Tin tức

Đi ngược với số đông, Procreate quyết không tích hợp AI để ủng hộ người sáng tạo

0

Mới đây, Procreate, ứng dụng vẽ tranh kỹ thuật số ở trên iPad, đã chính thức tuyên bố không đưa các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) vào sản phẩm của mình. Quyết định này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ nhiều người dùng Procreate, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ đang chạy đua tích hợp AI vào sản phẩm.

Cụ thể, ông James Cuda, Giám đốc điều hành Procreate, đã công khai tuyên bố sẽ không tích hợp AI tạo sinh vào ứng dụng của mình. “Tôi không hài lòng với hướng đi hiện tại của ngành công nghiệp này, đặc biệt là những tác động tiêu cực của nó đến cộng đồng nghệ sĩ.“, ông Cuda nhấn mạnh trong một video đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Lời tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ, họa sĩ minh hoạ kỹ thuật số đang ngày càng lo lắng về nguy cơ bị AI “cướp” mất công việc. Được biết, các mô hình AI tạo sinh thường được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ chứa hàng triệu hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật có sẵn trên Internet, mà không phải lúc nào cũng được sự đồng ý của tác giả hay có sự bồi thường thỏa đáng. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ về vấn đề bản quyền và đạo đức trong lĩnh vực sáng tạo.

Trước Procreate, nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ cộng đồng nghệ sĩ khi cố gắng tích hợp AI vào sản phẩm của mình. Clip Studio Paint, ứng dụng vẽ minh hoạ nổi tiếng, đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch ra mắt tính năng tạo hình ảnh bằng AI sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dùng. Các thương hiệu lớn khác như Wacom (hãng sản xuất bảng vẽ) và Wizards of the Coast (công ty sở hữu trò chơi thẻ bài Magic: The Gathering) cũng đã phải lên tiếng xin lỗi vì sử dụng hình ảnh do AI tạo ra trong sản phẩm của họ.

Một số công cụ AI trong Adobe Express

Thậm chí, Adobe, thương hiệu này cũng không tránh khỏi “làn sóng giận dữ” từ cộng đồng nghệ sĩ. Mặc dù khẳng định các mô hình AI của Adobe chỉ được huấn luyện trên dữ liệu có bản quyền hoặc thuộc phạm vi công cộng, nhưng những thay đổi trong chính sách dịch vụ của hãng, vẫn bị cho là “bất lợi” cho các nghệ sĩ tự do.

Procreate còn lập riêng một trang riêng biệt ở trên web để khẳng định việc không đưa AI vào sản phẩm như các thương hiệu khác

Giữa làn sóng này, Procreate nổi lên như một “điểm sáng” khi lựa chọn đứng về phía cộng đồng nghệ sĩ. Không chỉ nói “không” với AI tạo sinh, Procreate còn ghi điểm với mô hình kinh doanh “mua một lần, dùng trọn đời” với mức giá phải chăng (12.99 USD, khoảng 323 nghìn đồng), thay vì áp dụng hình thức đăng ký theo tháng như nhiều đối thủ cạnh tranh. Ứng dụng này cũng đang được mở rộng sang lĩnh vực hoạt hình và dự kiến sẽ sớm ra mắt phiên bản dành cho máy tính để bàn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Nhìn chung, lời khẳng định ủng hộ sự sáng tạo của con người, cùng với những chính sách ưu ái dành cho người dùng, đã giúp Procreate chiếm trọn cảm tình của cộng đồng nghệ sĩ. Giữa làn sóng phát triển mạnh mẽ của AI, Procreate tự tin lựa chọn con đường riêng, kiên định đứng về phía người nghệ sĩ, góp phần gìn giữ giá trị đích thực của nghệ thuật do con người kiến tạo.

Vừa ra mắt, Black Myth: Wukong đã phá kỷ lục về số người chơi

Previous article

Thủ thuật giúp người dùng Chrome có thể tiếp tục dùng uBlock Origin đến 2025

Next article