Góc nhìn

Hơn 70% người dùng smartwatch hiếm khi xem chỉ số sức khỏe, liệu Galaxy AI có thể thay đổi điều này?

0

Một khảo sát gần đây cho thấy hơn 70% người dùng smartwatch ít khi xem các chỉ số sức khỏe trên thiết bị của họ. Trên thực tế, đồng hồ thông minh là một trong những công cụ hữu hiệu và đơn giản nhất để theo dõi sức khoẻ của cá nhân, vì thế nếu đã sử dụng smartwatch, việc bỏ qua các chỉ số này sẽ khá lãng phí với những người muốn cải thiện sức khỏe thể chất. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các tính năng theo dõi sức khỏe trên smartwatch và liệu Galaxy AI, công nghệ trí tuệ nhân tạo mới của Samsung, có thể giải quyết vấn đề này hay không?

Vì sao người dùng ít xem các chỉ số sức khỏe trên smartwatch?

Nguyên nhân chính thường nằm ở 2 thứ sau. Thứ nhất là nằm ở cách các chỉ số sức khỏe được trình bày trên hầu hết các smartwatch hiện nay. Thông tin thường dàn trải trong nhiều mục khác nhau, khiến người dùng cảm thấy lười biếng khi phải tìm kiếm và tổng hợp chúng lại để có cái nhìn tổng quan về sức khỏe của mình.

Thứ hai, nhiều người dùng thường xem smartwatch chỉ như một tiện ích mở rộng của điện thoại, tập trung vào các chức năng cơ bản như xem giờ, đọc thông báo, hay nhận cuộc gọi. Mặc dù những tính năng này không thể phủ nhận là hữu ích và thiết yếu, việc bỏ qua các chỉ số sức khỏe lại khiến người dùng đánh mất cơ hội thấu hiểu sâu sắc về tình trạng thể chất của bản thân. Smartwatch, với vai trò là người bạn đồng hành không rời, thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về sức khỏe trong suốt cả ngày, từ nhịp tim, nồng độ oxy trong máu cho đến chất lượng giấc ngủ và hiệu quả luyện tập. Việc chủ động theo dõi các chỉ số này trên smartwatch không chỉ giúp người dùng nắm bắt được “tài sản sức khỏe” vô giá mà còn mang lại những hiểu biết sâu sắc về cơ thể mà không một công cụ nào khác có thể sánh bằng.

Thay đổi thói quen cùng Galaxy Watch Ultra

Bản thân mình cũng từng là một người dùng ít khi kiểm tra các chỉ số sức khỏe trên smartwatch. Tuy nhiên, sau khi sử dụng Galaxy Watch Ultra, mình đã thay đổi thói quen này. Sở dĩ có sự thay đổi này do mình đặt mục tiêu sẽ tập luyện nhiều hơn, từ đó có thể giảm thêm 10kg. Đồng thời, Galaxy Watch Ultra là một trong những mẫu đồng hồ thông minh tích hợp nhiều công cụ đo chỉ số sức khỏe nhất hiện nay, cùng với việc được trang bị Galaxy AI, một tính năng được nhiều người dùng đánh giá cao, đã góp phần thúc đẩy mình thay đổi  thói quen này.

Khi dùng Galaxy Watch Ultra, mình thường theo dõi 3 yếu tố chính, đó là: 

  • Điểm năng lượng: Theo dõi chất lượng giấc ngủ
  • Hoạt động hằng ngày: Thống kê số bước chân, thời gian vận động và lượng calo tiêu thụ.
  • Các thông tin khác: Nhịp tim trung bình trong ngày, mức độ stress, chỉ số oxy trong máu,…

Cái hay của Samsung là hãng tổng hợp được tất cả các chỉ số này chỉ trong 1 giao diện ứng dụng, từ đó giảm tối đa các thao tác thủ công hay truy cập vào từng mục để kiểm tra chất lượng sức khoẻ. Chính vì cách làm này đã khiến mình chăm chỉ hơn trong việc theo dõi sức khỏe bản thân trong cả một ngày dài.

Bên cạnh đó, Galaxy Watch Ultra còn có nhiều tính năng thông minh khác hỗ trợ việc theo dõi sức khỏe. Ví dụ, khi đạp xe hoặc chạy bộ và dừng lại nghỉ ngơi, đồng hồ sẽ tự động nhận diện và tạm dừng đo, đảm bảo kết quả chính xác hơn. 

Vì sao nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe trên smartwatch?

Theo dõi sức khỏe chủ động hơn: Các chỉ số như nhịp tim, SpO2, giấc ngủ, mức độ stress, v.v., cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe hiện tại, giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời. Ví dụ trong lần gần nhất bị sốt virus có đặc điểm là sốt rất cao, đồng hồ thông minh cho mình biết được trong vài thời điểm nhịp tim của bản thân tăng cao quá so với mức trung bình nghỉ ngơi. Khi đó, rất may là mình đã kịp liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Đặt mục tiêu và theo dõi tiến trình: Nếu đang có mục tiêu cải thiện sức khỏe, các chỉ số này sẽ giúp bạn theo dõi tiến trình và đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã thực hiện. 

Hiện tại, mình đang thiết lập Galaxy Watch Ultra với mục tiêu mỗi ngày là đi bộ 6000 bước, hoạt động thể thao 90 phút và tiêu thụ tối thiểu 500 calo. Cuối ngày và mỗi tuần, mình sẽ có một bảng tổng kết các chỉ số này xem đã đạt được mục tiêu cuối cùng hay chưa.

Thậm chí trên Galaxy Watch Ultra, hãng còn trang bị tính năng Race (Quản lý tiến độ luyện tập), cho phép người dùng so sánh kết quả luyện tập hiện tại và quá khứ trong thời gian thực. Từ đó, mình có thể biết được hiệu quả tập luyện của ngày hôm nay đã hơn ngày hôm trước hay chưa? Hiện tại, tính năng Race chỉ khả dụng khi chạy bộ ngoài trời hay đạp xe ngoài trời. Để so sánh kết quả, chúng ta sẽ cần chạy trên cùng một lộ trình đã được tạo trước đó. Thêm vào đó, việc so sánh các bản ghi thông qua Race chỉ khả dụng khi bắt đầu tại cùng một vị trí với điểm bắt đầu của bản ghi trước đó. Nếu điểm bắt đầu khác nhau, nó sẽ tự động chuyển sang chế độ chạy bộ. Vì thế, đây chắc chắn sẽ là một tính năng hữu ích cho những người dùng yêu thích chạy bộ hay đạp xe.

Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn: Một số chỉ số, như nhịp tim không đều hoặc SpO2 thấp, có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Phát hiện sớm những dấu hiệu này có thể giúp người dùng ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Trên Galaxy Watch Ultra, mình luôn có một bảng chỉ số nhịp tim sau mỗi lần tập thể dục hoặc đi ngủ. Nếu cao quá mức thông thường của cơ thể, mình hoàn toàn có thể chủ động liên hệ với bác sĩ để có được những tư vấn phù hợp với thể trạng của bản thân.

Hình thành thói quen quan tâm đến sức khỏe: Cuối cùng, việc kiểm tra thường xuyên các chỉ số sức khỏe có thể giúp người dùng hình thành thói quen quan tâm và chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. Việc theo dõi sức khỏe bản thân mỗi ngày sẽ giúp chúng ta chủ động nắm bắt được những thay đổi trên cơ thể, từ đó có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu và sớm nhất cho mọi trường hợp xảy ra.

Tuy nhiên người dùng cũng cần lưu ý rằng, dữ liệu từ smartwatch chỉ là một phần trong việc đánh giá sức khỏe. Để có kết quả chính xác nhất, chúng ta vẫn nên kết hợp với các phương pháp kiểm tra sức khỏe khác và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Do đó, việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe trên smartwatch là một thói quen tốt giúp người dùng chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân.

Tóm lại, việc theo dõi sức khỏe trên smartwatch có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Hy vọng rằng với những cải tiến về giao diện và tính năng, như những gì Galaxy Watch Ultra đã làm, cũng như sự hỗ trợ của Galaxy AI, ngày càng nhiều người dùng sẽ nhận ra giá trị của việc kiểm tra thường xuyên các chỉ số sức khỏe trên đồng hồ thông minh.

Tất tần tật thông số camera và Capture Button trên iPhone 16 và iPhone 16 Pro

Previous article

One UI 6.1.1 giúp người dùng phản chiếu màn hình lên PC Windows dễ dàng hơn

Next article

Comments

Comments are closed.