Galaxy A55 đánh dấu năm thứ ba liên tiếp Samsung trang bị chipset Exynos cho series Galaxy A5x. Thoạt nghe, nhiều người sẽ không đánh giá cao hiệu năng trên chiếc máy này chỉ vì tên con chip. Vậy thì hiệu năng thực tế của Exynos 1480 sẽ như thế nào? Liệu, khả năng chơi game, làm việc trên Galaxy A55 có tốt hơn những đối thủ đến từ Xiaomi, OPPO hay không?
Điểm số benchmark trên Galaxy A55
Nếu xét trên thông số, có thể coi Exynos 1480 là một bản nâng cấp lớn. So sánh với Exynos 1380 tiền nhiệm, con chip này được nâng cấp về cả xung nhịp CPU, xung nhịp GPU và tiến trình sản xuất.
Exynos 1480 | Exynos 1380 | |
Cấu trúc CPU | 4x 2,75 GHz – Cortex-A78 4x 2 GHz – Cortex-A55 | 4x 2,4 GHz – Cortex-A78 4x 2 GHz – Cortex-A55 |
Cấu trúc GPU | Samsung Xclipse 530 Xung nhịp: 1,3 GHz | Mali-G68 MP5 Xung nhịp: 0,95 GHz |
Tiến trình sản xuất | 4nm | 5nm |
Với AnTuTu Benchmark, Galaxy A55 đạt hơn 720 nghìn điểm. Đáng chú ý, xuyên suốt 15 phút của bài kiểm tra, thiết bị chỉ tăng 1,1 độ C. Ngay cả với một bài kiểm tra thiên về GPU như 3DMark Wild Life Extreme Stress Test, thiết bị cũng chỉ tăng 4 độ C. Tất nhiên, với một chipset không thiên nhiều về hiệu năng thuần, Exynos 1480 đạt độ ổn định lên trên 99%.
Exynos 1480 | |
AnTuTu Benchmark | 723.640 |
Geekbench 6 | 1.157 – 3.427 |
3DMark Wild Life Extreme Stress Test | 1.026 – 1.019 Độ ổn định 99,3% |
Khả năng chơi game
Về khả năng chơi game, mình có thử nghiệm Galaxy A55 với LMHT: Tốc Chiến, PUBG Mobile và Genshin Impact. Điều kiện thử nghiệm chi tiết như sau:
- Chơi game trong điều kiện phòng, nhiệt độ môi trường khoảng 25 độ C.
- Tắt hết các kết nối không quan trọng, xoá đa nhiệm và các cài đặt khác để ở mặc định.
- Độ sáng đặt ở mức 100%, âm lượng đặt ở mức 50%.
Đầu tiên, Galaxy A55 5G có thể bật 120 FPS trong tựa game LMHT: Tốc Chiến. Tuy nhiên, để đảm bảo độ ổn định nhất, mình sẽ thiết lập máy chơi ở mức Trung và 90FPS. Với cài đặt đồ hoạ ở mức vừa phải, Galaxy A55 cho dải FPS mượt mà, ổn định. Tình trạng khựng, lag gần như không diễn ra ngay cả với các pha giao tranh cuối ván đấu.
Chuyển sang PUBG Mobile, đáng tiếc khi Galaxy A55 chỉ hỗ trợ cài đặt đồ hoạ tối đa ở Mượt và 60FPS. Đổi lại, máy cho dải FPS rất đều. Cuối trận, khi vòng bo dần khép lại, FPS trên Galaxy A55 đôi lúc giảm xuống còn 56, 57, tuy nhiên trải nghiệm chơi gần như không bị ảnh hưởng gì.
Cuối cùng, mình chơi Genshin Impact cùng thiết lập Thấp và 60FPS. Với một tựa game có đồ hoạ rất nặng, dễ hiểu khi tình trạng giật, lag diễn ra khá thường xuyên. Cuối màn chơi, FPS chỉ dao động quanh mức 35 – 40. Thế nhưng, nhìn nhận một cách khách quan, màn thể hiện của Galaxy A55 với Genshin Impact là ổn trong phân khúc.
Sau 15 phút chơi Genshin Impact, mức nhiệt tối đa ghi nhận trên Galaxy A55 chỉ dao động từ 41 – 42 độ C. Cùng một điều kiện như vậy, nhiệt độ của Snapdragon 7s Gen 2 trên Redmi Note 13T Pro 5G là 43 độ C. Trong khi đó, với các tựa game còn lại, mức nhiệt trên Galaxy A55 dao động từ 38 – 40 độ C.
Trải nghiệm sử dụng hàng ngày
Đầu tiên, phải dành lời khen cho Exynos 1480 về mặt nhiệt độ. Khi chơi game, tình trạng quá nhiệt không diễn ra. Thậm chí, khi chơi Genshin Impact, Galaxy A55 còn mát hơn Redmi Note 13 Pro một chút. Ngay cả khi chấm điểm AnTuTu Benchmark hay 3DMark, máy cũng chỉ tăng tối đa 4 độ C.
Tất nhiên, khi sử dụng các tác vụ hàng ngày, Galaxy A55 khá mát. Mình cũng đã sử dụng TikTok và Shopee – hai ứng dụng tối ưu kém – trong vòng 30 phút. Kết quả, mặt lưng máy chỉ ấm nhẹ, hoàn toàn không gây khó chịu với tay.
Phần mềm trên Galaxy A55 đã có sự cải thiện rõ ràng so với thế hệ tiền nhiệm. Nhưng để nói đây là chiếc máy cho trải nghiệm sử dụng mượt nhất, ổn định nhất thì câu trả lời có lẽ là chưa.
Tổng kết
Nhìn chung, Exynos 1480 đã có sự cải thiện rõ rệt về hiệu năng so với thế hệ tiền nhiệm. Galaxy A55 cho khả năng chơi game tốt hơn, nhiệt độ cũng mát và không còn nóng như trước đây nữa. Thế nhưng, độ mượt trong trải nghiệm sử dụng vẫn là vấn đề mà Samsung cần khắc phục trong các thế hệ sau này.