Camera trên điện thoại thông minh đang ngày càng phát triển với nhiều công nghệ mới, cảm biến mới, từ đó mang lại trải nghiệm chụp ảnh tốt hơn cho người dùng. Tuy nhiên, trên mỗi cụm camera đều có rất nhiều thông số mà người dùng phổ thông khó tiếp cận, vì vậy họ sẽ không có đủ kiến thức và trải nghiệm để phân biệt được “Đâu mới là camera tốt?”.
Lợi dụng điểm yếu này của người dùng phổ thông, các nhà sản xuất đã xây dựng những chiến lược tiếp thị rất cuốn hút, đánh mạnh vào những thông số về camera. Chúng luôn được các nhà sản xuất “nói quá” để người dùng tin rằng camera như vậy sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Vậy những chiếc lược tiếp thị này được các nhà sản xuất biểu hiện như thế nào?
Mọi hoạt động nhiếp ảnh trong quảng cáo đều được thực hiện trong Studio
Khi quảng cáo về camera trên một sản phẩm, các nhà sản xuất luôn đưa ra những hình ảnh chất lượng, đầy tính nghệ thuật. Với người dùng phổ thông, đây đều là những bức ảnh chất lượng cao cả về ánh sáng, bố cụ và màu sắc.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng những bức ảnh này luôn được thực hiện ở cấp độ studio với những thiết bị hỗ trợ đắt tiền như gimbal, chân máy cùng các thiết bị hỗ trợ ánh sáng cao cấp,… Hơn nữa, người thực hiện những đoạn ghi hình và những bức ảnh đều là những người có tay nghề nhiếp ảnh lâu năm. Vì vậy, nếu là một người dùng phổ thông, bạn cũng khó có thể cho ra được những bức ảnh chất lượng như nhà sản xuất quảng cáo.
Điển hình như bức ảnh trên, đây là một trong những bức ảnh mà Xiaomi quảng cáo cho chiếc Redmi Note 11. Xiaomi giới thiệu rằng, đây là bức ảnh được chụp từ camera macro trên chiếc Redmi Note 11 với độ phân giải chỉ 2MP. Bức ảnh thì ấn tượng nhưng để chụp được bức ảnh này, sự hỗ trợ của thiết bị ảnh sánh và chỉnh sửa là không thể thiếu. Việc chụp ra một bức ảnh như vậy đối với người dùng phổ thông là điều vô cùng khó khăn.
Sử dụng hình ảnh và video GIẢ
Chụp ảnh hay ghi hình ở cấp độ studio tức là nhà sản xuất vẫn còn sử dụng chính camera trên sản phẩm để thực hiện. Tuy nhiên một số nhà sản xuất còn “mạnh dạn” đưa những hình ảnh không phải chụp bằng sản phẩm mà họ quảng cáo lên để quảng cáo.
Điển hình có thể kể đến Huawei vào năm 2018. Hãng đã sử dụng ảnh chụp từ máy ảnh DLSR để làm ảnh selfie quảng cáo cho việc Huawei Nova 3i. Hay xa hơn là từ năm 2012, Nokia trong một nỗ lực “trở lại đỉnh cao” đã dính thảm họa truyền thông vì hình ảnh được cho là chụp bằng Lumia 920 lại là kết quả của máy ảnh DSLR. Do đó, nếu bạn không có kinh nghiệm hay tìm hiểu từ trước mà đi mua một sản phẩm bất kỳ, bạn nên tự mình kiểm chứng chất lượng camera của sản phẩm. Có như vậy bạn mới biết được chất lượng thực sử dụng camera trên sản phẩm này ra sao, nó có đang bị nhà sản xuất “thổi phồng” lên hay không?
Sử dụng các con số để che đi khuyết điểm
Sử dụng nhiều thông số cũng là một chiến lược tiếp thị phổ biến của các nhà sản xuất trên các mẫu điện thoại. Trong quá trình truyền thông, các hãng sử dụng những con số cao khi nói về độ phân giải camera như 108MP hay góc chụp 130 độ cho ra những bức ảnh siêu thực, siêu rộng,…. Khi đã bị ấn tượng bởi những con số này, bạn sẽ khó có thể chú tâm đến các chi tiết khác trên camera của sản phẩm.
Ví dụ như chiếc Realme 8 5G trong banner quảng cáo ở trên, chúng ta chỉ thấy nhà sản xuất này đề cập đến độ phân giải trên hai ống kính là camera chính với độ phân giải 48MP. Còn hai ống kính tele hay camera macro hoàn toàn không được đề cập đến độ phân giải. Và thay vào đó, nhà sản xuất này đã đề cập đến công nghệ chụp chân dung hay khoảng cách macro để che mắt người dùng.
Họ không nói sai về sản phẩm, chỉ đơn giản là họ chưa nói đủ thông tin khi quảng cáo. Vì vậy, để có cái nhìn khách quan hơn về camera trên sản phẩm, các bạn nên tìm kiếm các thông tin qua các bên thứ ba như các chuyên trang đánh giá sản phẩm. Qua đó bạn sẽ có thể biết rõ hơn về các thông số như kích thước cảm biến, khả năng hỗ trợ,….
Các thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng không đồng nhất
Sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau là cách mà các nhà sản xuất dùng để tạo ra sự mới lạ và đặc biệt hơn so với các sản phẩm cùng phân khúc. Ví dụ: Khi nhắc đến công nghệ zoom trên những chiếc smartphone, mỗi nhà sản xuất lại có một cách đặt tên riêng cho công nghệ của họ. Việc này vô hình chung khiến người dùng hiểu lầm rằng, công nghệ zoom của hãng này đặc biệt hơn hãng kia. Có thể nhắc đến Samsung với thuật ngữ “Hybrid-optic zoom” trên Galaxy S20 và S21. Nghe có vẻ hiện đại hơn nhưng tuy nhiên thuật ngữ này đơn giản là thuật ngữ “Hybrid zoom” được thêm thắt để tạo sự khác biệt.
Ví dụ nổi bật khác có thể kể đến hai nhà sản xuất Huawei và Realme, khi họ đã tạo ra các thuật ngữ khó hiểu để nhắc về công nghệ chống rung. Với Huawei, họ gọi công nghệ ổn định hình ảnh của họ là AIS còn với Realme thì đó là UIS. Về cơ bản, công nghệ ổn định hình ảnh của Huawei được tích hợp thêm AI để nâng cao khả năng nhiếp ảnh. Nó có thể tốt hơn EIS thông thường nhưng vẫn không thể vượt qua được OIS. Do đó, nếu bạn thực sự muốn ổn định tốt hơn trong quá trình nhiếp ảnh thì vẫn là nên mua một thiết bị có cảm biến chống rung OIS.
Tổng kết
Đây là một số chiêu trò của các thương hiệu khi quảng cáo về camera trên điện thoại thông minh. Nếu vô tình bị cuốn vào những thông tin trên, rất có thể bạn sẽ nhận phải những chiếc máy với camera “tệ hơn mức kỳ vọng”. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ các thông số trước khi mua máy, thêm nữa bạn cũng có thể tham khảo các bài viết, video đánh giá sản phẩm của các chuyên trang công nghệ.
Về phần cứng, tốt nhất là nên chọn các thiết bị có chống rung OIS và có camera chính với độ phân giải cao. Cuối cùng, bạn cần xác định rằng những ống kính nào sẽ phục vụ bạn nhiều trong quá trình nhiếp ảnh như tele, macro hay ultrawide để từ đó lựa chọn các sản phẩm có ống kính phù hợp. Chúc các bạn tìm được chiếc điện thoại ưng ý!
Comments