Sau rất nhiều thời gian chờ đợi, mình đã chính thức có trên tay chiếc AirB Pro bản thương mại. Mình đã bỏ tiền ra để mua AirB Pro với mức giá là 2.990.000 đồng. Tuy nhiên, nó không được như kì vọng… Và đây sẽ là trải nghiệm của cá nhân mình sau 1 buổi chiều sử dụng chiếc AirB Pro.
Phiên bản phần mềm của tai nghe mới nhất: Version 1.0.3.9
Kết nối rất tệ
Đầu tiên mình muốn đề cập tới kết nối, dù được trang bị Bluetooth 5.0 nhưng AirB Pro kết nối quá tệ. Điện thoại iPhone không thể tìm tới chiếc tai nghe này trong cài đặt Bluetooth, mình có sử dụng một chiếc Galaxy Note 10+ thì kết nối cũng rất khó khăn. Mình đã reset lại cực kỳ nhiều lần và sau 30 phút cuối cùng mình cũng có thể kết nối được. Thực sự cá nhân mình cảm thấy rất phiền vì chưa bao giờ mình “mệt mỏi” để kết nối tai nghe như thế này.
Sau khi kết nối thành công, AirB Pro lại khiến mình thêm bực vì nó lại xảy ra lỗi. Mình không hiểu có vấn đề gì về phần kết nối của chiếc tai nghe này mà ngay ở những thanh âm đầu tiên, nó đã rất chập chờn, không ổn định và điều này khiến cho mình cảm giác cực kỳ khó chịu.
Chất âm chưa được như kì vọng
Tạm bỏ qua những yếu tố trên, chất âm vẫn sẽ là thứ quan trọng nhất khi người ta nhắc đến một chiếc tai nghe. Phải nói rằng mình đã cực kỳ mong chờ và hy vọng vào chất âm của bản Pro này. Mình nghe qua thì thấy AirB Pro cho ra một chất âm khá hơn AirB rất nhiều. Về thông số driver thì mình không có cụ thể, nhưng con chip Qualcomm của AirB Pro có cách xử lý âm thanh gọn gàng hơn so với AirB. Tuy nhiên, đây là so với AirB có mức giá khoảng 1 triệu thôi, còn chất âm của AirB Pro vẫn thua xa so với các tai nghe cùng tầm giá.
Dải bass của tai nghe này thì nông, bass cũng không chắc và gọn. Dải mid cũng thiếu chi tiết, với các bài như “Hymn for the weekend” thì giọng ca sĩ chưa thỏa mãn được mình, giọng hát thiếu sự sắc cạnh và bị chìm xuống. Dải treble chưa được thoáng, nó khiến cho cả phần âm trường hẹp lại và tạo cho mình cảm giác dồn nén khi nghe – hãy tượng tượng như bạn đang cố nhét tất cả quần áo vào một chiếc vali bé tí vậy – chật hẹp và bí bách. Tổng kết, trong tầm giá, mình chưa đánh giá cao AirB về chất âm, rõ ràng Bkav cần tune lại âm thanh một cách cẩn thận hơn.
Tai nghe bị “thoát âm” rất nhiều
“Thoát âm” là hiện tượng không chỉ riêng mình và rất nhiều người khác cũng gặp trên AirB. Đáng buồn thay, AirB Pro cũng vậy. Mình không chắc đây là do hoàn thiện chưa kín của phần tai nghe hay là do vấn đề khác. Nhưng đối với mình, đây là trải nghiệm thực sự tệ. Mình ngồi làm việc trong văn phòng mà anh em xung quanh đều nghe rõ mình đang nghe bài hát gì.
Đây là trải nghiệm tệ với cá nhân mình, vì mình chưa bao giờ gặp tình trạng này trên những chiếc tai nghe
in-ear. Các bạn thử tưởng tượng, ở trong một thang máy, mình nghe nhạc gì là tất cả mọi người xung quanh đều biết, thậm chí là họ còn thưởng thức bài hát ấy cùng bạn, chắc tới đây là các bạn hình dung được rồi.
Xuyên âm hoạt động tốt, nhưng chống ồn cần xem lại…
Có lẽ cái lí do mà các bạn bỏ thêm vài triệu để sở hữu AirB Pro từ AirB là tính năng chống ồn và xuyên âm. Với mình thì tính năng xuyên âm của AirB Pro hoạt động tốt, nghe các âm thanh môi trường tự nhiên, khi nào mình cần nói chuyện thì chỉ cần chạm 3 lần vào tai nghe. Bình thường khi làm việc, mình bật xuyên âm khá nhiều để có thể trao đổi công việc khi cần thiết và đối với mình, xuyên âm của AirB Pro làm rất tốt.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi chuyển sang tính năng chống ồn ANC. Lần đầu tiên khi bật chức năng này của AirB Pro thì nó thật sự làm mình bất ngờ vì những gì tính năng mang lại không có sự khác biệt so với chế độ thường. Ban đầu mình tưởng tai nghe mình bị lỗi nên mình đã reset và cập nhật lên phiên bản phần mềm mới nhất. Nhưng đáng buồn, ANC của AirB Pro vẫn hoạt động quá kém. Nếu để ý kỹ thì mình cũng nhận ra tai nghe đang chống ồn, nhưng hiệu quả nó mang lại rất kém, theo cảm quan cá nhân của mình thì nó sẽ chỉ giảm được khoảng 10-20% âm thanh môi trường.
Vậy còn yếu tố khác thì sao?
Với các yếu tố khác như thiết kế, chống nước, công nghệ ENC thì AirB và AirB Pro hoàn toàn tương tự như nhau. Người dùng chỉ có thể phân biệt 2 phiên bản qua chữ đằng sau case sạc và phần đuôi tai nghe màu vàng.
Tổng kết lại
Để kết lại bài viết, mình chưa hài lòng với những gì mang lên AirB Pro với mức giá lên tới gần 3 triệu đồng. Phần đáng tiếc nhất có lẽ là về mặt âm thanh khi mà so với các đối thủ cùng tầm giá, AirB Pro thua thiệt quá nhiều. Dù sao thì đây cũng là phiên bản tai nghe đầu tiên của Bkav, mình mong rằng hãng sẽ thay đổi các tính năng phần mềm để cải tiến chất lượng trên những chiếc AirB về sau.