Vật Vờ Đánh giá

Đánh giá ASUS Zenbook 14X OLED: ultrabook Windows dưới 20 triệu đáng mua nhất?

0

Phân khúc Ultrabook dưới 20 triệu đồng chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều thương hiệu khác nhau như Acer, MSI hay HP. Tuy nhiên, để lựa chọn ra một sản phẩm đáng mua nhất, mình cho rằng đó chính là ASUS Zenbook 14X OLED. Trong tầm giá này, nó có nhiều điểm nổi bật như màn hình vô cùng chất lượng, hiệu năng mạnh mẽ cùng sạc nhanh lên đến 100W.

Màn hình vô đối phân khúc

Thông thường, màn hình OLED được trang bị trên các mẫu laptop cao cấp với giá từ 30 – 40 triệu đồng. Tuy nhiên, ASUS rất hào phòng khi đem công nghệ này xuống phân khúc dưới 20 triệu đồng, cụ thể là ASUS Zenbook 14X OLED.

Trong khi các đối thủ cùng phân khúc còn đang loay hoay với màn hình LCD thì ASUS Zenbook 14X đã được trang bị tấm nền OLED. Nhờ đó, các nội dung được tái tạo trên màn hình này vô cùng rực rỡ, đậm đà; màu đen sâu và góc nhìn tốt. Thêm vào đó, chiếc laptop này có độ sáng tối đa 550 nits, khá đủ để sử dụng trên giảng đường, quán cafe hay những nơi không có ánh sáng quá gắt.

Những thông số khác trên ASUS Zenbook 14X OLED cũng rất nổi bật trong phân khúc. Thứ nhất, nó có độ phân giải lên đến 2,8K (2880 x 1800 pixels), cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn Full HD (1920 x 1800 pixel). Nhờ có độ phân giải lớn, mình có thể điều chỉnh mức DPI xuống thấp và hiển thị được nhiều nội dung hơn. Màn hình này cũng có tần số quét 90Hz, giúp chuyển động trở nên nhanh và mượt hơn.

Thứ hai, bốn viền màn hình trên ASUS Zenbook 14X OLED cực kỳ mỏng và đều nhau. So sánh với một mẫu ultrabook “quốc dân” khác là MacBook Air M1 thì cạnh viền trên chiếc Zenbook mỏng gấp đôi. Điều này giúp cải thiện hiệu ứng thị giác và tăng độ tập trung khi sử dụng chiếc laptop này.

Thứ ba, màn hình trên ASUS Zenbook 14X OLED có hỗ trợ cảm ứng. Đây là trang bị hiếm khi xuất hiện trên các mẫu ultrabook cùng tầm giá hoặc thậm chí là vượt tầm giá. Bên trong hộp phụ kiện, ASUS cũng tặng thêm một chiêc bút cảm ứng. Tuy nhiên, bản lề màn hình lại chỉ mở tối đa 180 độ, không được 360 độ nên cản trở khá nhiều trải nghiệm dùng bút trên chiếc laptop này.

Về loa, ASUS Zenbook 14X OLED có hai loa đặt cạnh phía dưới và được tinh chỉnh bởi Harman Kardon. Tuy vậy, chất lượng âm thanh trên chiếc laptop này chỉ ở mức trung bình, các dải tần không có sự tách bạch rõ ràng và âm lượng cũng không quá lớn.

Hiệu năng tốt, có thể chơi game

Bản thân những chiếc ultrabook hướng đến sự nhỏ gọn, mỏng nhẹ, thế nên chúng thường sử dụng những con chip tiết kiệm điện năng. Thế nhưng, ASUS lại trang bị trên Zenbook 14X OLED một con chip hiệu năng cao, đó là AMD Ryzen 5 5600H.

Trong phân khúc laptop dưới 20 triệu đồng, mình đánh giá Ryzen 5 5600H là một con chip tốt. Các bài chấm điểm benchmark trên con chip này cho hiệu năng ngang ngửa với những bộ xử lý Intel Gen 10, chẳng hạn như Core i5-10500H hay Core i5-11500H.

Tất nhiên khi đặt trên một chiếc ultrabook thì Ryzen 5 5600H sẽ bị giới hạn một phần hiệu năng. Tuy nhiên, ASUS Zenbook 14X OLED vẫn cung cấp sức mạnh tốt so với các đối thủ khác trong phân khúc.

Khi dùng một tác vụ sử dụng nhiều CPU như Adobe Lightroom Classic, ASUS Zenbook chỉ mất gần 2 phút để xuất 50 file ảnh RAW. Mình cũng thử render một file video 4K có dung lượng 2GB trên Adobe Premiere Pro và máy mất gần 13 phút để thực hiện. Con số này tuy không nhanh như MacBook Air M1, tuy nhiên vẫn là rất tốt nếu xét trên phương diện của một chiếc ultrabook.

Một vài kết quả benchmark và đo hiệu suất thực tế trên ASUS Zenbook 14X OLED

Bài testKết quả
Cinebench R23Single-Core: 1.364
Multi-Core: 8.050
Geekbench 6Single-Core: 1.882
Multi-Core: 7.025
Heaven BenchmarkFPS trung bình: 9,67
Premiere Pro
(Xuất video 4K 2GB)
13 phút 37 giây
Lightroom Classic
(Xuất 50 file ảnh RAW, có preset)
102,8 giây
Liên Minh Huyền Thoại
(Đồ hoạ: Trung, độ phân giải: 1920 x 1200)
Đầu trận: 220 – 250 FPS
Giữa trận: 130 – 150 FPS
Giao tranh tổng: 90 – 100 FPS

Mình cũng có thể chơi game trên ASUS Zenbook 14X OLED. Tuy nhiên, do bị giới hạn về không gian tản nhiệt, bạn chỉ nên chơi các tựa game nhẹ như Liên Minh Huyền Thoại và hạ mức đồ hoạ hợp lý để có trải nghiệm trọn vẹn nhất. Thêm vào đó, do sử dụng con chip hiệu năng cao, máy khá nhanh nóng ngay cả với các tác vụ hàng ngày như lướt Facebook hay dùng Adobe Photoshop.

Phiên bản tiêu chuẩn trên ASUS Zenbook 14X OLED có 8GB RAM và 512GB bộ nhớ SSD. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày của mình bao gồm 5 – 6 tab Google Chrome, Telegram và khoảng 6 – 7 layers trong Adobe Photoshop thì máy hết khoảng 6,7GB RAM. Con số này nhìn chung đủ, tuy nhiên nếu có nhu cầu sử dụng thêm Lightroom Classic, Google Chrome hay chơi game thì bạn nên cân nhắc nâng cấp phiên bản 16GB RAM.

Thiết kế và độ hoàn thiện

Là một chiếc ultrabook nên ASUS Zenbook 14X OLED mang trên mình sự nhỏ gọn và tiện lợi. Chiếc laptop này có khối lượng chỉ 1,4kg, tức chỉ nặng hơn MacBook Air M1 200g. Nhờ đó, mình có thể dễ dàng mang máy tới giảng đường, thư viện hay quán cafe.

Cạnh máy được làm khá vuông vức, thế nhưng đã được bo cong nhẹ ở mép nên không tạo cảm giác quá khó chịu khi cầm nắm. Tuy nhiên, bản lề trên chiếc Zenbook này lại khá sắc và không được bo cong. Điều này có thể gây cấn tay nếu người dùng cầm máy không đúng cách.

ASUS Zenbook 14X OLED được hoàn thiện từ chất liệu nhôm bền bỉ. Chiếc laptop này thậm chí còn đạt chứng chỉ độ bền tiêu chuẩn quân đội MIL-STD-810H. Ở mặt trước, máy vẫn sử dụng triết lý thiết kế Zen quen thuộc với các vòng tròn đồng tâm. Cách làm này tuy không mới, thế nhưng vẫn đẹp và giúp ASUS tạo khác biệt với các đối thủ khác.

Chuyển sang cạnh bên, số lượng cổng kết nối có trên ASUS Zenbook 14X OLED nằm ở mức tiêu chuẩn. Ở cạnh trái, chúng ta có hai cổng USB-C 3.2 Gen 2 và một cổng HDMI. Lật sang cạnh phải, máy trang bị một cổng USB-A 3.2 Gen 2, một jack tai nghe 3.5mm và khe cắm thẻ nhớ microSD.

Bàn phím và trackpad

Khi mở máy, bản lề trên chiếc ASUS Zenbook 14X OLED sẽ nâng phần thân lên một chút, tạo góc mở so với mặt phẳng. Điều này vừa giúp thiết bị có thể tản nhiệt, vừa giúp cảm giác gõ phím trên chiếc máy này trở nên thoải mái hơn. Đây là thiết kế ErgoLife và đã được ASUS áp dụng trên rất nhiều mẫu laptop khác của hãng.

Bàn phím trên chiếc laptop này sử dụng thiết kế tenkeyless (loại bỏ hàng phím số). Các phím cho cảm giác gõ tốt, độ nảy sâu, hành trình vừa phải và hỗ trợ đèn LED để sử dụng vào ban đêm. Ngoài ra, sản phẩm này cũng tích hợp cảm biến vân tay trực tiếp vào phím Nguồn.

Tuy nhiên, mình không đánh giá quá cao trackpad trên ASUS Zenbook 14X OLED. Nó cho cảm giác nhấn khá rời rạc và tiếng “lọc cọc” khó chịu. Đổi lại, trackpad này có tích hợp bàn phím số cảm ứng, khá tiện ích với những người thường xuyên làm việc với các công cụ tính toán.

Pin và sạc

ASUS Zenbook 14X OLED được trang bị viên pin Li-ion 3 cells với dung lượng 63Whrs. Với các tác vụ hỗn hợp gồm lướt Facebook, xem YouTube và chơi game thì máy đạt được khoảng 6 giờ sử dụng liên tục. Đây là con số ổn đối với một mẫu ultrabook Windows, thế nhưng vẫn chưa thể so sánh được với MacBook Air M1 khi thiết bị này có thể dùng tới 10 giờ liên tục.

Về sạc, chiếc laptop này hỗ trợ công suất tối đa 100W thông qua cổng USB-C. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng củ sạc này cho các thiết bị khác như MacBook, điện thoại Samsung hay Google Pixel.

Tổng kết: ASUS Zenbook 14X OLED liệu có đáng mua?

Tóm lại, mình có thể khẳng định ASUS Zenbook 14X OLED là một trong những chiếc ultrabook Windows đáng mua nhất trong phân khúc dưới 20 triệu đồng. Nó có nhiều yếu tố khác biệt trong phân khúc mà điển hình nhất đến từ chính màn hình OLED cao cấp cùng khả năng hỗ trợ cảm ứng. Tuy nhiên, ASUS Zenbook 14X OLED vẫn có một số điểm yếu như trackpad không quá xuất sắc, máy nhanh nóng và thời lượng pin không thật sự tốt.

Tham khảo thêm thông tin về ASUS Zenbook 14X OLED tại đây.

nubia Z50s Pro về Việt Nam với giá 12 triệu: Snapdragon 8 Gen 2 siêu mạnh, thiết kế độc đáo

Previous article

Đánh giá Sony WF-1000XM5: Tai nghe TWS đáng mua nhất?

Next article