Đồng hồ thông minh đeo tay là một trong những sản phẩm được rất nhiều người dùng quan tâm vì sự tiện lợi cũng như hữu ích trong nhiều nhu cầu sử dụng. Thiết bị này không chỉ là một đồng hồ đeo tay thông thường mà còn có thể hiển thị thông báo tin nhắn cũng như các thông số về sức khỏe. Với đồng hồ thông minh Garmin, người dùng thậm chí còn có thể đo được mức độ căng thẳng của bản thân. Vậy, tính năng này hoạt động như thế nào?
Điểm số mức độ căng thẳng của Garmin dựa trên dữ liệu nhịp tim được máy đo của đồng hồ thu thập. Bạn càng đeo đồng hồ nhiều thì điểm số đo mức độ căng thẳng của bạn sẽ càng chính xác. Thậm chí, để đạt được kết quả tối ưu, bạn nên đeo đồng hồ qua đêm khi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên đeo đồng hồ vừa khít với cổ tay để đảm bảo máy đo ghi lại chính xác nhịp tim của bạn.
Garmin sẽ đo mức độ căng thẳng theo thang điểm từ 0 đến 100, trong đó mức điểm 0 biểu thị trạng thái nghỉ ngơi và mức 100 biểu thị mức độ căng thẳng cao nhất. Với thang điểm này, Garmin sẽ tính toán mức độ căng thẳng tổng thể trong ngày và chia mức độ căng thẳng của bạn thành bốn cấp độ, bao gồm nghỉ ngơi (thang điểm từ 0 – 25), thấp (thang điểm từ 25 – 50), trung bình (thang điểm từ 50 – 75) và cao (thang điểm từ 75 – 100).
Hiện nay, tất cả đồng hồ Garmin đều đo sự biến thiên của nhịp tim (HRV) để xác định mức độ căng thẳng. Máy đo lượng thời gian giữa các nhịp tim liên tiếp. Sau đó, nó sẽ theo dõi khoảng thời gian này thay đổi như thế nào theo thời gian. Theo đó, thời gian giữa các nhịp sẽ ngắn lại khi bạn căng thẳng và dài hơn khi bạn nghỉ ngơi.
Theo báo cáo, Garmin sử dụng thuật toán từ Firstbeat Analytics. Đây là một trong những công ty phân tích sinh lý nổi bật nhất trên thế giới để đo lường và sau đó phân tích sự thay đổi nhịp tim. Đồng hồ thực hiện phép đo nhịp tim cơ bản khi bạn không hoạt động. Sau đó, thuật toán sẽ so sánh giá trị nghỉ ngơi đó với giá trị hiện tại để xác định khi nào bạn căng thẳng và khi nào bạn thư giãn. Để đảm bảo những thay đổi về nhịp tim là do căng thẳng chứ không phải do tập thể dục, Garmin sẽ bỏ qua sự biến đổi này khi bạn hoạt động và tập thể dục.
Người dùng cần lưu ý rằng, ngay cả trong điều kiện tối ưu, máy đo nhịp tim của Garmin cũng không chính xác bằng thiết bị đo nhịp tim chuyên dụng. Nếu bạn nhận thấy mức độ căng thẳng của mình luôn cao hơn mức cần thiết, hãy điều chỉnh lại đồng hồ sao cho vừa vặn với cổ tay. Còn nếu nhịp tim của bạn liên tục cao, điều đó có thể cho thấy bạn nên đi khám sức khỏe. Garmin không phải là một công cụ chẩn đoán, nhưng nó có thể giúp bạn xác định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trước khi chúng trở nên trầm trọng hơn.
Theo Digitaltrends