Sau hơn 1 năm ra mắt Redmi Pad, Xiaomi giờ đây đã giới thiệu Redmi Pad SE – phiên bản rút gọn của mẫu máy tính bảng tại thị trường Việt Nam. Dù có mức giá dễ tiếp cận hơn nhưng Redmi Pad SE vẫn sở hữu nhiều điểm mạnh trong phân khúc như thiết kế kim loại, màn hình 90Hz cùng con chip Snapdragon 680.
Thiết kế của Redmi Pad SE
Redmi Pad SE mang ngôn ngữ thiết kế vuông vức, khá giống Redmi Pad với mặt lưng nhám mờ cùng khung kim loại chắc chắn. So sánh với nhiều mẫu máy tính bảng khác trong phân khúc 5 triệu thì đây là một điểm cộng khi phần lớn các thiết bị khác chỉ được hoàn thiện bằng nhựa. Trải nghiệm cầm nắm của Redmi Pad SE khá tốt khi 4 góc viền được bo cong nhẹ nhàng tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Phiên bản màu tím trên tay mình được phối màu khá đẹp, mang lại sự trẻ trung, năng động nhưng cũng không kém phần sang trọng.
Redmi Pad SE được trang bị camera sau 8MP và camera trước 5MP. Tuy nhiên, trong trường hợp phải video call hoặc hội họp trực tuyến thì máy vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Màn hình + Loa
Redmi Pad sở hữu màn hình IPS LCD kích thước 11.0 inch, độ phân giải 1200 x 1920 pixels (FHD). Đây là những thông số ổn trong phân khúc và hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản về giải trí, xem YouTube, Netflix, lướt web hàng ngày. Tuy nhiên, khi xem những video ở độ phân giải cao hơn như 2K thì màn hình này đã lộ rõ những khuyết điểm như xuất hiện những điểm rỗ, cũng như màu sắc không quá chân thực. Với độ sáng 400 nits khá thấp, mình phải kéo sáng hết mức thì mới có thể sử dụng Redmi Pad SE một cách thoải mái ở điều kiện nhiều ánh sáng trong nhà.
Dù được trang bị tần số quét 90Hz, Redmi Pad SE không thật sự mang lại cảm giác mượt mà trong những thao tác cơ bản nhất. Máy phản hồi không quá nhanh với những thao tác vuốt chạm, thậm chí, tình trạng khựng lag cũng đôi khi xảy ra. Điều này có lẽ xuất phát từ khả năng tối ưu MIUI chưa quá tốt đến từ Xiaomi. Bù lại, máy có chuẩn Widevine L1 giúp xem các bộ phim Netflix ở độ phân giải cao nhất.
Việc trang bị 4 loa giúp cho máy đem lại trải nghiệm âm thanh khá tốt khi sử dụng, tuy nhiên chất lượng ở 2 loa phía bên dưới cho chất lượng âm thanh tốt hơn so với 2 loa phía dưới. Trong quá trình sử dụng, mình cũng thử bật chế độ âm thanh Dolby Atmos nhưng cũng không có quá nhiều khác biệt so với chế độ bình thường.
Cấu hình
Redmi Pad SE có 2 phiên bản bộ nhớ là 4GB RAM + 128GB và 6GB RAM + 128GB, mức giá chênh lệch cho 2 phiên bản là 500.000đ. Vì thế, khi chọn mua thiết bị này, người dùng nên cân nhắc phiên bản cao nhất để mang lại trải nghiệm tối ưu nhất. Với con chip Snapdragon 680, máy đem lại hiệu năng ổn trong phân khúc khi có thể đáp ứng được các tựa game nhẹ cho đến trung bình như Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến hay PUBG Mobile.
Cả 2 tựa game mình chơi đều cài đặt ở mức đồ hoạ thấp, trong khi Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến thì có thể chơi ổn định ở mức 60fps thì PUBG Mobile chỉ có thể đáp ứng được ở mức 30fps. Trong quá trình chơi, hiện tượng khựng lag là ít khi xảy ra. Với các pha giao tranh đông người sẽ xảy ra tình trạng tụt nhẹ fps. Tuy nhiên, về tổng thể thì không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm chơi game của mình. Còn về các tác vụ cơ bản hơn như lướt web, xem phim, đọc báo nhẹ nhàng thì máy hoàn toàn đáp ứng tốt.
Pin + sạc
Với viên pin 8.000 mAh, Redmi Pad SE có thể đáp ứng cho thời lượng dùng lên đến 2 ngày với cường độ sử dụng trung bình. Trong khi đó, nếu như sử dụng liên tục thì máy chỉ có thể trụ trong 1 ngày. Về sạc, mặc dù hãng cho biết công suất tối đa mà máy có thể đạt được là 10W, tuy nhiên công suất thực tế mà mình đo được là xấp xỉ 18W với củ sạc bên ngoài.
Tổng kết
Redmi Pad SE là sự lựa chọn đáng cân nhắc ở phân khúc 5 triệu với nhiều ưu điểm trong phân khúc như thiết kế kim loại, khả năng hoàn thiện chắc chắn cùng hiệu năng vừa đủ. Tuy nhiên, máy cũng có nhiều điểm yếu như phần mềm tối ưu chưa tốt, loa chỉ dừng lại ở mức ổn. Về tổng quan, đây sẽ là thiết bị phù hợp dành cho học sinh, sinh viên khi nó có thể hỗ trợ học tập hoặc phụ huynh với nhu cầu giải trí nhẹ nhàng.
Redmi Pad SE
Comments