Trong khoảng 2 năm trở lại đây, dòng Google Pixel dường như bị “lu mờ” trước những đối thủ đến từ OPPO, Xiaomi hay Apple. Những yếu tố từng được coi là thế mạnh như độ mượt mà, hỗ trợ cập nhật lâu dài hay camera dần bị Xiaomi 14 Pro, vivo X100 Pro cho đến Galaxy S23 Ultra bắt kịp. Thế nhưng trong năm 2023, Google vẫn biết cách đem những điều khác biệt lên dòng điện thoại của mình. Khi sử dụng Google Pixel 8, mình có cảm giác như bước ra lãnh thổ mới trước một thế giới điện thoại đã quá bão hoà về phần cứng. Mặc dù vậy, để chọn một mẫu máy chính đồng hành trong nhiều năm tới, Pixel 8 lại không phải cái tên đầu tiên mình nghĩ đến, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Những nâng cấp của Pixel 8 so với Pixel 7
Độ sáng màn hình
Có một điều mà Google chưa hề làm tốt trong suốt 7 thế hệ Pixel đầu tiên, đó chính là độ sáng màn hình. Dù hãng luôn cố gắng khắc phục qua từng năm, song, những chiếc điện thoại Pixel vẫn chưa thể tự tin đứng ngang hàng với Xiaomi, vivo hay OPPO về mặt độ sáng được.
Thế nhưng, lên đến Pixel 8, mọi chuyện đã khác hơn nhiều. Năm nay, Google quyết định “tất tay” khi nâng cấp độ sáng tối đa trên chiếc máy này lên đến 2.000 nits (với Pixel 8 Pro là 2.400 nits). Con số này đã ngang ngửa với iPhone 15 Pro Max và không hề thua kém bất cứ mẫu flagship Android nào khác đang bán chính hãng tại Việt Nam.
Bản thân mình không quá chú tâm vào thông số hãng công bố, mà chủ yếu để ý đến trải nghiệm hàng ngày. Và độ sáng trên Pixel 8 đã làm mình hài lòng. Đầu tiên, khi dùng trong nhà, mình chỉ cần đặt độ sáng ở mức 40 – 50% là có thể nhìn một cách thoải mái. Con số này với Pixel 7 lên đến 80 – 90%. Google đã khắc phục được điểm yếu trên những thế hệ trước khi người dùng thường phải kéo thanh sáng gần như tối đa mới có thể nhìn rõ được.
Thứ hai, khả năng hiển thị ngoài trời trên Pixel 8 đã tốt hơn đáng kể. Không sáng bằng những Xiaomi 14 Pro hay vivo X100 Pro mới ra mắt, thế nhưng mình đã có thể tự tin dùng máy khi ra ngoài đường, tất nhiên là ngoại trừ những ngày trời nắng gắt.
Về chất lượng hiển thị, Google Pixel 8 làm tốt những gì một chiếc flagship cần có. Nếu không để ý kỹ, mình khó lòng nhận ra sự khác biệt về màu sắc hay chi tiết với Pixel 7 hay những chiếc flagship tiêu chuẩn như Galaxy S23 và Xiaomi 14. Tất nhiên, máy vẫn hỗ trợ chuẩn Widevine L1, giúp người dùng thưởng thức những nội dung trên Netflix với độ phân giải cao nhất.
Hiệu năng
Pixel 8 được trang bị con chip Google Tensor G3, mặc định 8GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Là một người đã sử dụng cả Pixel 7 series lẫn Pixel 8, mình không nhận ra sự khác biệt giữa hai mẫu máy trong những trải nghiệm hàng ngày.
Thế nhưng, có một điều mà cả Pixel 7 lẫn Pixel 8 đều chưa khắc phục được, đó là nhiệt độ. Ngay cả với nhu cầu cơ bản nhất là nghe nhạc và lướt Facebook với kết nối 4G, máy đã có dấu hiệu ấm lên nhẹ. Mức nhiệt còn tăng cao hơn với những tác vụ như xem TikTok, chụp ảnh và quay video. Không nóng đến mức gây quá nhiệt, song điều này vẫn gây ít nhiều khó chịu trong quá trình sử dụng, đặc biệt là với một người không dùng ốp như mình.
Bên cạnh đó, mình cũng không đánh giá cao Pixel 8 nói chung và điện thoại của Google nói riêng về khoản chơi game. Máy vẫn đáp ứng ổn các tựa game có đồ hoạ thấp như LMHT: Tốc Chiến hay Liên Quân Mobile. Còn nếu có nhu cầu chơi những PUBG Mobile hay Genshin Impact trong thời gian dài, Pixel 8 không phải mẫu máy dành cho bạn. Chi tiết về hiệu năng của Tensor G3 trên Pixel 8 series, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Hỗ trợ cập nhật
7 năm cập nhật là quãng thời gian lớn nhất từ trước đến nay mà Google cam kết cho một chiếc điện thoại của mình. Con số này cao gấp đôi 3 năm trên Pixel 7 series, thậm chí còn lớn hơn tất cả các mẫu iPhone trước đó. Trên thực tế, chiếc iPhone được cập nhật lâu nhất là iPhone 6S cũng chỉ được Táo khuyết hỗ trợ trong 6 năm liên tục.
Thế nhưng với mình, con số 7 năm lại không mang đến quá nhiều ý nghĩa cho Pixel 8. Thứ nhất, một chiếc điện thoại thường chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tốt nhất trong khoảng 3 – 5 năm. Minh chứng, chiếc Google Pixel đầu tiên ra mắt 7 năm trước hiện cho trải nghiệm sử dụng khá tệ, ngay cả khi đang chạy một bản Android đời thấp.
Thứ hai, việc những chiếc Pixel không được cập nhật lên Android mới có thể khắc phục bằng cách cài ROM. Ngay cả chiếc Google Pixel 2 6 năm tuổi đã có thể nâng cấp lên Android 13 thông qua bản ROM Pixel Experience. Trên thực tế, hãng chỉ hỗ trợ mẫu máy này tối đa Android 11.
Những điểm mình thích trên Pixel 8
Với mình, Pixel 8 mang đến cho mình trải nghiệm sử dụng rất mới so với đa số cái tên khác trên thị trường. Sự khác biệt thể hiện ở ba yếu tố chính bao gồm:
Thiết kế
Thiết kế trên Google Pixel 8 mang đến sự thân thiện, vui nhộn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều này khác xa với những Xiaomi 14 hay Galaxy S23, khi các nhà sản xuất cố gắng biến mặt lưng máy trở nên tối giản nhất có thể, phù hợp với vị thế sang trọng, cao cấp của một chiếc điện thoại đắt tiền.
Google vẫn trung thành với kiểu thiết kế camera trải dài toàn bộ chiều rộng mặt lưng từng xuất hiện lần đầu trên Pixel 6. Đến thế hệ năm nay, hãng thay đổi một chút khi hai ống kính có kích thước lớn hơn, thanh chứa camera dày hơn và phần viền cũng được làm vuông thành sắc cạnh hơn.
Với nhiều người, mặt lưng Pixel 8 có thể xấu hay không chạy theo xu hướng. Nhưng với mình, đây là một thiết kế nổi bật và khác biệt so với tất cả những đối thủ khác trên thị trường. Đặc biệt, Pixel 8 còn có tuỳ chọn màu Hồng rất đẹp, năng động và phù hợp với đối tượng người dùng trẻ tuổi. Điều này giúp mình thêm phần tự tin khi dùng máy ngoài trơi hay trước đám đông.
Về cảm giác cầm nắm, Pixel 8 mang lại sự nhỏ gọn, chắc chắn. Mặc dù mặt lưng làm từ kính bóng, nhưng máy không để lại quá nhiều vết bẩn. Trên thực tế, mình rất khó có thể nhận biết được vết vân tay bám trên mặt lưng máy nếu không nhìn nghiêng hay soi dưới ánh sáng đèn. Đổi lại, phần tiếp giáp giữa khung viền và mặt trước lại được Google vát khá phẳng. Điều này khiến mình bị cấn nhẹ mỗi khi vuốt từ mép màn hình.
Phần mềm
Vài năm qua, các hãng Trung Quốc tối ưu giao diện người dùng ngày càng mượt mà. Ngay cả Xiaomi từng bị phàn nàn rất nhiều trước kia cũng đã “bước ra ánh sáng” với HyperOS. Giao diện Pixel trên vẫn rất mượt, song sự khác biệt với các hãng Android đã không còn lớn như trước nữa. Tuy nhiên, Google vẫn biết cách để tạo ra điểm nhấn.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy hoạt ảnh chuyển động trên ColorOS, HyperOS hay OriginOS đang ngày càng chậm, giống với cách làm trên iOS. Điều này khiến mình có cảm giác máy nặng nề và không đạt được sự thanh thoát cần thiết. Đổi lại, hoạt ảnh trên Pixel lại nhanh hơn, năng động hơn. Tốc độ thu nhỏ của biểu tượng được duy trì trong suốt quá trình vuốt, chứ không nhanh đoạn đầu, chậm đoạn sau như thường thấy.
Android 14 cũng mang đến rất nhiều điểm mới trong giao diện, đặc biệt là màn hình khoá. Giờ đây, mình có thể tuỳ chỉnh rất nhiều mặt đồng hồ khác nhau, không còn giới hạn như trước đây nữa. Mỗi mặt lại mang đến sự thú vị và nét cá tính rất riêng. Chưa kể, các mặt đồng hồ còn có thể tương tác với màn hình Always-on Display. Mặc dù HyperOS cũng làm được điều này, nhưng Xiaomi lại không thể làm chuyển cảnh mượt và trơn tru như Google được.
Camera
Tại sự kiện ra mắt, Google giới thiệu rất nhiều tính năng AI khác nhau về camera trên Pixel 8 series, chẳng hạn như Best Take hay Zoom Enhance. Dù rất hay, rất thú vị, song trong quá trình sử dụng mình gần như không dùng đến những tính năng này. Là một người không dành nhiều thời gian cho nhiếp ảnh, mình muốn một chiếc máy chụp ảnh tốt thay vì chụp xấu rồi phải cải thiện chất lượng qua việc chỉnh sửa bằng các tính năng AI.
Tất nhiên, camera Pixel 8 làm tốt những gì mình kỳ vọng. Sau một vài bản cập nhật phần mềm, chất ảnh trên máy đã có sự cải thiện khi đỡ ám hồng hơn, khả năng xử lý HDR hay chi tiết cũng ổn định hơn. Màu sắc ảnh vẫn “đậm chất Pixel” khi hơi đậm và có phần nghệ thuật. Thuật toán xử lý màu này có thể không hợp với nhiều người, đặc biệt là các bạn nữ, song lại rất riêng và khác biệt so với các hãng khác.
Một số ảnh đủ sáng trên Pixel 8
Trong điều kiện thiếu sáng, ảnh trên Pixel 8 kéo lại nhiều sáng và tái tạo chi tiết tốt. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, máy tái tạo các bóng đèn không tốt khi bị cháy sáng và flare nhiều. Đổi lại, máy hỗ trợ quay video 4K ở cả camera trước và sau.
Một số ảnh thiếu sáng trên Pixel 8
Đáng mua, thế nhưng không phải bây giờ!
Nhìn chung, Pixel 8 mang đến một trải nghiệm sử dụng rất riêng mà mình khó có thể tìm thấy ở một chiếc điện thoại Samsung, OPPO hay iPhone nào khác. Dù vậy, đây lại không phải là chiếc máy mà bạn nên sở hữu, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Lý do là vì mức giá của Google Pixel 8 hiện còn rất cao. Tham khảo tại một số đại lý kinh doanh hàng xách tay, Pixel 8 đang có giá từ 16 – 17 triệu đồng cho phiên bản 8GB | 128GB.
Với 17 triệu đồng, mình hoàn toàn có những sự lựa chọn khác tốt hơn. Nếu muốn trải nghiệm loạt công nghệ mới nhất như màn hình 3.000 nits, Snapdragon 8 Gen 3 hay camera có thể thay đổi khẩu độ, mình có thể chọn Xiaomi 14 Pro. Còn nếu muốn một thiết bị an toàn, dễ sửa chữa và có tính thanh khoản tốt, Galaxy S23 Ultra hay iPhone 14 Plus cũ cũng là những lựa chọn rất đáng để tâm.
Khách quan mà nói, Pixel 8 không đáng mua không phải vì không tốt, mà là do giá quá cao. Đây là điều dễ hiểu vì ở thời điểm mới ra mắt, những chiếc Google Pixel thường bị đội giá lên khá nhiều, thậm chí tiệm cận với những mẫu iPhone hay Samsung cao cấp nhất tại thời điểm đó. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, máy lại mất giá rất nhanh, thậm chí đến 50% chỉ sau 1 năm ra mắt.
Chưa kể, Pixel 8 vẫn gặp lỗi vặt trong quá trình sử dụng. Những vấn đề như văng ứng dụng hay nóng lên bất thường dù không xuất hiện nhiều, song vẫn tác động ít nhiều đến trải nghiệm tổng thể.
Theo mình, Pixel 8 sẽ đáng mua sau ít nhất nửa năm nữa. Khi đó, mức giá của máy sẽ chỉ còn 12 – 13 triệu đồng. Google hứa hẹn cũng sẽ cải thiện trải nghiệm sử dụng, khắc phục những lỗi vặt thông qua cập nhật phần mềm. Khi đó, Pixel 8 sẽ là lựa chọn đáng giá cho những ai yêu thích một chiếc máy mới lạ, độc đáo và khác biệt so với phần còn lại trên thị trường.
Comments