Google đã chính thức phát hành Android 15 tới người dùng Google Pixel vào rạng sáng ngày 16/10. Ngoài những tính năng mới như Private Space hay Theft Protection, bản cập nhật này được hứa hẹn đem đến sự ổn định về hiệu năng và pin trên các thiết bị hỗ trợ. Vậy thì nếu xét riêng về mặt hiệu năng, Android 15 liệu có làm tốt hơn so với Android 14 hay không?
Trong bài viết lần này, mình sẽ sử dụng hai chiếc Google Pixel 8, trong đó một chiếc chạy Android 15, chiếc còn lại sử dụng Android 14. Mình sẽ đưa cả hai vào các bài chấm điểm hiệu năng, render video và xuất ảnh với điều kiện môi trường tương tự nhau, từ đó so sánh và có cái nhìn tổng quát nhất.
Cảm ơn cửa hàng Sành Mobile đã hỗ trợ Vật Vờ Studio thực hiện bài viết này.
Các bài chấm điểm benchmark
Đầu tiên, mình thử nghiệm cả hai thiết bị với ba bài chấm điểm benchmark gồm AnTuTu Benchmark, Geekbench 6 và 3DMark. Với AnTuTu Benchmark, khá bất ngờ khi chiếc Pixel 8 chạy Android 15 lại cho điểm số thấp hơn khá nhiều so với Android 14. Chênh lệch giữa hai phiên bản lên đến hơn 50.000 điểm, tức chiếm gần 10%.
Đổi lại, với ứng dụng 3DMark và bài chấm điểm Wild Life Extreme Stress Test, Android 15 thể hiện sự vượt trội hơn. Cả kết quả cao nhất lẫn thấp nhất trên phiên bản này cao hơn từ 150 – 200 điểm so với Android 14. Chưa kể, Android 15 cũng thể hiện sự ổn định tốt hơn khi đạt kết quả 61,1%, trong khi Android 14 chỉ là 57,3%.
Chiếc Google Pixel 8 chạy Android 15 cũng cho điểm số cao hơn với bài kiểm tra Geekbench 6. Theo đó, điểm đơn nhân của thiết bị cao hơn khoảng 50 điểm so với Android 14, trong khi điểm đa nhân chênh lệch tới 150 điểm. Cụ thể về điểm số benchmark giữa hai phiên bản hệ điều hành, người dùng có thể tham khảo tại bảng so sánh dưới đây.
So sánh điểm số benchmark giữa Android 15 và Android 14 (thực hiện trên Pixel 8)
Android 15 | Android 14 | |
AnTuTu Benchmark | 745.903 | 796.527 |
Geekbench 6 CPU | 3.966 – 1.571 | 3.816 – 1.524 |
3DMark (Wild Life Extreme Stress Test) | 2.484 – 1.518 Độ ổn định: 61,1% | 2.218 – 1.271 Độ ổn định: 57,3% |
Thử nghiệm thực tế
Tiếp theo, mình đặt hai thiết bị vào những trường hợp sử dụng thực tế hơn. Trong bài thử nghiệm đầu tiên, mình tiến hành đo thời gian xuất 100 ảnh RAW sang JPEG trong Adobe Lightroom. Kết quả, chiếc Google Pixel 8 chạy Android 15 mất 7 phút 47 giây, còn Android 14 cần đến 8 phút 38 giây để hoàn thành tác vụ. Sự chênh lệch giữa hai phiên bản lên đến 50 giây, tức xấp xỉ 10%.
Với CapCut, mình nhập (import) tổng cộng 7 video 4K, sau đó thêm một số hiệu ứng, nhạc và bộ lọc màu cơ bản, cuối cùng xuất video với độ phân giải 2K/4K. Đáng chú ý, ở bài so sánh này, chiếc Pixel 8 chạy Android 14 lại làm tốt hơn khi chỉ mất 1 phút 51 giây để hoàn thành xuất video. Trong khi đó, phiên bản Android 15 cần đến 2 phút 10 giây, tức nhiều hơn 20 giây so với bản trước.
Kết quả thực hiện các tác vụ thực tế giữa Android 15 và Android 14 (cùng thực hiện trên Pixel 8)
Android 15 | Android 14 | Chênh lệch | |
Thời gian xuất ảnh Lightroom | 7 phút 47 giây (4,67 giây/ảnh) | 8 phút 38 giây (5,18 giây/ảnh) | 51 giây |
Thời gian render video CapCut | 2 phút 10 giây | 1 phút 51 giây | 29 giây |
Tạm kết
Nhìn chung, qua các bài chấm điểm benchmark và thử nghiệm thực tế bên trên, có thể thấy Android 15 và Android 14 có những khác biệt nhất định về kết quả. Tuy nhiên, không có phiên bản hệ điều hành nào cho thấy sự vượt trội về hiệu năng. Có những tác vụ Android 15 cho điểm số cao hơn, lại có những bài thử nghiệm mà Android 14 làm tốt hơn.
Xem thêm các bài viết về Android 15 tại đường dẫn dưới đây.
Comments