Vật Vờ Đánh giá

Thử chuyển MacBook sang làm việc trên laptop Windows ARM: có cái sướng, nhưng cũng nhiều bất cập!

0

Ở thời điểm hiện tại, laptop ARM được xem là xu hướng khi nhiều ông lớn đều đã “nhảy vào cuộc chơi”. Sau “phát súng” đầu tiên của Apple với MacBook Air M1 2020, các thương hiệu khác cũng đã lần lượt trình làng loạt laptop chạy những con chip ARM như Snapdragon X Plus hay Snapdragon X Elite.

Trong bài viết này, mình sẽ sử dụng ASUS Vivobook S 15 OLED, một chiếc laptop Windows ARM

Mình đã có một thời gian ngắn để chuyển từ MacBook Air M1 sang ASUS Vivobook S 15 OLED, một mẫu laptop Windows ARM chạy Snapdragon X Elite. Điểm chung của cả hai mẫu máy này đều là hiệu năng mạnh, tối ưu nhiệt độ rất tốt và không hề giảm hiệu năng khi rút sạc. Song, khả năng tối ưu phần mềm vẫn là điều mẫu laptop của ASUS chưa làm tốt như đối thủ.

Mát và mạnh

“Mát và mạnh” là những nhận xét của mình sau khoảng hơn 2 năm sử dụng MacBook Air M1, một chiếc laptop sử dụng chipset Apple M1. Và điều đó vẫn được giữ lại trên ASUS Vivobook S 15 OLED. Thậm chí, mình còn nhận được thêm nhiều trải nghiệm mới khi sử dụng chiếc laptop này.

Công việc hàng ngày của mình liên quan chủ yếu đến viết lách và tương tác với mạng xã hội. Các tác vụ như lướt Facebook, gõ văn bản trên Google Docs, Google Sheets hay WordPress chủ yếu được thực hiện qua trình duyệt Google Chrome. Tại đây, ASUS Vivobook S 15 OLED cho trải nghiệm rất mượt mà. Tình trạng khựng, giật gần như không xuất hiện, ngay cả khi thao tác với nhiều tab, nhiều cửa sổ Chrome cùng lúc.

Tuy nhiên, đó là điều mà những chiếc laptop Windows chạy Intel Core Ultra cùng tầm giá có thể làm được. Thậm chí, chiếc MacBook Air M1 4 năm tuổi của mình cũng thể hiện những trải nghiệm tương đương. Điều khiến ASUS Vivobook S 15 OLED nói riêng, cũng như các mẫu laptop Windows chạy Snapdragon X Elite nói chung gây ấn tượng đến từ ba yếu tố: nhiệt độ, pin và hiệu năng khi rút sạc.

Nhiệt độ: Trước đây, mình có cơ hội trải nghiệm những mẫu laptop chạy Intel Core Ultra 7 155H. Dù cho hiệu năng thuần rất tốt, thế nhưng điểm yếu cố hữu trên các sản phẩm này đến từ nhiệt độ. Ngay cả khi chỉ mở 2 – 3 tab mạng xã hội trên Google Chrome, máy vẫn nóng lên khá rõ ở cả phần mặt đáy (mặt D) cũng như khu vực bên trên hàng phím số. Nếu đặt laptop lên đùi để làm việc, người dùng có thể thấy khó chịu do nhiệt phả ra.

Trong khi đó, ASUS Vivobook S 15 OLED lại trái ngược hoàn toàn. Với các tác vụ cơ bản, máy hoạt động rất mát mẻ. Ngay cả khi cắm sạc và dùng Photoshop để chỉnh ảnh RAW, máy chỉ ấm nhẹ ở khu vực bên trên hàng phím số. Còn lại, trải nghiệm làm việc gần như không gặp gián đoạn.

Thời lượng pin: Khi làm việc, mình thường kết nối laptop với màn hình rời để làm việc. Điều này khiến thiết bị hao pin hơn khi cần phải chia sẻ nhiều tài nguyên hơn. Thế nhưng, khi dùng ASUS Vivobook S 15 OLED, máy vẫn cho ra thời gian sáng màn hình trung bình khoảng 6 – 7 giờ liên tục. Với cùng điều kiện trên, chiếc MacBook Air M1 của mình chỉ có thể trụ trong vòng 5 giờ.

Mình cũng đã so sánh thời gian dùng pin trên ASUS Vivobook S 15 OLED và MacBook Air M2 15 inch. Kết quả, với cùng một điều kiện sử dụng, mẫu laptop đến từ ASUS cho ra thời gian sáng màn hình cao hơn 1 giờ so với đối thủ.

Tác vụThời gian dùngASUS Vivobook S15 OLED
Macbook Air 15”
Thông sốSnapdragon X Elite
70 Whrs
Apple M2
66,5 Whrs
Xem Netflix60 phút90%86%
Lightroom40 phút51%64%
Google Meet60 phút42%45%
Website load75 phút20%16%
Netflix40 phút15%0%
Netflix70 phút0%
Thời gian sử dụng5 giờ 45 phút4 giờ 35 phút

Hiệu năng khi rút sạc: Trước đây, khi dùng laptop Windows, mình thường có thói quen vừa sạc vừa sử dụng. Điều này nhằm khắc phục điểm yếu liên quan đến pin, vừa đảm bảo thiết bị có thể hoạt động hiệu quả nhất, không bị giới hạn hiệu năng. Thế nhưng, với ASUS Vivobook S 15 OLED, thói quen đó đã thay đổi. Mình chỉ cần sạc pin qua đêm, sáng hôm sau dậy và không cần mang thêm bất cứ bộ sạc nào khác. Thiết bị vẫn có thể đảm bảo hiệu năng cao nhất ngay cả khi rút sạc.

Để kiểm chứng, mình có thử đo thời gian xuất 1.000 ảnh RAW giữa ASUS Vivobook S 15 OLED và một vài mẫu MacBook khác. Kết quả, thời gian xuất ảnh trên chiếc laptop này không có sự khác biệt giữa việc có sạc và không sạc. So với MacBook Air M2 15 inch hay MacBook Pro M3 14 inch, kết quả trên mẫu laptop ASUS cũng khá ấn tượng.

ASUS Vivobook S 15 OLEDMacbook Air M2 15”Macbook Pro M3 14”
Rút sạcCắm sạcRút sạcRút sạc
10 phút 34 giây10 phút 28 giây15 phút 18 giây8 phút 10 giây

Nhưng vẫn còn nhiều điều bất cập

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, laptop Windows chạy Snapdragon X Elite nói riêng và ARM nói chung chỉ hoạt động tốt nhất với các ứng dụng native, chẳng hạn như Google Chrome. Công việc của mình hàng ngày còn có thêm các tác vụ khác như chỉnh sửa ảnh qua Photoshop và hậu kỳ video qua CapCut PC. Khi này, những vấn đề bắt đầu xuất hiện.

Đầu tiên, mình trao đổi công việc với đồng nghiệp trong công ty qua Telegram và Lark. Ở thời điểm hiện tại, hai ứng dụng này chưa native được với laptop Windows ARM và sẽ chạy thông qua trình giả lập. Với Telegram, mọi chuyện không có nhiều vấn đề do đây là ứng dụng nhẹ. Còn với Lark, tình trạng khựng, lag xuất hiện rất thường xuyên. Khi bấm vào một đường link hay không gian làm việc (workspace), máy có thể mất đến 3 giây trước khi thao tác thành công.

Với CapCut PC, vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Khi cố gắng khởi chạy, ứng dụng chỉ hiện màn hình chờ, sau đó tự động crash. Đáng nói, trong quá trình cài đặt, CapCut PC vẫn báo “Hệ thống của bạn có thể sử dụng ứng dụng mượt mà”, tức là hỗ trợ native với mẫu laptop này.

Ngay cả với một ứng dụng đã native với laptop Windows ARM như Adobe Photoshop, trải nghiệm trên ASUS Vivobook S 15 OLED cũng chưa thật sự tối ưu. Khi chỉnh ảnh bằng Camera RAW, tình trạng giật, khựng diễn ra thường xuyên, đặc biệt là khi chọn vùng (mask).

Lời khuyên trước khi mua laptop Windows ARM

Trên đây chỉ là bốn trong số những vấn đề liên quan đến tối ưu phần mềm trên ASUS Vivobook S 15 OLED nói riêng, cũng như laptop chạy Snapdragon X Elite nói chung. Thực tế cho thấy con chip ARM này hoạt động chưa ổn định với rất nhiều ứng dụng khác nhau, không chỉ các tác vụ văn phòng bên trên.

Để hoạt động một cách ổn định nhất, các ứng dụng cần được hỗ trợ native với laptop Windows ARM. Song, đây không phải điều đơn giản. Khác với macOS, các ứng dụng trên Windows đa dạng hơn rất nhiều, trải dài trên gần như mọi nhu cầu khác nhau từ đồ hoạ, lập trình hay vẽ kỹ thuật. Đáng nói, có nhiều ứng dụng trong số đó đã ngừng phát triển, vì thế người dùng khó có thể chờ đến thời điểm chúng được tối ưu native với Windows ARM được.

Với Apple, việc tối ưu cho Apple Silicon dễ dàng hơn do họ làm chủ toàn bộ hệ sinh thái. Dù vậy, sau 4 năm ra mắt con chip ARM đầu tiên mang tên Apple M1, vẫn còn nhiều ứng dụng và trò chơi chưa được tối ưu cho nền tảng mới này. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi sang kiến trúc mới là một hành trình dài, ngay cả đối với một công ty lớn như Apple.

Vì thế, trước khi mua laptop Windows ARM như ASUS Vivobook S 15 OLED, người dùng cần tìm hiểu kỹ xem sản phẩm có gặp vấn đề nào về tối ưu phần mềm hay không. Cách làm đơn giản nhất là người dùng sẽ liệt kê toàn bộ ứng dụng thường xuyên sử dụng. Sau đó, họ có thể tìm kiếm thông tin trên website của ứng dụng đó để xem đã tương thích với nền tảng ARM hay chưa.

Nếu những ứng dụng thường xuyên sử dụng đã tương thích, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu laptop Windows ARM nhằm mang đến những lợi ích lớn như pin tốt, nhiệt độ mát mẻ và không bị giảm hiệu năng khi rút sạc. Còn không, ở thời điểm hiện tại, những mẫu laptop chạy Intel Core Ultra Lunar Lake hay AMD Ryzen truyền thống vẫn là lựa chọn an toàn và hợp lý hơn cả.

Apple quên mất lời hứa cung cấp tùy chọn quyền riêng tư trên macOS từ năm 2021

Previous article

So sánh Google Pixel 9 Pro Fold và Galaxy Z Fold6

Next article

Comments

Comments are closed.