Năm 2022, Apple đã gây ra nhiều tranh cãi khi ra mắt dòng iPhone 14 chỉ hỗ trợ eSIM tại thị trường Mỹ. Động thái này khiến nhiều người khó hiểu bởi các bài tháo linh kiện phần cứng của iPhone 14 cho thấy, không gian thường dành cho khe cắm SIM vật lý trên iPhone phiên bản quốc tế lại bị Apple thay thế bằng một miếng nhựa, thay vì tận dụng để bổ sung linh kiện hoặc tăng dung lượng pin. Tất nhiên, với iPhone 15 ra mắt vào hồi năm ngoái, Apple cũng chỉ hỗ trợ eSIM cho dòng máy này ở thị trường Mỹ.
Nhiều người lo ngại rằng các hãng Android sẽ bắt chước Apple, loại bỏ khay SIM vật lý và chỉ hỗ trợ eSIM trên các mẫu flagship. Bởi lẽ Apple thường dẫn dắt xu hướng trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, với dòng Galaxy S24 của Samsung và đặc biệt là sự kiện ra mắt dòng Pixel 9 vào ngày 14/8 vừa qua, đã mang đến niềm vui cho nhiều người, khi các thương hiệu này không bắt chước động thái trên.
Cụ thể, cả hai dòng sản phẩm Pixel 9 (bao gồm Pixel 9 Pro Fold) và Galaxy S24, cùng các mẫu điện thoại màn hình gập mới nhất, đều được trang bị khe cắm Nano SIM vật lý bên cạnh eSIM. Động thái này được người dùng hoan nghênh bởi nó đảm bảo sự linh hoạt và tiện lợi, đặc biệt là trong bối cảnh eSIM chưa được phổ cập rộng rãi.
Mặc dù eSIM mang đến nhiều lợi ích như dễ dàng chuyển đổi nhà mạng hay tiết kiệm không gian thiết bị, nhưng trang Android Authority cho rằng, công nghệ này vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Ngay cả ở thị trường Việt Nam, việc chuyển đổi eSIM giữa các thiết bị vẫn còn phức tạp, chưa kể đến việc không phải nhà mạng nào cũng hỗ trợ eSIM.
Bằng cách giữ lại khe cắm SIM vật lý, Google và Samsung đã thể hiện sự tôn trọng quyền lợi người dùng, đồng thời cho thấy sự sáng suốt khi không chạy theo xu hướng khi nó chưa thực sự phù hợp. Hy vọng rằng, trong tương lai, khi eSIM đã trở nên phổ biến và hoàn thiện hơn, các nhà sản xuất sẽ có những giải pháp tối ưu hơn cho người dùng.