Tuần trước, YouTube đã triển khai chiến dịch nhằm ngăn chặn người dùng trên toàn cầu sử dụng các trình chặn quảng cáo, đồng thời khuyến khích họ dùng thử gói YouTube Premium. Theo Android Authority, lượng người dùng gỡ bỏ trình chặn quảng cáo đã gia tăng một cách đáng kể nhờ chiến dịch mới. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng gặp một số phản ứng trái chiều khi nhiều người dùng đã chuyển sang sử dụng các trình chặn quảng cáo mới thay vì đăng ký gói trả phí.
Báo cáo về số lượt cài và gỡ cài đặt trình chặn quảng cáo sau khi YouTube áp dụng chiến dịch mới
Theo báo cáo từ tạp chí Wired, giám đốc của trình chặn quảng cáo Ghostery cho biết, họ ghi nhận số lượng cài đặt và gỡ cài đặt tăng gấp 3 đến 5 lần trong tháng 10 vừa rồi. Cụ thể, trong bài khảo sát lý do gỡ cài đặt, hơn 90% người dùng trong đó cho biết họ gỡ trình chặn quảng cáo này là vì YouTube chặn xem video. Trong khi đó, số lượt cài đặt của Ghostery trên trình duyệt Microsoft Edge đã tăng 30% sau khi YouTube áp dụng chiến dịch mới.
Bên cạnh Ghostery, trình chặn quảng cáo AdGuard cũng chia sẻ với tạp chí Wired rằng, họ thường thấy khoảng 6.000 lượt gỡ cài đặt mỗi ngày trên Chrome. Thế nhưng, lượt gỡ cài đặt đã tăng lên con số 11.000 mỗi ngày (từ ngày 9/10 đến cuối tháng 10) và đỉnh điểm là 52.000 lượt gỡ cài đặt vào ngày 18/10. Trong khi đó, số lượt cài đặt mới của AdGuard cũng tăng lên một cách chóng mặt khi họ ghi nhận khoảng 60.000 lượt cài trên trình duyệt Chrome vào ngày 18 và 27/10. Theo chia sẻ từ AdGuard, lượng người dùng đăng ký gói trả phí cũng được gia tăng sau khi họ phát hiện gói trả phí của trình chặn quảng cáo này không bị YouTube chặn xem video.
Dựa theo báo cáo trên, có thể thấy chiến dịch mới của YouTube đang bị phản tác dụng khi người dùng đang có xu hướng tìm các trình chặn quảng cáo tốt hơn thay vì đăng kí gói trả phí Premium. Một số người thậm chí còn chuyển sang sử dụng Newpipe, một trang web có khả năng phát video từ YouTube và không có quảng cáo. Nếu không sử dụng tiện ích và Newpipe, người dùng sẽ phải đăng ký gói YouTube Premium để xem video không quảng cáo.
Theo: Android Authority, Weird
Comments