lần chà. Kết quả là mẫu iPad Pro có mặt kính cấu trúc nano xuất hiện vết trầy sau 300 lần chà sát, trong khi phiên bản dùng kính tiêu chuẩn bị trầy sau 900 lần chà. Tuy nhiên, ColorScale cũng nhấn mạnh rằng bài thử nghiệm này chỉ mang tính chất tham khảo, vì khả năng màn máy bị trầy còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người.

Ngoài ra, ở trong video, ColorScale cho biết cả kính tiêu chuẩn và kính cấu trúc nano đều có lớp phủ chống chói, vì vậy khả năng phản xạ của chúng là tương tự nhau. Sự khác biệt nằm ở cách ánh sáng phản xạ bị tán xạ trên hai loại kính này. Theo đó, kính cấu trúc nano giúp iPad giảm thiểu độ chói và giúp màn hình ít bị phản chiếu hơn, nhưng nó cũng có thể làm cho màu sắc hiển thị trên màn bị nhạt, không được sâu so với kính tiêu chuẩn vì hiệu ứng tán xạ ánh sáng.

Nhìn chung, ColorScale khuyên người dùng chỉ nên mua iPad Pro dùng kính cấu trúc nano nếu họ dự định sử dụng máy trong môi trường có ánh sáng phức tạp. Đối với người dùng cơ bản, tùy chọn kính tiêu chuẩn vẫn là lựa chọn tốt. Hiện tại, chỉ các phiên bản 1TB và 2TB mới sở hữu công nghệ cao cấp này và người dùng cũng phải bỏ thêm 2,5 triệu đồng để nâng cấp từ mặt kính tiêu chuẩn lên mặt kính nano.

Xem video về bài chia sẻ, thử nghiệm độ bền của iPad Pro có mặt kính cấu trúc nano của ColorScale ở dưới đây.

Samsung ra mắt giải pháp “Galaxy For Work” để tối ưu hoạt động doanh nghiệp

Previous article

UGREEN PB311 chỉ 350.000đ: Sạc dự phòng có thể điều chỉnh dòng sạc cho phụ kiện

Next article

Comments

Comments are closed.