Apple đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất tại Ấn Độ, nhất là khi sản lượng linh kiện kém và tiến độ chậm, Financial Times đưa tin.
Tại một nhà máy chuyên sản xuất vỏ iPhone của tập đoàn Tata Group (Ấn Độ), cứ hai linh kiện được xuất ra thì chỉ 1 trong số đó đảm bảo chất lượng để chuyển tới lắp ráp tại Foxconn. Đây là con số thiệt hại rất lớn, đặc biệt là khi nguồn cung linh kiện không còn dồi dào như trước. Thêm vào đó, tỷ lệ hỏng lên tới 50% cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ và lợi nhuận của Apple lẫn đối tác cung cấp.
Trong một bài phỏng vấn với Financial Times, các cựu kỹ sư của Apple cho biết, các nhà cung cấp iPhone tại Trung Quốc làm mọi cách để có được đơn hàng một cách nhanh nhất có thể. Mặt khác, các hoạt động tại Ấn Độ lại không thể bắt kịp với yêu cầu trên.
Vì thực trạng này, Apple dường như đang tập trung vào một kế hoạch dài hạn để nâng cao trình độ sản xuất trong nước. Táo Khuyết đã gửi các nhà thiết kế và kỹ sư sản phẩm từ California và Trung Quốc đến các nhà máy ở miền Nam Ấn Độ để đào tạo người dân địa phương để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trước đó, Apple bắt đầu sản xuất các mẫu iPhone cấp thấp, bắt đầu với iPhone SE, tại Ấn Độ vào năm 2017. Năm ngoái, Apple đã đẩy mạnh việc sản xuất tại Ấn Độ khi sản xuất một số mẫu iPhone 14 tại nước này trong vòng vài tuần sau khi ra mắt tại Trung Quốc.
Tata Group được cho là có tham vọng trở thành nhà cung cấp đầy đủ các linh kiện và dịch vụ cho Apple trong tương lai. Tập đoàn này đang đàm phán để tiếp quản nhà máy lắp ráp iPhone Wistron tại Karnataka. Đây là động thái để giúp Apple đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều năm tới.