Vật Vờ Đánh giá

Dùng thử Temu ở Việt Nam: sàn thương mại điện tử mới có gì hơn Shopee, TikTok Shop?

0

Ra mắt năm 2022, sàn thương mại điện tử Temu nhanh chóng thu hút đông đảo người dùng từ Mỹ, Anh cho đến các quốc gia tại Đông Nam Á. Mới đây, nền tảng này đã chính thức ra mắt tại Việt Nam, mang đến lựa chọn mua sắm online mới tới người dùng. Qua trải nghiệm nhanh, Temu nổi bật với hệ thống sản phẩm đa dạng, mức giá cạnh tranh, song còn nhiều điểm yếu cần khắc phục.

Trải nghiệm sàn thương mại điện tử Temu

Ở thời điểm hiện tại, người Việt có thể tải xuống và sử dụng sàn thương mại điện tử Temu một cách dễ dàng. Trên kho ứng dụng App Store, nền tảng này nhanh chóng đạt top 1 trong danh sách các ứng dụng mua sắm phổ biến nhất. Còn trên Play Store, Temu cũng đã cán mốc 100 triệu lượt tải xuống trên toàn cầu.

Trên App Store, Temu hiện đứng top 1 trong danh mục ứng dụng mua sắm

Mặc định, Temu cho người dùng bốn tùy chọn đăng nhập bằng email, số điện thoại, liên kết với tài khoản Google và Facebook. Riêng với iPhone, nền tảng có thêm tùy chọn đăng nhập bằng tài khoản Apple. Một điểm cộng khác của Temu là có sẵn tùy chọn tiếng Việt, giúp người dùng nước ta dễ sử dụng, thao tác hơn.

Giao diện trang chủ của Temu – Shopee – Lazada

Màn hình trang chủ của Temu có giao diện đơn giản và trực quan. Bố cục trang chủ có phần giống với Shopee, Lazada khi các banner khuyến mãi được đặt trên cùng, mục Ưu đãi chớp nhoáng (Flash Sale) phía sau và các hạng mục hàng hóa khác nằm phía dưới cùng.

Màn hình Mừng khai trương và Ưu đãi chớp nhoáng

Tương tự Shopee, Lazada hay TikTok Shop, Temu cũng có mục riêng để hiển thị các mặt hàng giảm giá với tên gọi Ưu đãi chớp nhoáng. Người dùng cũng có thể lọc nhanh các sản phẩm dựa theo phân loại hàng nằm bên trên cùng. Tuy nhiên, mục Ưu đãi chớp nhoáng chỉ có thể hiển thị các mặt hàng giảm giá ở thời điểm hiện tại, không có thông tin về đợt sale của các ngày / thời điểm tiếp theo như Shopee.

Quy trình mua hàng trên Temu nhìn chung tương đồng so với các sàn thương mại phổ biến tại Việt Nam như Shopee hay TikTok Shop. Cụ thể, ngươi dùng chọn món hàng mong muốn, bấm mua, thêm địa chỉ, mã giảm giá và tiến hành thanh toán.

Giao diện giỏ hàng trên Temu

Ở thời điểm hiện tại, tất cả đơn hàng đặt mua tại Temu đều được miễn phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nền tảng cũng cam kết tặng người dùng voucher 25.000 đồng trong trường hợp đơn hàng bị giao trễ. Ngoài các đơn hàng do chính Temu vận chuyển, sàn mua sắm cũng cung cấp thêm các đơn vị tại Việt Nam như BEST EXPRESS hay Ninjavan.

Khi truy cập vào mục Ưu đãi chớp nhoáng, mình khá bất ngờ vì các sản phẩm có mức giá rất rẻ. Chẳng hạn, một chiếc hub chuyển đổi 7 trong 1 trên Temu chỉ có giá hơn 90.000 đồng. Nếu mua trên Shopee, người dùng cần phải bỏ ra từ 300 – 400 nghìn đồng, ngay cả khi đã áp mã giảm giá. Hay một củ sạc GaN có công suất 65W trên sàn này cũng chỉ có giá 200.000 đồng, thấp hơn một nửa nếu mua trên Shopee, Lazada.

Tuy nhiên, một số sản phẩm bán trên Temu vẫn có giá cao hơn các sàn thương mại điện tử khác. Lấy ví dụ, một chiếc tai nghe TWS Edifier X3 Lite đang được nền tảng này bán với giá 520.000 đồng. Trong khi đó, cùng sản phẩm này, mức giá trên sàn Shopee chỉ là 430.000 đồng. Nếu áp dụng voucher, mức giá người dùng phải bỏ ra thậm chí còn thấp hơn.

Tương tự với các sàn mua sắm khác, Temu hiện có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Khi lướt trong mục Ưu đãi chớp nhoáng, mình đã thấy ít nhất 10 sản phẩm thẻ nhớ microSD giá rẻ. Các sản phẩm này được quảng cáo với dung lượng rất cao từ 128GB, trong khi mức giá chỉ từ 60 – 100 nghìn đồng. Đây là điều gần như không thể vì một chiếc thẻ microSD 128GB thông thường đã có giá từ 200 – 300 nghìn đồng.

Rất nhiều sản phẩm thẻ nhớ microSD trên sàn này có nguồn gốc mập mờ, không rõ ràng

Trong quá trinh trải nghiệm Temu, mình cũng nhận ra một số nhược điểm như sau:

Thứ nhất, Temu chưa có các gian hàng chính hãng (Mall). Trong giao diện tìm kiếm, ứng dụng chỉ hiển thị dòng chữ “Được ủy quyền bởi….” chứ không có các ký hiệu như Mall, LazMall như Shopee hay Lazada.

Khi tìm từ khóa UGREEN, Temu cung cấp rất ít lựa chọn. Trong khi đó, Shopee đã có hẳn gian hàng chính thức của thương hiệu này

Thứ hai, số lượng phương thức thanh toán của Temu đang khá hạn chế. Trên iPhone, sàn cho hai tùy chọn gồm Apple Pay và thẻ thanh toán quốc tế. Đáng chú ý, với Android, người dùng chỉ còn duy nhất lựa chọn thẻ thanh toán. Đây là bất tiện vì số lượng người Việt sở hữu thẻ thanh toán quốc tế / Apple Pay là chưa quá lớn, đặc biệt là các bạn học sinh. Hi vọng, trong tương lai, nền tảng sẽ bổ sung thêm tùy chọn giao hàng thu tiền (CoD – Cash on Delivery).

Thứ ba, Temu chưa cung cấp nhiều sản phẩm, mặt hàng phổ biến với người Việt Nam. Đơn cử, sàn thiếu vắng các sản phẩm từ Xiaomi như Xiaomi Band 9, Redmi Note 13, cho dù chúng đều đến từ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm khác trên Temu cũng đến từ các thương hiệu rất lạ, không phổ biến với người dùng nước ta.

Song, cần nhấn mạnh rằng tiềm năng phát triển của Temu tại Việt Nam là rất lớn. Với chiến lược bán hàng giá rẻ, loại bỏ khâu trung gian và cung cấp trực tiếp từ nhà máy, Temu hoàn toàn có cơ sở để cạnh tranh với những “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử tại nước ta như Shopee, Lazada, TikTok Shop hay Tiki.

Dùng thực tế pin iPhone 16 Pro Max: bật 5G, chơi game thì dùng được bao lâu?

Previous article

So sánh chi tiết iPhone 16 Pro và iPhone 15 Pro: pin và nhiệt độ là khác biệt lớn nhất!

Next article