Từ trước tới nay, các mẫu tai nghe của Redmi thường được biết tới với mức giá rẻ, dễ tiếp cận với người mua nhưng chất lượng âm thanh thì không được đánh giá cao. Cá nhân mình có trải nghiệm không tốt với những chiếc tai nghe của Redmi khi chất âm của nó chỉ thuộc mức trung bình nên không thể thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc. Tuy nhiên, sau khi được trải nghiệm Redmi Buds 3 Lite và Redmi Buds 3 Pro, mình lại có ấn tượng tích cực hơn với những gì bộ đôi này đem lại.
Redmi Buds 3 Lite
Redmi Buds 3 Lite có mức giá chưa tới 500.00đ, nên sẽ tiếp cận được nhiều người dùng phổ thông hơn, ngay cả với các bạn học sinh, sinh viên. Với mức giá rẻ, dễ hiểu khi Redmi Buds 3 Lite sử dụng chất liệu nhựa cứng, bề mặt được hoàn thiện nhám giúp cầm nắm chắc chắn hơn. Chất liệu này không được bền, khi nhìn nghiêng thì vẫn thấy một vài vết xước sau một thời gian ngắn sử dụng. Tuy nhiên thì đây cũng chỉ là tai nghe giá rẻ nên chúng ta cũng không thể đòi hỏi được nhiều. Điểm cộng là bản lề của Buds 3 Lite rất chắc chắn, tiếng đóng mở nghe rất đanh và thích tai. Mặc dù mình dùng tay cầm nắm thì vẫn thấy nắp của Redmi Buds 3 Lite di chuyển nhẹ nhưng đó cũng không phải vấn đề quá lớn.
Tiếp theo, thiết kế phần thân tai của Buds 3 Lite khá giống với những chiếc Galaxy Buds Plus, từ đó cho cảm giác đeo trên tai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu. Trong tầm giá dưới 500.000đ, mình đánh giá đây là chiếc tai nghe mang lại cảm giác đeo dễ chịu nhất. Thêm nữa thân tai nghe còn được trang bị thêm vành tai (earhook) để bám tai hơn, phù hợp cho những người thường xuyên đi tập thể thao. Ngoài ra, Redmi Buds 3 Lite cũng được hỗ trợ điều hiển hoàn toàn bằng cảm ứng, diện tích nhận diện lớn, tốc độ nhận diện cũng khá nhanh. Tuy nhiên nó không có thao tác để dừng/phát nhạc, và cũng không có cảm biến để dừng nhạc khi tháo tai. Vì vậy mỗi lần dừng nhạc là mình phải rút điện thoại ra, gây cho mình không ít bất tiện khi sử dụng.
Về chất âm, đây mới là điểm khiến mình vô cùng ấn tượng về Redmi Buds 3 Lite. Khác với chất âm ù, thiếu chi tiết của những chiếc tai nghe Redmi khác thì Buds 3 Lite lại cho một chất âm khá trong trẻo và chi tiết. Thực sự lần đầu tiên mình nghe Redmi Buds 3 Lite mình phải tra ngay lại mức giá của chiếc tai nghe này. Gần như rất ít tai nghe nào dưới 500.000đ có chất âm tốt thế này, dải âm cân bằng, phù hợp với các bản nhạc Pop thịnh hành. Mình nghe “Tháng năm” của Soobin, dường như tai nghe đẩy dải mid cao hơn, khiến cho giọng ca sĩ gần với tai, mang lại cảm xúc tốt hơn. Bên cạnh dải mid, dải bass của Buds 3 Lite cũng rất dày và lực nhưng lại không hề bị lấn át giọng hát hay treble của bản nhạc. Tổng kết, mình cực kỳ hài lòng với âm thanh của Buds 3 Lite.
Redmi Buds 3 Pro
Tiếp theo là Redmi Buds 3 Pro, chữ “Pro” được thể hiện ngay ở mức giá khi nó đắt gấp đôi so với Redmi Buds 3 Lite. Ngoại hình của Buds 3 Pro khiến mình có chút liên tưởng tới Google Pixel Buds. Tuy rằng có mức giá gấp đôi nhưng chất liệu nhựa của Buds 3 Lite và Buds 3 Pro không khác nhau quá nhiều, vẫn là chất liệu nhựa cứng và phủ màu nhám. Điều dễ nhận ra nhất đó chính là nhựa của Buds 3 Pro dày hơn và nặng hơn so với Buds 3 Lite. Bản lề của Buds 3 Lite cũng dày dặn hơn, mình có dùng tay di thì cũng không có hiện tượng ọp ẹp.
Phần housing của tai nghe được thiết kế công thái học, nhìn khá giống với Beats Studio Buds. Bề mặt cảm ứng được phủ một chất liệu trong suốt, có khả năng đổi màu theo góc nhìn. Phần tai nghe cũng đã được bổ sung cảm biến để dừng nhạc khi tháo tai nghe. Điểm “Pro” ở đây còn được thể hiện ở việc Redmi Buds 3 Pro hỗ trợ chống ồn và xuyên âm. Tính năng xuyên âm làm việc rất hiệu quả, kèm với cảm giác đeo dễ chịu nên mỗi khi mình cần giao tiếp, nghe mọi người xung quanh nói rất tự nhiên, không bị cảm giác giọng “robot” của một chiếc tai nghe. Còn về tính năng chống ồn, chiếc tai nghe này loại bỏ hầu hết các tạp âm môi trường, tuy nhiên giọng người vẫn lọt vào nhiều. Có một điểm đáng tiếc là Redmi chưa phát triển ứng dụng cho iOS nên mình không thể tùy chỉnh chống ồn/xuyên âm.
Về chất âm, vẫn làm một chất âm cân bằng, trong trẻo trong các bài hát. Hay một điều khá lạ là chiếc “Pro” có giá gấp đôi nhưng nghe không tốt bằng chiếc phiên bản Lite. Mình thấy chiếc Buds 3 Pro có âm trường hẹp hơn nên cho các dải âm bị gần với nhau, từ đó khiến bài hát cảm giác bị bó hẹp. Ngoài ra, dải mid của Redmi Buds 3 Pro có cách xử lý giọng ca sĩ trầm và ngọt ngào hơn, nghe với các giọng ca nam thì phù hợp, nhưng khi nghe sang các giọng nữ cao thì sẽ mất đi màu giọng đẹp của ca sĩ. Các chi tiết của nhạc nền vẫn được thể hiện rõ, dải trầm mạnh mẽ, dải treble chỉ nằm ở mức trung bình. So với tầm giá khoảng 1,2 triệu đồng thì Redmi Buds Pro có một chất âm trung bình, không nổi bật hơn so với những chiếc tai nghe khác.
Tổng kết
Nhìn chung, Redmi đã cho mình một sự bất ngờ không hề nhỏ với bộ đôi tai nghe mới này. Với Buds Lite và Buds Pro, Redmi thể hiện sự nghiêm túc khi làm những chiếc tai nghe có âm thanh tốt, nhiều công nghệ mà giá vẫn rẻ. Mình đánh giá Redmi Buds Lite sẽ là sản phẩm cực kỳ đáng mua trong tầm giá, còn Redmi Buds Pro thì sẽ gặp một vài đối thủ lớn trong mức giá của mình.