Trong nhiều năm trở lại đây, các thương hiệu điện thoại đã không còn quá mặn mà với phân khúc smartphone giá rẻ, phục vụ người dùng phổ thông. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa các sản phẩm trong tầm giá này sẽ kém sức hút, hấp dẫn. Bằng chứng là với Redmi 12C, mẫu máy sở hữu nhiều yếu tố đáng giá trong phân khúc 3 triệu, từ hiệu năng tốt, màn hình lớn cho đến camera với độ phân giải lên đến 50MP.
Thông số cấu hình trên Redmi 12C
Những yếu tố đáng giá trên Redmi 12C
Hiệu năng: Khách quan mà nói, Helio G85 là một con chip tốt trong phân khúc giá trên dưới 3 triệu đồng. Trong cùng tầm giá hàng chính hãng, chúng ta chỉ tìm được những con chip Unisoc T610 hay Helio G35, vốn cho hiệu suất thua thiệt rất nhiều so với Redmi 12C.
Thông qua một số bài test như Antutu Benchmark hay 3DMark, Redmi 12C cho kết quả khá ổn. Độ ổn định được duy trì trong suốt bài test, đi kèm lượng nhiệt toả ra là không quá đáng ngại.
Kết quả một số bài test trên Redmi 12C
Bài benchmark | Điểm số |
Antutu Benchmark v9 | 216.217 |
Geekbench 6 | 435 / 1.177 |
3DMark Wild Life | 717 |
Tất nhiên Helio G85 vẫn phục vụ khá ổn nhu cầu chơi những tựa game từ cơ bản cho đến trung bình. Mặc dù vẫn có những khoảng thời gian FPS bị giảm khá sâu, tuy nhiên chúng diễn ra không thường xuyên và không tác động quá nhiều tới trải nghiệm tổng thể của mình.
FPS trung bình và nhiệt độ một số tựa game trên Redmi 12C
Bài test | FPS trung bình | Nhiệt độ tối đa |
Liên Quân Mobile (Trung bình, 60FPS) | 57,6 | 38,2 độ C |
LMHT: Tốc Chiến (Trung bình, 60FPS) | 58 | 40 độ C |
PUBG Mobile (Mượt, 40FPS) | 39,6 | 40 độ C |
Tóm lại, có thể đánh giá Helio G85 trên Redmi 12C là một con chip tốt. Đây vẫn sẽ là lựa chọn đáng giá với các bạn học sinh, sinh viên, yêu cầu một sản phẩm mới, chính hãng cho hiệu năng hàng đầu phân khúc 3 triệu đồng.
Phần mềm: Chiếc máy chúng mình trên tay được cài sẵn Android 12 với giao diện MIUI 13. Nhờ sử dụng một con chip không quá yếu, các thao tác vuốt chạm cho ra trên Redmi 12C khá nhanh và nhạy. Dẫu biết vẫn còn sự khựng, lag và độ trễ trong các hoạt ảnh chuyển động, tuy nhiên chúng không xuất hiện quá thường xuyên và mình hoàn toàn có thể bỏ qua.
Với những ứng dụng cơ bản như Facebook, TikTok hay Instagram, Redmi 12C cho tốc độ phản hồi tốt. Độ nhanh nhạy vẫn được duy trì kể cả khi mình mở liên tục nhiều ứng dụng khác nhau. Với mức RAM tiêu chuẩn 3GB, mình có thể sử dụng liên tục khoảng 4 – 5 ứng dụng cơ bản hay 1 – 2 tựa game không quá nặng. MIUI 13 cũng cung cấp tuỳ chọn mở rộng RAM, với mức dung lượng tối đa lên tới 3GB.
Thiết kế: Sự thân thiện là những gì có trên thiết kế của Redmi 12C. Mặt lưng và khung viền mặc dù chỉ làm từ nhựa, nhưng đã được Xiaomi khéo léo khắc thêm các đường vân khiến cảm giác cầm nắm trở nên rất thoải mái. Thêm vào đó, mặt lưng sẽ tránh được tình trạng bám dính mồ hôi, dấu vân tay như khi làm mặt lưng nhựa bóng. Phiên bản chúng mình trải nghiệm có màu xanh mint, trông nhẹ nhàng, dễ chịu và khá tinh tế.
Tất nhiên, Redmi 12C cũng đi kèm khả năng hỗ trợ 2 SIM, 2 sóng. Đây là yếu tố cần thiết với đa phần người dùng chúng ta, vốn dùng 1 SIM nghe gọi chính kết hợp 1 SIM truy cập data.
Một điểm trừ nhỏ ở đây là vân tay được đặt ở vị trí khá cao. Do máy khá dài, mình thường phải đẩy ngón cái lên sát mép máy để có thể chạm được cảm biến vân tay của thiết bị. Khả năng nhận diện vân tay trên Redmi 12C nhìn chung là tốt, tốc độ ổn, độ chính xác cao và mình không có nhiều phàn nàn về cảm biến này.
Một số yếu tố khác
Thời gian sử dụng pin: Redmi 12C được trang bị viên pin với dung lượng 5.000mAh, một con số tiêu chuẩn trong tầm giá này. Với những tác vụ sử dụng cơ bản với hỗn hợp 4G và Wi-Fi, máy cho ra thời gian on-screen trung bình vào khoảng từ 7 – 8 giờ. Có được điều này là nhờ Redmi 12C chỉ sử dụng màn hình HD+, đi kèm với việc Helio G85 là một con chip mát và không tiêu tốn quá nhiều điện năng.
Camera: Điểm nổi bật của Redmi 12C trong phân khúc giá này là trang bị camera với độ phân giải lên đến 50MP. Tuy nhiên, người dùng khó có thể mong chờ quá nhiều về khả năng quay chụp trên thiết bị này.
Những bức ảnh được chụp từ Redmi 12C cho độ sáng ổn, các dải màu được cân chỉnh khá tách bạch và rõ ràng. Tuy nhiên, chi tiết trong hầu hết trường hợp đều xử lý không tốt, ảnh dễ dàng bị cháy, vỡ kể cả với những điều kiện chụp đơn giản nhất. Thêm vào đó, Redmi 12C cũng không có camera góc rộng hay camera tele, khiến sự đa dụng khi quay chụp bị giảm đi đáng kể.
Một số bức ảnh chụp từ Redmi 12C
Nhìn chung, cụm camera trên Redmi 12C có thể đáp ứng khả năng quay chụp ở mức cơ bản. Nếu bạn đang tìm một chiếc máy với camera tốt hơn, những sản phẩm hàng cũ tới từ Pixel hay LG sẽ là sự lựa chọn cân nhắc hơn.
Điểm yếu trên Redmi 12C
Màn hình: Điểm mạnh trên màn hình Redmi 12C là kích thước lớn 6,73 inch. Tuy nhiên, đây chỉ là màn hình IPS LCD và độ phân giải cũng chỉ dừng lại ở HD+. Rõ ràng, trong phân khúc giá trên dưới 3 triệu đồng, chúng ta có thể kỳ vọng một màn hình sắc nét hơn, chẳng hạn như độ phân giải Full HD+ hay tần số quét cao.
Thế nhưng rất may là chất lượng hiển thị trên Redmi 12C nhìn chung không có nhiều phàn nàn trong phân khúc giá. Màu sắc và độ sáng ổn, góc nhìn không quá tệ, tuy nhiên các chi tiết thường xuyên xảy ra tình trạng “rỗ” và có cảm giác bị nhoè nhẹ. Độ sáng màn hình 500 nits nhìn chung là đủ với những nhu cầu sử dụng dưới trời không quá nắng hay điều kiện trong nhà.
Cổng sạc MicroUSB: MicroUSB có thể coi là một trang bị “lỗi thời” trên smartphone hiện nay, đặc biệt với một mẫu smartphone giá rẻ như Redmi 12C. Thêm vào đó, Redmi 12C chỉ hỗ trợ công suất sạc tối đa 10W. Đây có lẽ sẽ là điểm thua thiệt khi so với những đối thủ khác trong cùng phân khúc đến từ Samsung hay TECNO.
Tổng kết
Tóm lại, có thể coi Redmi 12C là một sản phẩm tốt trong phân khúc điện thoại phổ thông. Mẫu máy cho ra một hiệu năng tốt, màn hình lớn, thời lượng sử dụng pin lâu dài cùng một thiết kế thân thiện, dễ chịu. Đây sẽ là sự lựa chọn hợp lý dành cho các bạn học sinh, sinh viên hay những người lao động mới bắt đầu tiếp cận điện thoại thông minh.
Comments