Năm 2020, Google đã bắt đầu quy định Seamless Updates (cập nhật liền mạch) là tính năng tiêu chuẩn cho các mẫu điện thoại Android. Chuyên trang 9to5Google cho biết, Samsung từ đó đến nay vẫn không áp dụng Seamless Updates cho các mẫu điện thoại của họ, ngay cả dòng Galaxy S24 mới nhất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều khả năng Samsung sẽ phải áp dụng các bản cập nhật liền mạch cho các thiết bị Android của họ.
Cụ thể, theo một ghi chú được tìm thấy trong Dự án mã nguồn mở Android (AOSP), hệ điều hành Android sắp tới sẽ ngừng hỗ trợ cho các bản cập nhật non-A/B (không phải A/B partitions). Nói cách khác, chỉ có các thiết bị Android có Seamless Update mới được hỗ trợ trong tương lai, và các thương hiệu như Samsung sẽ không thể thực hiện cập nhật theo cách truyền thống (non-A/B).
Mặc dù vậy, chuyên gia Mishaal Rahmen cho biết, Samsung vẫn có thể áp dụng phương pháp cập nhật truyền thống trên các máy Android của họ. Cụ thể, Samsung có thể phát triển cơ chế cập nhật riêng của mình để áp dụng với các thiết bị của họ, hoặc đơn giản là hoàn nguyên các thay đổi của Google.
Theo 9to5Google, cách duy nhất để Google có thể buộc Samsung áp dụng Seamless Updates (chuyển sang phân vùng A/B) lên thiết bị của họ là đưa nó vào các yêu cầu tương thích của Android hoặc thông qua thỏa thuận cấp phép GMS cho các ứng dụng của Google.
Seamless Update (Cập nhật liền mạch) là tính năng cho phép cài đặt bản cập nhật hệ điều hành mới cho điện thoại Android trong nền. Nhờ vậy, người dùng có thể tiếp tục sử dụng điện thoại mà không bị gián đoạn bởi quá trình cập nhật. Cách thức hoạt động của Seamless Update với các thiết bị hỗ trợ phân vùng A/B bao gồm:
- Hệ thống Android sẽ chia bộ nhớ trong của điện thoại thành hai phân vùng: A và B.
- Khi người dùng sử dụng điện thoại, hệ thống sẽ chạy trên phân vùng A.
- Khi có bản cập nhật hệ thống mới, nó sẽ được tải xuống và cài đặt vào phân vùng B.
- Khi quá trình cài đặt hoàn tất, điện thoại sẽ tự động khởi động lại và chuyển sang sử dụng phân vùng B.
Seamless Update còn mang đến một lợi ích khác là khả năng hoàn nguyên về bản cập nhật trước đó một cách dễ dàng, nếu thiết bị xảy ra lỗi trong quá trình cập nhật. Google Pixel là dòng điện thoại đầu tiên ra mắt với tính năng cập nhật liền mạch này, và hiện nay nhiều hãng smartphone Android khác cũng đã áp dụng, ngoại trừ Samsung.