Thương hiệu đồng hồ thông minh Garmin đã chính thức vươn lên vị trí số 1 về thị phần tại Việt Nam trong năm 2024, theo dữ liệu mới nhất từ International Data Corporation (IDC). Thành tích này không chỉ đánh dấu một bước tiến về mặt kinh doanh mà còn cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể trong cách người tiêu dùng Việt tiếp cận và sử dụng smartwatch.
Garmin dẫn đầu thị trường bằng những con số ấn tượng
Theo báo cáo của IDC, Garmin đã chiếm lĩnh 32% thị phần đồng hồ thông minh tại Việt Nam trong năm 2024 (tính theo giá trị), ghi nhận một sự tăng trưởng vượt bậc so với các đối thủ cùng ngành.
Song song với đó, cộng đồng người dùng Garmin tại Việt Nam cũng chứng kiến một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ nhất kể từ khi thương hiệu này có mặt tại thị trường vào năm 2021. Lượng người dùng đã vượt mốc 480.000 người, với tỷ lệ tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tốc độ này cũng đưa Việt Nam trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất của Garmin tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Thành công này cho thấy đồng hồ thông minh đang dần thoát khỏi vai trò là một thiết bị công nghệ đơn thuần để trở thành một trợ thủ không thể thiếu trong lối sống năng động, giúp người dùng theo dõi sức khỏe, tập luyện thể thao và nâng cao chất lượng sống một cách khoa học.
Thị trường smartwatch Việt Nam, với dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 15-18% trong giai đoạn 2023-2030, đang ngày càng cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Thị trường có thể được chia thành ba phân khúc chính:
- Phổ thông (dưới 5 triệu đồng): Tập trung vào các tính năng theo dõi sức khỏe cơ bản.
- Trung cấp (5-10 triệu đồng): Cung cấp thêm tính năng theo dõi luyện tập và các tiện ích thông minh.
- Cao cấp (trên 10 triệu đồng): Hướng đến nhóm người dùng luyện tập thể thao chuyên nghiệp và yêu cầu cao về các chỉ số chuyên sâu.
Trong khi cuộc cạnh tranh ở phân khúc phổ thông và trung cấp chủ yếu xoay quanh giá cả, phân khúc cao cấp lại là nơi giá trị sử dụng, độ tin cậy và khả năng đồng hành dài hạn quyết định vị thế thương hiệu.
Một khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện với nhóm người dùng thu nhập cao (từ 20 triệu đồng/tháng) tại Việt Nam chỉ ra rằng, họ ưu tiên lựa chọn smartwatch dựa trên ba tiêu chí cốt lõi:
- Theo dõi chỉ số sức khỏe: Nhịp tim, SpO2, chất lượng giấc ngủ, mức độ căng thẳng.
- Theo dõi hiệu suất tập luyện: Độ chính xác GPS, pace, calories và các chỉ số chuyên sâu.
- Tiện ích thông minh: Nghe gọi, nhận thông báo, điều khiển nhạc.
Nhóm khách hàng này ít nhạy cảm về giá nhưng đặc biệt quan tâm đến uy tín thương hiệu và khả năng cung cấp dữ liệu đáng tin cậy. Chính việc nắm bắt nhu cầu này đã tạo đòn bẩy cho Garmin. Với dải sản phẩm đa dạng như Forerunner cho người chạy bộ, fēnix cho người chơi thể thao ngoài trời, hay Venu cho người dùng quan tâm sức khỏe toàn diện, Garmin đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của tệp khách hàng có yêu cầu cao. Mẫu đồng hồ mới nhất, Garmin Forerunner 970, tiếp tục khẳng định vị thế biểu tượng của hãng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Garmin Connect, huấn luyện viên ảo Garmin Coach, các câu lạc bộ chạy bộ Garmin Running Club và dịch vụ thanh toán không chạm Garmin Pay (liên kết với 11 ngân hàng) đã góp phần tạo ra một trải nghiệm toàn diện, giúp Garmin chinh phục và giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường về mặt giá trị.
Chia sẻ về định hướng của thương hiệu, Ông Ivan Lai – Giám Đốc Khu Vực Garmin Việt Nam cho biết: “Garmin không đơn thuần cung cấp thiết bị công nghệ, chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, giải quyết những nhu cầu thực tế trong đời sống người dùng… Đầu tư dài hạn vào Việt Nam là một phần trong tầm nhìn của chúng tôi nhằm kiến tạo một lối sống năng động, tích cực và bền vững hơn.”

Mở rộng tầm nhìn với nền tảng sức khỏe kỹ thuật số
Garmin đang từng bước khẳng định vai trò lớn hơn trong lĩnh vực y tế kỹ thuật số thông qua Garmin Health, một nền tảng cho phép kết nối dữ liệu người dùng với các tổ chức y tế, doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.
Một ví dụ điển hình là nghiên cứu kéo dài 3 năm tại châu Á, hợp tác giữa Viện BEBI (Đài Loan) và Bệnh viện En Chu Kong. Nghiên cứu đã theo dõi 138 bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ bằng đồng hồ Garmin. Kết quả cho thấy, việc duy trì giấc ngủ chất lượng và vận động hợp lý theo gợi ý từ dữ liệu thiết bị có thể giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh xuống chỉ còn 5%, đồng thời hỗ trợ bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị chính xác hơn.
Hàng năm, Garmin cũng tổ chức sự kiện Garmin Health Summit và Garmin Health Awards để vinh danh các sáng kiến ứng dụng công nghệ đeo tay vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sự trỗi dậy của Garmin tại Việt Nam không chỉ là câu chuyện về thị phần, mà còn là minh chứng cho một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của người tiêu dùng: lựa chọn một chiếc smartwatch giờ đây là lựa chọn một người bạn đồng hành cho một cuộc sống khỏe mạnh và chủ động hơn.
Comments