Redmi Pad Pro là chiếc máy tính bảng mới ra mắt của Xiaomi tại thị trường Việt Nam. Đây được xem là bản nâng cấp của Redmi Pad tiêu chuẩn với loạt cải tiến liên quan đến màn hình, hiệu năng cho đến số lượng phụ kiện đi kèm. Vậy thì với giá niêm yết 7,5 triệu đồng, Redmi Pad Pro có phải một sản phẩm đáng mua hay không? So với những iPad Gen 9 hay Galaxy Tab S9 FE cùng tầm giá, mẫu tablet của Xiaomi có gì nổi bật hơn?
HyperOS mượt mà hơn đáng kể
Trước đây, mình không đánh giá cao MIUI trên máy tính bảng Xiaomi. Kể cả khi được trang bị những con chip flagship đầu bảng, sự tối ưu kém về phần mềm khiến những sản phẩm này không đem lại trải nghiệm mượt mà, trơn tru. Bản thân chiếc Xiaomi Pad 5 Pro 12.4 mình đang sử dụng cũng gặp rất nhiều vấn đề về trải nghiệm khi chạy MIUI 14.
Tuy nhiên, lên HyperOS, câu chuyện hoàn toàn khác. Trên Redmi Pad Pro, giao diện người dùng này được tối ưu tốt từ độ mượt cho đến tốc độ phản hồi của các thao tác. Càng bất ngờ hơn nữa khi bản thân chiếc tablet này chỉ trang bị Snapdragon 7s Gen 2, một con chip không mạnh nhất phân khúc.
Tất nhiên, trong quá trình sử dụng, Redmi Pad Pro vẫn xuất hiện một số khoảng khựng nhẹ. Chẳng hạn, khi vuốt trở về màn hình chính, sẽ có những lúc máy bị đứng khung hình trong khoảng nửa giây hoặc hiển thị các hoạt ảnh thừa. Dẫu vậy, cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là chiếc tablet tầm trung và việc đôi lúc xuất hiện sự thiếu ổn định là điều có thể hiểu được.
Nói về hiệu năng, Redmi Pad Pro chạy Snapdragon 7s Gen 2, tối thiểu 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Với thông số này, máy tính bảng có thể phục vụ tốt các nhu cầu cơ bản như viết nội dung trên Google Docs, xem YouTube cho đến lưu trữ tài liệu học tập. Trong khi đó, Redmi Pad Pro lại không phải chiếc máy hàng đầu dành cho chơi game, phần vì kích thước màn hình quá lớn, khó thao tác.
Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
Dù được định hình là một chiếc máy tính bảng giá rẻ, thế nhưng Redmi Pad Pro lại gây bất ngờ vì có mức độ hoàn thiện rất tốt. Các mép nối giữa khung viền và mặt lưng, khe loa hay camera sau đều được gia công một cách tỉ mỉ, ít chi tiết thừa.
Redmi Pad Pro có độ mỏng 7,5mm cùng khối lượng 571 gram. Dù vậy, cảm giác cầm nắm mà thiết bị đem lại là rất ổn. Mình có thể mang sản phẩm này và nằm xem phim trên giường mà không gặp tình trạng mỏi, nhức tay như Xiaomi Pad 5 Pro 12.4 cùng kích thước. Có được điều này là nhờ Xiaomi đã bo cong nhẹ các cạnh viền trên chiếc máy tính bảng này. Khối lượng trên Redmi Pad Pro cũng được phân bố đều, không bị nặng ở đầu hay phía cuối thân máy.
Ngoài ra, nếu để ý một chút vào thiết kế trên Redmi Pad Pro, người dùng có thể thấy sự xuất hiện của jack tai nghe 3.5mm. Trên thực tế, hầu hết tablet Android cùng phân khúc đã cắt giảm trang bị này để tối ưu thiết kế cũng như độ mỏng. Tuy nhiên, vị trí đặt jack tai nghe trên Redmi Pad Pro lại không được đánh giá cao khi lệch hẳn xuống một phía. Khi nhìn vào cạnh dưới, người dùng sẽ thấy thiết kế trên chiếc tablet này không thật sự liền mạch.
Màn hình tốt, nhưng loa thì chưa hay
Ngoại trừ Xiaomi Pad 6, có thể coi Redmi Pad Pro là chiếc máy tính bảng có màn hình tốt nhất phân khúc. So với những đối thủ đến từ Apple hay Samsung, sản phẩm được đánh giá cao hơn cả về thông số lẫn chất lượng hiển thị.
Đầu tiên, Redmi Pad Pro có độ phân giải màn hình 1600 x 2560 pixels, tức tương đương một chiếc MacBook Air M1. Mẫu máy tính bảng của Xiaomi thậm chí còn cho ra độ nét tốt hơn nhờ kích thước chỉ 12,1 inch (so với 13 inch trên MacBook). Từ khoảng cách nhìn thông thường (khoảng 50 – 60cm), mọi chi tiết hiển thị trên Redmi Pad Pro đều sắc nét, không hề bị rỗ.
Tiếp theo, Redmi Pad Pro có tần số quét màn hình lên đến 120Hz. Để dễ so sánh, con số này trên Galaxy Tab S9 FE là 90Hz và iPad Gen 9 chỉ là 60Hz. Thậm chí, màn hình trên chiếc iPad này còn làm dưới dạng non-laminated (lớp kính tách biệt lớp hiển thị) nên cho ra độ sâu màu, độ tương phản kém hơn nhiều.
Chất lượng hiển thị trên Redmi Pad Pro cũng rất tốt từ chi tiết, độ tương phản cho đến góc nhìn. Ngoài ra, máy tính bảng này còn có độ sáng tối đa lên đến 600 nits. Kể cả khi ra quán cafe làm việc dưới ánh sáng ngoài trời, người dùng vẫn dễ dàng đọc được chi tiết trên màn hình.
Đổi lại, loa trên Redmi Pad Pro không thực sự tốt. Điểm sáng duy nhất trên chiếc tablet này là được trang bị tới 4 loa trải đều hai bên, tạo hiệu ứng vòm khi chơi game, xem phim. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh phát ra từ máy không tốt khi hầu như không có bass, các dải mid và treble cũng khá yếu, chưa có sự tách bạch. Nhìn chung, nếu muốn có trải nghiệm xem phim tốt nhất, người dùng nên sử dụng Redmi Pad Pro với một chiếc tai nghe.
Các phụ kiện đi kèm
Khi mua Redmi Pad Pro, người dùng có thêm hai tuỳ chọn phụ kiện đi kèm. Đó là bàn phím Redmi Pad Pro cùng bút stylus Redmi Smart Pen.
Bàn phím Redmi Pad Pro có tuỳ chọn màu Đen, kết nối thông qua Bluetooth và sạc lại bằng cổng USB-C gắn ở cạnh bên. Cảm giác gõ mà bàn phím này đem lại rất tốt: các phím có hành trình đủ sâu, độ trễ thấp, gõ nảy và tạo ra âm thanh rất thoải mái. Đổi lại, bàn phím này có điểm trừ nhỏ là chỉ cho phép điều chỉnh một góc nghiêng duy nhất. Thêm vào đó, người dùng cũng không thể tháo rời chân dựng và ốp của bàn phím.
Bút Redmi Smart Pen có kích thước tương đồng Apple Pencil trên iPad hay S Pen trên Galaxy Tab. Khi vẽ trên ứng dụng Mi Canvas, bút cho độ trễ thấp, phản hồi ổn, tuy nhiên không hỗ trợ vẽ nét thanh, nét đậm. Đổi lại, bút trang bị hai phím giúp người dùng có thể chuyển luân phiên giữa các chế độ vẽ.
Tạm kết: Redmi Pad Pro
Tóm lại, Redmi Pad Pro được đánh giá khá cao nhờ thiết kế bắt mắt, màn hình hiển thị tốt, giao diện HyperOS mượt mà cùng khả năng hỗ trợ nhiều phụ kiện. So với iPad Gen 9 hay Galaxy Tab S9 FE, mẫu tablet đến từ Xiaomi hoàn toàn có đủ sức để cạnh tranh. Bên cạnh các đại lý bán lẻ, người dùng cũng có thể đặt mua Redmi Pad Pro trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động quanh mức 7 triệu đồng (sau khi đã trừ quà).
Comments